Wednesday, April 30, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Nửa thế kỷ Sài Gòn bị mất tên


Minh Anh

Mỗi năm sắp đến ngày 29 Tháng Tư, ba của tôi lại chép miệng tiếc nuối: “Nếu mẹ của các con không bị bệnh đột ngột, thì nhà mình đã ở bên Mỹ.”

Người già và người trẻ trong nước có thú vui mới là chụp hình bản thân khoe trên mạng xã hội khi đến dinh Độc Lập, nơi hiện phát loa những bài nhạc đỏ khơi gợi hận thù Nam-Bắc như “Tiến về Sài Gòn”. Hình Minh Anh

1.Nửa thế kỷ trôi qua, sự tiếc nuối của ba tôi luôn đeo bám không khí của gia đình tôi mỗi lần Tháng Tư về, bởi vì 50 năm trôi qua, các con của ông vẫn chưa có đứa nào sống ở Mỹ – giống như nhiều gia đình khác ở Sài Gòn.

Ngày ấy, chị họ của tôi – con gái lớn ông anh ruột của ba, làm việc ở văn phòng Bộ Hải Quân Mỹ và trước khi chị di tản sang Mỹ cùng đồng nghiệp vào cuối Tháng Ba 1975, chị đã đưa cho ba tôi một giấy phép lên tàu hải quân Mỹ ở Bến Bạch Đằng. Chị dặn dò ba tôi: “Chú đưa cả gia đình di tản càng sớm càng tốt.” Hôm ấy, về nhà ba tôi đã bảo mấy chị em tôi tự chuẩn bị đồ đạc cá nhân để sẵn sàng đi Sài Gòn.

Vốn chu đáo, chị cũng chuẩn bị một giấy phép tương tự cho em trai của mình để anh lo cho ba mẹ. Thế nhưng, anh họ tôi lại nhát, không dám đưa ba mẹ đến nơi hẹn để bỏ Sài Gòn ra đi; còn mẹ tôi đột ngột bị đau bụng phải vào Quân y viện Cộng Hòa. Vì đàn con còn quá nhỏ nên ba tôi hết giờ trực trong doanh trại ở gần nhà lại chạy lên Gò Vấp thăm mẹ. Kết quả là mẹ tôi bị sỏi trong thận, bác sĩ quyết định bà phải nằm lại Quân y viện một thời gian. Trong cơn bối rối lo cho mẹ tôi, ba tôi không còn tâm trí nào để đưa chúng tôi lên Sài Gòn đến chỗ hẹn của tàu hải quân Mỹ.

Cuối Tháng Ba 1975, trường trung học của tôi ở quận Hóc Môn tỉnh Gia Định đột ngột đóng cửa nghỉ hè sớm. Chúng tôi kết thúc niên khóa 1974-1975 mà không có buổi liên hoan cuối năm giống như mùa hè 1974. Khi chia tay, chúng tôi vẫn nghĩ chiến sự căng thẳng rồi sẽ qua nhanh như mùa hè đỏ lửa 1972, rồi chúng tôi sẽ gặp lại nhau trong niên khóa sau khi nhập học vào lớp 8. Không có đứa nào tưởng tượng nổi lớp chúng tôi sẽ tan rã từ đây, sẽ có nhiều bạn không bao giờ còn gặp lại và ngôi trường thân yêu của chúng tôi rồi sẽ khác.

2.Vào cái ngày 29 Tháng Tư định mệnh, quê tôi một vùng ngoại ô Sài Gòn bị thất thủ. Sáng sớm, ba tôi mặc quân phục cùng với một bác hàng xóm vội vã vào doanh trại. Mẹ còn nằm bệnh viện nên tôi và năm đứa em tự ăn uống và chơi với nhau. Vào cuối giờ trưa ngày 29 Tháng Tư, chuông nhà thờ đổ và mọi người tập trung ở nhà thờ để nghe cha xứ thông báo Việt Cộng đang tấn công Sài Gòn và những ai không có hầm trú ở nhà thì nên đến hầm nhà ông C. Tôi về nhà chỉ kịp quơ lấy cái túi của mẹ trong tủ, đập ống heo lấy hết tiền, dắt đứa em nhỏ nhất mới 6 tuổi và lùa bốn đứa còn lại đi theo mình đến nhà ông C. – cách nhà chúng tôi 6 căn nhà. Ông C. là người mổ heo mổ bò trong xóm, ông có cái vườn rất rộng lớn và xây dựng hầm trú ẩn bao quanh vườn, đủ chứa mọi người trong xóm.

