Thursday, January 23, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Putin và Tập đều tránh đề cập vấn đề Ukraine trong cuộc gặp chung


Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Nga đã tổ chức một cuộc gặp song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải vào thứ Năm (15/9). Về vấn đề nhạy cảm của cuộc chiến Ukraine, ông Tập Cận Bình đã chọn cách im lặng. 

(Từ trái sang) Tổng thống Mông Cổ Ukhnaa Khurelsukh, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổ chức cuộc gặp ba bên, bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Samarkand, Uzbekistan, hôm 15/9/2022. Hình Sputnik/AFP/Getty

Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình xoay quanh cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine và các hành vi quấy rối quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan.

Theo hình ảnh từ cuộc gặp, ông Tập Cận Bình và ông Putin giữ khoảng cách khá xa quanh chiếc bàn tròn dài.

Mặc dù Tập Cận Bình gọi ông Putin là “bạn cũ” sau cuộc gặp, nhưng từ những tuyên bố công khai của hai bên, cả hai nhà lãnh đạo có rất ít sự thừa nhận lẫn nhau. Ông  Tập Cận Bình vẫn không công khai đề cập đến cuộc chiến Ukraine, nhưng ông Putin đã đi đầu trong việc bày tỏ sự ủng hộ cao độ đối với lập trường của ĐCSTQ về Đài Loan.

Ông Putin nhắc đến Đài Loan, ông Tập Cận Bình tránh Ukraine

Trong bài phát biểu khai mạc, ông Putin ca ngợi “lập trường cân bằng của ông Tập trong cuộc khủng hoảng Ukraine”, gọi ông là “người bạn Trung Quốc của chúng tôi”, theo một tuyên bố của Điện Kremlin. Ngoài ra, ông Putin cũng chủ động nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan và công kích các quốc gia phương Tây.

“Chúng tôi rất coi trọng lập trường cân bằng của những người bạn Trung Quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine, và chúng tôi hiểu các câu hỏi và mối quan tâm của các bạn về vấn đề này. Tại cuộc họp hôm nay, tất nhiên chúng tôi sẽ làm rõ vấn đề này một cách chi tiết”, ông Putin nói trong phần mở đầu.

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin chụp ảnh bên lề hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Samarkand, Uzbekistan, hôm 15/09/2022. Hình Sputnik/AFP/Getty

Tờ Al Jazeera cho biết phản ứng của ông Tập trong cuộc gặp song phương rất “đáng ngạc nhiên”.

Ông Tập Cận Bình chỉ nói một cách chung chung rằng Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga để “thể hiện trách nhiệm của một nước lớn, đóng vai trò hàng đầu và tạo ra sự ổn định trước một thế giới đầy sóng gió”, nhưng ông không nói chi tiết.

“Trách nhiệm của một nước lớn” là cụm từ được Bắc Kinh sử dụng khi chỉ trích Mỹ và các quốc gia phương Tây. Thế giới bên ngoài cũng có phần “nghi hoặc” về việc ông Tập Cận Bình ám chỉ rằng Trung Quốc và Nga đang hợp tác chống lại phương Tây.

Ông Tập cũng nói rằng Trung Quốc sẽ ủng hộ các lợi ích cốt lõi của Nga, nhưng tránh đề cập chi tiết, bao gồm việc có ủng hộ quan điểm của Nga trong cuộc chiến Ukraine hay không, vốn là chìa khóa để kiểm tra ranh giới của tình hữu nghị Trung – Nga. Ngoại lệ duy nhất là Tập Cận Bình đã nghe theo lời ông Putin và tuyên bố công khai về vấn đề Đài Loan.

Bắc Kinh không muốn nhảy vào biển lửa với Nga

Tờ Washington Post đưa tin, đối với ông Tập Cận Bình, đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trong gần 3 năm, đánh dấu thành tựu ngoại giao của ông trước thềm Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ.

(Từ trái sang) Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Samarkand, Uzbekistan, hôm 15/9/2022. Hình Sputnik/AFP/Getty

Tuy nhiên, ông Tập không có khả năng cung cấp cho ông Putin sự hỗ trợ cụ thể nào khác. Động thái này có thể sẽ phải đối mặt với các phản ứng từ phương Tây, làm trầm trọng thêm các thách thức trong nước, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại, khủng hoảng nhà ở và sự bất mãn của công chúng với chính sách zero COVID-19 hà khắc ngày một leo thang.

Ông Craig Singleton – thành viên cấp cao về Trung Quốc tại Tổ chức Bảo vệ các nền Dân chủ (China fellow at the Foundation for Defense of Democracies) và là một cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ, nói với tờ Washington Post rằng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra sau khi Nga hứng chịu thảm họa trên chiến trường Ukraine. Chỉ vài ngày sau khi hứng chịu những thất bại này, “Ông Putin gần như chắc chắn hiểu rằng sự ủng hộ của Trung Quốc đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine có mang lại hiệu quả”.

