Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Omicron có thể chấm dứt “ác mộng” Delta giúp thế giới thoát đại dịch?


Nếu Omicron thực sự lây lan nhanh hơn nhưng độc lực thấp hơn Delta, nó có thể sớm lấn át Delta và đó sẽ là tín hiệu tích cực với thế giới.

Omicron có thể chấm dứt ác mộng Delta giúp thế giới thoát đại dịch? - 1
Giới khoa học có thể mất 2-3 tuần nữa để “giải mã” Omicron. Hình Medical News

Giới chức y tế Nam Phi tuần trước đã báo cáo lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về sự xuất hiện của biến chủng mới SARS-CoV-2 được cho là nguyên nhân kéo theo làn sóng lây nhiễm mạnh ở nước này. Biến chủng mới này được cho là chiếm tới 90% số ca nhiễm mới ở vùng Johannesburg của Nam Phi. Chỉ một ngày sau, WHO đặt tên cho biến chủng này là Omicron và xếp vào nhóm “đáng lo ngại”.

Truyền thông địa phương cho biết, các bệnh viện, cơ sở y tế trên khắp nước này tiếp nhận ngày càng nhiều bệnh nhân Covid-19 có biểu hiện nhiễm Omicron. Tuy nhiên, giới chức y tế Nam Phi, trong đó có Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi Angelique Coetzee, khẳng định phần lớn các ca nhiễm chưa tiêm chủng và có triệu chứng nhẹ như đau đầu, chóng mặt, đau mỏi cơ, không ai bị mất vị giác hay khứu giác. Quan chức này cũng khẳng định, đến nay, Omicron không gây sức ép đáng kể lên hệ thống y tế quốc gia.

Dựa vào những dữ liệu ban đầu từ Nam Phi, nhà virus học hàng đầu của Bỉ Marc van Ranst cuối tuần trước nhận định, nếu Omicron có khả năng lây lan cao hơn, nhưng độc lực thấp hơn Delta, nó có thể thay thế Delta trở thành biến chủng trội toàn cầu và đó sẽ là một tín hiệu tốt với cuộc chiến đối phó đại dịch toàn cầu.

“Chúng ta cần theo dõi đặc biệt chặt chẽ dữ liệu lâm sàng của các bệnh nhân nhiễm Omicron ở Nam Phi và trên thế giới”, ông Ranst nói.

Dựa vào các phân tích ban đầu về Omicron, một số chuyên gia cho rằng, biến chủng này có mức độ lây lan gấp 6 lần Delta và có thể né miễn dịch.

Trong thông cáo hôm 26/11, WHO nhận định, các dữ liệu ban đầu cho thấy, Omicron có thể có “ưu thế tăng trưởng”. Tuy nhiên, WHO cũng nhấn mạnh, hiện chưa đủ dữ liệu để khẳng định độ lây lan hay độc lực của Omicron.

Giới khoa học dự kiến sẽ mất khoảng 2-3 tuần nữa để “giải mã” Omicron. Họ cho rằng, Omicron sẽ chưa thể sớm thay thế Delta. Biến chủng Delta xuất hiện đầu năm nay tại Ấn Độ và nhanh chóng trở thành biến chủng trội toàn cầu chỉ sau vài tháng và làm thay đổi cuộc chiến chống dịch toàn cầu.

Biến chủng Omicron được phát hiện từ giữa tháng 11 ở khu vực phía nam châu Phi. Omicron gây lo ngại vì chứa số lượng đột biến nhiều chưa từng thấy ở bất cứ biến chủng nào của SARS-CoV-2. Theo kết quả giải trình tự gen, Omicron có 53 đột biến, trong đó 32 đột biến gắn trên protein gai, gấp đôi lượng đột biến ở Delta. Protein gai là cấu trúc giúp virus bám chắc hơn và xâm nhập vào tế bào người. Điều này làm dấy lên lo ngại Omicron có thể né miễn dịch, làm giảm hiệu quả của vắc-xin Covid-19.

Tuy nhiên, Giáo sư Karl Lauterbach, nhà dịch tễ người Đức, cho rằng việc Omicron có nhiều đột biến chưa từng có có nghĩa là nó có thể “được tối ưu hóa” để lây lan, nhưng có thể ít gây ra bệnh nặng hơn. Đây vốn là cách mà hầu hết các virus về đường hô hấp diễn tiến. Khi đó, Omicron sẽ là một tín hiệu tích cực nếu nó chỉ gây triệu chứng nhẹ. (T/H, D/T)