Hình ảnh đường phố Sài Gòn năm 1972. Hình AFP

Khi yên vị trong hầm trú ẩn cùng năm đứa em, tôi im lặng, không tham gia bất kỳ cuộc bàn tán nào. Tâm trí tôi ngổn ngang, vừa lo lắng không biết ba mẹ mình ra sao, vừa sợ hãi nghĩ nếu ba mẹ có chuyện gì thì mình biết làm gì để nuôi năm đứa em thơ dại?

Đến xế chiều, mọi người lần lượt rời khỏi hầm trú ẩn khi có tin Việt Cộng đã chiếm doanh trại quân đội mà không ai chống cự, vì thế không có tiếng súng nổ.

Đưa các em trở về nhà, tôi còn rối trí chưa biết phải làm gì thì thấy ba tôi về nhà trong bộ dạng hớt hãi, trên người chỉ còn áo may ô và cái quần đùi, bộ quân phục hồi sáng biến mất. Nhìn thấy sáu đứa con, ba tôi kêu lên “Lạy Chúa tôi” rồi ngồi phịch xuống cái ghế ở phòng khách như kiệt sức. Ông bắt đầu kể: “Lúc Việt Cộng sắp tiến vào, ba và các chú các bác đã rời khỏi doanh trại, trút bỏ quân phục và đi về nhà. Vì quá lo cho các con, ba đã ngã xuống một cái hố và nằm đó một lúc mới đứng lên đi tiếp được.”

May mà doanh trại quân đội nơi ba tôi làm việc gần nhà, trụ sở nằm phía bên kia đường quốc lộ, đối diện với cổng chính dẫn vào giáo xứ của chúng tôi.

Tối hôm đó, ba tôi và chúng tôi đều khó ngủ vì nghĩ đến mẹ đang nằm ở Quân Y viện Cộng Hòa.

Một quán cà phê ở Sài Gòn ngày nay có tên là “Sài Gòn Xưa” như một hoài niệm một thời đã được sống mà không thể nào quên. Hình AFP/Getty

Trưa hôm sau, ngày 30 Tháng Tư, khi trung tâm Sài Gòn đã thất thủ, ba tôi bảo tôi ở nhà trông các em, còn ông đi xe Honda Dame lên Quân Y viện Cộng Hòa tìm mẹ tôi. Trong khi mấy đứa bạn hàng xóm rủ nhau đi vô doanh trại quân đội hôi của hoặc ra xem “chú bộ đội” thì tôi chả dám đi đâu, cố lùa lũ em đi ngủ rồi dọn dẹp, để khỏi lo lắng về mẹ.

Đến chiều tối, ba chở mẹ tôi về, cả lũ chúng tôi đều vui mừng vì thấy mẹ hoàn toàn khỏe mạnh. Sau khi Việt Cộng vào Sài Gòn, bác sĩ, y tá và cả những bệnh nhân còn đi đứng được đều tự thu dọn đồ đạc rời khỏi Quân Y viện. May mà tối hôm trước còn nằm ở bệnh viện, những viên sỏi thận của mẹ tôi đã trôi ra ngoài, bà không còn cảm giác khó chịu hay đau bụng nữa.

Được bình an, khỏe mạnh trong biến cố Sài Gòn bị Việt Cộng “giải phóng,” cả nhà tôi đều tạ ơn Chúa.

3.Cuộc sống của gia đình tôi không bị xáo trộn nhiều sau 30 Tháng Tư 1975, vì ba tôi chỉ giữ cấp bậc trung sĩ, không phải đi “học tập cải tạo” như cậu (ruột) và các chú (họ) của tôi – những sĩ quan trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Tuy vậy, vốn là lính công binh suốt thời tuổi trẻ, có tiền lương mỗi tháng, ba tôi hoàn toàn bối rối không biết tìm nghề gì sinh sống.