Ông Seva Gunitsky, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Toronto, nói rằng vì Trung Quốc phụ thuộc chặt chẽ vào thương mại với phương Tây, điều đó có nghĩa là Bắc Kinh sẽ không muốn làm bất cứ điều gì có thể gây nguy hiểm cho việc tái thiết nền kinh tế của họ sau đại dịch COVID-19.

Ông tin rằng thái độ của Trung Quốc đối với ông Putin là tiếp tục ủng hộ nhà lãnh đạo Nga “bằng lời nói”, nhưng “đặt cược” vào mọi tiến triển hơn nữa đối với Moscow.

Ông Gunitsky nói với tờ Al Jazeera rằng: “Đây không phải là thời điểm thích hợp để chấp nhận rủi ro và viện trợ cho Nga, đặc biệt là khi Nga đang đạt được những bước tiến rất nhỏ trong cuộc chiến”.

Trong bức ảnh do Tân Hoa Xã công bố, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng giữa, được chào đón bởi Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev, phải, khi ông đến Samarkand, Uzbekistan. Hình Li Xueren/AP

Ông Tập lo ngại sẽ bị trừng phạt nếu giúp đỡ Nga quá nhiều

Ông Alexander Gabuev, một thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace – CEIP), đã phân tích trên tạp chí Foreign Affairs rằng cả ông Tập và ông Putin đều có chung tâm lý “nhớ nhung và phẫn uất”, trong khi cả hai đều cáo buộc phương Tây đã “tấn công” họ. Nhưng Trung Quốc cũng hiểu rõ rằng, việc hỗ trợ quá nhiều cho Nga có thể khiến nước này hứng chịu các lệnh trừng phạt.

Trung Quốc đã là một đối tác thương mại quan trọng của Nga, và việc Trung Quốc mua dầu từ Nga đã giúp bù đắp sự sụt giảm xuất khẩu của Nga sang châu Âu, mặc dù Bắc Kinh cũng đã hết sức cẩn thận để tránh vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tuy nhiên, quá ít sự ủng hộ dành cho ông Putin có thể gây nguy hiểm cho mối quan hệ giữa hai quốc gia, vì Trung Quốc và Nga có chung đường biên giới dài hơn 4.000 km, cũng như nhu cầu kinh tế và thương mại phụ thuộc lẫn nhau. Theo đó, Trung Quốc đổi năng lượng và nguyên liệu thô giá rẻ của Nga để lấy tính thanh khoản ở nước này.

Trước đó, Điện Kremlin cho biết quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thương mại giữa hai nước tăng 1/4 trong năm nay so với năm 2021, trong đó thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc cán mốc kỷ lục 1,400 tỷ USD.

Bắc Kinh được cho là có khả năng sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ ngoại giao cho Nga trong mối quan hệ đối tác nhằm chống lại sự thống trị của Washington đối với trật tự quốc tế, đồng thời vẫn tuân thủ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby nói với đài CNN hôm thứ Năm (15/9) rằng ông không nghĩ rằng các quốc gia khác sẽ “khoanh tay đứng nhìn” trước tình hình ở Ukraine.

Ông nói: “Cả thế giới nên chống lại những điều ông Putin đang làm”.

“Đây không phải là thời điểm cho bất kỳ loại thỏa thuận nào với ông Putin”, ông nói thêm sau cuộc họp.

Chỉ khi có chung lợi ích, Trung Quốc và Nga mới cổ vũ cho nhau

Ông Bobo Lo, một thành viên không thường trú tại Viện Lowy, một tổ chức tư vấn của Úc, tin rằng cuộc chiến Ukraine đã làm lộ ra những giới hạn trong mối quan hệ Trung – Nga, thay vì tạo điều kiện cho sự mở rộng của mối bang giao giữa hai nước này.

Ông nói rằng khi đạt được điểm chung về lợi ích, Trung Quốc và Nga mới cổ vũ lẫn nhau và sẽ cung cấp cho nhau sự hỗ trợ về mặt đạo đức và chính trị. Nhưng về mặt chiến lược, cả hai đều là những tác nhân tự chủ với sức ảnh hưởng hạn chế đến hành vi của đối phương.

Ông cho rằng quan hệ Trung – Nga vẫn chưa được đẩy lên một đường hướng hợp tác mới và triển vọng dài hạn của hai bên không mấy lạc quan.

Ông Lo cho biết việc Nga xâm lược Ukraine cũng đã làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đài Loan, vì cả lưỡng đảng ở Hoa Kỳ hiện đã đạt được sự đồng thuận về sự cần thiết phải bảo vệ Đài Loan, điều này cũng có nghĩa là đối đầu với Bắc Kinh.

Bắc Kinh ngày càng thấy mình mâu thuẫn với các nước phương Tây về vấn đề Đài Loan và tình trạng vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Ông Lo nói rằng nếu Hoa Kỳ sẵn sàng nỗ lực để bảo vệ Ukraine, thì họ cũng phải dứt khoát trong việc bảo vệ Đài Loan, bởi vì ông Putin đã “nêu một tấm gương rất xấu”.

Ông nói: “Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã trở thành một ví dụ tiêu cực về cách một nhà nước độc tài theo đuổi lợi ích của mình”. (T/H, NTD)