Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Ông Tập Cận Bình chính thức cùng Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình đi vào lịch sử ĐCSTQ


Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực của mình vào ngày 11/11 bằng cách chỉ đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thông qua một nghị quyết lịch sử nhằm đặt ông Tập ngang hàng với những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử của chế độ.

Kết thúc cuộc họp kín kéo dài 4 ngày của hơn 300 đảng viên ở Bắc Kinh, nghị quyết nêu rõ: “Việc xác lập vị trí cốt lõi của Tập Cận Bình đối với Ban Chấp hành Trung ương và toàn Đảng, cũng như “vai trò chỉ đạo” của tư tưởng Tập Cận Bình, “có ý nghĩa quyết định trong việc thúc đẩy đất nước Trung Quốc tiến tới một sự trẻ hóa lớn”.

Nghị quyết được thông qua vào ngày 11/11 là nghị quyết thứ ba mà chế độ này đã thông qua trong suốt lịch sử 100 năm của mình, đặt ông Tập ngang hàng với hai người tiền nhiệm quyền lực nhất: Mao Trạch Đông, nhà lãnh đạo đầu tiên của chế độ này và Đặng Tiểu Bình, người đã mở cửa kinh tế Trung Quốc.

Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19, ông Tập, người hiện đã lãnh đạo chế độ trong gần một thập kỷ, được cho là đã tạo ra trường phái tư tưởng của riêng mình. Các quan chức ca ngợi đây là “bản chất” của “chủ nghĩa Mác đương đại” và là “Tinh thần của đất nước Trung Quốc”.

Ông Tập dự kiến ​​sẽ đảm bảo một nhiệm kỳ 5 năm nữa vào năm 2022 trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20, một động thái sẽ phá vỡ truyền thống gần ba thập kỷ là giới hạn các lãnh đạo Đảng chỉ có hai nhiệm kỳ.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 09/10/2021. Hình AFP/Getty

Trong nhiều tháng qua, ông Tập đã giám sát một chiến dịch cải cách kinh tế và chính trị đang leo thang ảnh hưởng đến một loạt các lĩnh vực trên toàn xã hội Trung Quốc. Đây là một động thái, mà theo các chuyên gia cho rằng, là một trong những bước để ông đảm bảo cho một nhiệm kỳ khác.

Nghị quyết một phần là để tôn vinh ông Tập. Nghị quyết này nhấn mạnh ĐCSTQ dưới sự lãnh đạo của ông Tập đã “đánh bại một loạt rủi ro và thách thức lớn” và đưa đất nước tiến tới một “bước chuyển mình lịch sử”. Ví dụ mà nghị quyết đưa ra bao gồm chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng của ông Tập, việc tái thiết Hồng Kông, và “vị trí thống trị” của chế độ này trước Đài Loan.

Văn bản dài hơn 7,000 từ đã chia lịch sử của ĐCSTQ thành 4 giai đoạn, với việc ông Tập được xác định là nhà lãnh đạo chủ chốt trong “kỷ nguyên mới” của chế độ khi ĐCSTQ bước qua 100 năm đầu tiên, tức là đã tròn một thế kỷ vào năm 2021.

Các đại biểu của ĐCSTQ đã nhất trí bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết bằng việc giơ tay.

Ông Tập Cận Bình chính thức cùng Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình đi vào lịch sử ĐCSTQ - Ảnh 1.
Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 19 củng cố thêm vị trí cốt lõi của Tập Cận Bình, nêu bật vị trí lịch sử của Tư tưởng Tập. Hình Visual China

Yeau-tarn Lee, một học giả Đài Loan nghiên cứu về Trung Quốc đương đại, cho biết kết quả như trên không có gì đáng ngạc nhiên dưới sự cai trị của chế độ này, nơi “chỉ có thể nghe thấy một tiếng nói [một chiều]”.

“Không ai dám phản đối,” ông cho biết.

Trong khi sự nhấn mạnh duy nhất trong cuộc họp dường như là về “những thành tựu vẻ vang của ĐCSTQ,” nghị quyết cho thấy một số dấu hiệu lo lắng trong giới lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, khi ông Lee trích dẫn lời kêu gọi của các quan chức về sự đoàn kết trong Đảng.

ĐCSTQ hiện giờ đang ở trong tình thế ngặt nghèo.

Trong nước, ông Tập phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng, giá hàng hóa tăng cao, các vấn đề tài chính trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc và nền kinh tế đang chùng xuống. Bên ngoài Trung Quốc, áp lực quốc tế ngày càng gia tăng thách thức sự đàn áp của chế độ này ở Hồng Kông và Tân Cương, cũng như theo dõi gắt gao đối với hành vi bị cáo buộc là che đậy nguồn gốc đại dịch.

“Điểm chính là ĐCSTQ sẽ không từ bỏ quyền lãnh đạo, và cốt lõi của nó là Tập Cận Bình,” ông Lee cho biết. (The Epoch Times)