Omicron khiến số người mắc lại COVID tăng cao
Kể từ khi biến thể Omicron xuất hiện, số người mắc lại COVID-19 tăng mạnh. Đây là điều chưa từng thấy trước đó đối với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2.
Theo các nhà nghiên cứu, biến thể mới đang khiến làn sóng tái mắc COVID-19 tăng bởi biến thể Omicron có khả năng tấn công hàng rào miễn dịch của cơ thể.
Miễn dịch do lần mắc trước đó kém hiệu quả hơn trước Omicron so với các biến thể khác trong việc bảo vệ chống nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ COVID-19 chuyển biến nặng đối với Omicron thấp.
Omicron “xuyên thủng” miễn dịch có được nhờ tiêm vắc-xin hay từ lần mắc trước đó
“Tình hình hiện nay thực sự khác biệt. Chúng ta đang nói về một loại biến thể với nhiều đặc tính tấn công hệ miễn dịch hơn”, Laith Abu-Raddad – chuyên gia dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại trung tâm y khoa Weill Cornell Medicine- Qatar ở Doha nói.
Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Omicron có thể vượt qua hàng rào miễn dịch tạo ra bởi vắc-xin. Giờ đây, Abu-Raddad và các chuyên gia khác đang nghiên cứu xem Omicron có thể tấn công các kháng thể sản sinh từ các lần nhiễm virus SARS-CoV-2 trước đó như thế nào.
Khả năng Omicron gây lây nhiễm cho người đã tiêm vắc-xin hay từng mắc trước đó chính là nguyên nhân khiến các ca mắc COVID-19 tăng vọt.
Marm Kilpatrick – nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học (ĐH) California ở Santa Cruz, California (Mỹ).
“Xác định tỷ lệ tái nhiễm là điều quan trọng nhằm đánh giá làn sóng lây nhiễm và tiên lượng trước khả năng ứng phó của các bệnh viện.”, Catherine Bennett- nhà dịch tễ học tại ĐH Deakin ở Melbourne, Australia cho biết.
Tái mắc COVID-19 tăng “phi mã” ở Anh quốc
Những dấu hiệu đầu tiên về đặc tính tấn công hệ miễn dịch của Omicron đã được thu thập từ dữ liệu ở Nam Phi, chuyên gia Bennett nói.
Từ tháng 11 năm ngoái, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy tỷ lệ tái nhiễm COVID-19 cao hơn mong đợi so với những làn sóng dịch trước đó. Xu hướng tương tự có thể thấy ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.
Hơn 650,000 người ở Anh có thể đã mắc COVID-19 tới 2 lần. Phần lớn những trường hợp tái nhiễm này xảy ra kể từ khi biến thể Omicron lần đầu được phát hiện vào tháng 11 năm ngoái.
Theo dữ liệu do Cơ quan An ninh Y tế Anh công bố, hầu hết các ca tái mắc COVID-19 ở Anh được phát hiện trong vòng 2 tháng qua.
Theo định nghĩa về tái mắc COVID-19 do Cơ quan An ninh Y tế Anh đưa ra, khả năng tái mắc nếu như lần mắc sau cách ít nhất lần mắc trước đó 3 tháng. Tuy nhiên, cơ quan này không khẳng định được đây có thể chỉ là khoảng thời gian ngừng nghỉ gián đoạn của lần mắc đầu thông qua giải trình tự gene virus hay không.
Cho đến giữa tháng 11 năm ngoái, tỷ lệ tái nhiễm chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số các ca mắc. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ mắc lại COVID-19 đã chiếm đến 10%.
Văn phòng Thống kê quốc gia Anh ở Newport cũng đã ghi nhận sự gia tăng mạnh các ca tái nhiễm COVID-19 trong những tháng gần đây, thông qua lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên trên toàn quốc.
Cuộc khảo sát của văn phòng thống kê Anh quốc coi trường hợp tái nhiễm COVID-19 nếu như qua thời điểm 4 tháng sau lần mắc trước đó. Nguy cơ tái nhiễm COVID-19 cao gấp 16 lần trong khoảng thời gian từ giữa tháng 12 năm ngoái tới đầu tháng 1 năm nay (kể từ khi Omicron chiếm chủ đạo), so với khoảng thời gian 7 tháng trước đó khi Delta là biến thể chủ đạo.
Tuy nhiên, con số do khảo sát đưa ra có thể còn thấp hơn con số tái mắc COVID-19 trên thực tế. Bởi nhiều trường hợp không xét nghiệm, không chẩn đoán và có thể tái mắc còn sớm hơn so với thời hạn 3-4 tháng kể từ lần mắc trước, nhất là ở các quốc gia mà Omicron chiếm chủ đạo. Đây là ý kiến chuyên gia Bennett đưa ra.
Nhiều nhân tố có thể lý giải tại sao số ca tái mắc đạt đỉnh, bà nói. Do nhiều người phơi nhiễm với virus, tỷ lệ tái mắc do đó cũng tăng theo. Tốc độ lây lan của Omicron cũng làm tăng nguy cơ tái nhiễm. Tuy nhiên, khả năng “đâm thủng” hàng rào miễn dịch bảo vệ chống nhiễm của cơ thể có lẽ là nhân tố quan trọng.
Khả năng chống lây nhiễm do miễn dịch cơ thể từ lần mắc đầu tiên
Trong một bản tin xuất bản trên ấn phẩm y học The New England Journal of Medicine trong tháng 2 năm nay, Abu-Raddad và các đồng nghiệp tính toán mức độ mà Omicron có thể tấn công hệ miễn dịch. Đây là một phần trong nghiên cứu về các ca mắc COVID-19 toàn quốc ở Qatar kể từ đầu đại dịch.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, mặc dầu miễn dịch có được từ lần mắc trước đó có hiệu quả bảo vệ chống tái mắc khoảng 90% trước các biến thể Alpha, Beta hay Delta; hiệu quả này đối với Omicron chỉ đạt 56%.
Nhưng kết quả này vẫn rất đáng khích lệ. Phần lớn các ca mắc lại COVID-19 xảy ra cách nhau 1 năm. Điều này cho thấy rằng miễn dịch từ lần mắc trước đó khá hiệu quả. Và mức độ bảo vệ chống lại COVID-19 chuyển nặng vẫn rất cao, đạt 88%.
Tuy nhiên, Shabir Madhi – nhà vắc-xin học tại ĐH Witwatersrand ở Johannesburg, Nam Phi cho biết nghiên cứu có thể đã bỏ qua nhiều ca nhiễm không triệu chứng hay nhẹ không được ghi lại. Vì vậy mà số liệu hiệu quả bảo vệ từ lần nhiễm trước đó chống lại biến thể Omicron có thể cao hơn so với thực tế.
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cũng cho thấy, Omiron có thể tấn công thành công những kháng thể ngăn ngừa sự xâm nhập của virus được tạo ra do lần nhiễm các biến thể trước đó – vốn được coi là bức tường bảo vệ chống nhiễm bệnh tốt. (T/H, SKDS)