Vốn quen nghề buôn bán, mẹ tôi thử mua một ít hàng tạp hóa để ba tôi đi bán rong, còn mẹ tôi ra bán ở chợ gần nhà. Chỉ một tuần đi bán rong mà hàng hóa hầu như chả vơi bớt khiến ba tôi nản, bỏ nghề luôn.

Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn thường được gọi là “Nhà thờ Đức Ba” tọa lạc ở trung tâm thành phố. Lễ Giáng Sinh hàng năm, không phải chỉ có tín đồ Thiên Chúa Giáo, cả triệu người đổ dồn về đây và các đường phố chung quanh hân hoan chào mừng ngày lễ Chúa giáng trần. Hình AFP/Getty

Sau đó nghe lời một bà cô trong họ rủ rê, ba tôi xuống Bà Rịa mua miếng đất, ý định là canh tác kiếm gạo cho gia đình. Thế nhưng cũng chỉ được vài tháng, ba tôi không kham nổi việc làm nông, ông quay về Sài Gòn và miếng đất đó cũng bỏ hoang.

Một năm sau ngày hòa bình, ba tôi bằng lòng với nghề lái xe lam đưa đón khách từ Hóc Môn xuống Củ Chi và ngược lại, giống như nhiều đồng nghiệp của ông trong xóm đạo.

Điều thay đổi lớn nhất đối với lũ trẻ đang tuổi lớn là gia đình tôi chỉ còn một bữa cơm độn đủ thứ vào buổi tối. Buổi trưa, khi ba mẹ vắng nhà (người buôn bán ngoài chợ, người lo kiếm khách ở các bến xe), lũ chúng tôi chỉ có khoai và củ mì luộc, có khi thay đổi bằng trái bắp luộc và cả tháng mới có một ngày được ăn bánh mì – sau khi xếp hàng mòn mỏi chờ mua theo tiêu chuẩn.

Xôi, bánh mì và sữa đặc có đường – những thứ quà sáng rẻ tiền và phổ biến nhất ở Sài Gòn hồi trước Tháng Tư 1975 bỗng trở thành “của ngon vật lạ” của lũ trẻ chúng tôi. Điều này kéo dài cho đến đầu thập niên 1990.

Thời gian đó, chúng tôi không bị đói bữa nào đã là quá may mắn.

Trung tâm của Sài Gòn xưa. Hình Flickr

Mới đây, thật cười ra nước mắt khi có một anh bạn sùng đạo Phật nói với tôi: “Những năm cuối của thập niên 70 và thập niên 80, cả nước Việt đều ăn chay, ai “tham ăn” mới phải vượt biên, thế nên thời gian đó đủ tích phước cho cả dân tộc” (!?).

Không chỉ chuyện ăn thiếu thốn, chúng tôi cũng không có quần áo mới vào dịp cuối năm. Vì vải được mua tiêu chuẩn mỗi năm chỉ vài mét cho một người, mẹ tôi thường cắt những chiếc áo dài của bà làm áo ngắn cho lũ con gái và cắt những bộ âu phục của ba tôi thành quần tây và áo sơ mi cho lũ con trai.

Có lần được các cô họ ở Sài Gòn may cho cái áo khoác từ cái áo dài nhung cũ của người bà, tôi xem như vật báu. Chiếc áo đó chỉ được tôi lấy ra chưng diện vào cuối năm khi trời trở lạnh, tận đến khi tôi đã có gia đình riêng khoảng hơn 10 năm sau.

4.Lý lịch gia đình đạo Công giáo và có ba là “lính ngụy” (lý lịch vàng) không cản trở tôi đậu đại học năm 1980. Thế nhưng khi ra trường cầm mảnh bằng cử nhân ngành khoa học xã hội trên tay xin làm việc ở các tòa soạn báo ở Sài Gòn thì thật vất vả. Mãi đến Tháng Tư 1994 tôi mới được một tờ báo nhận vào làm phóng viên chính thức sau nhiều năm làm cộng tác viên ở hai tòa soạn và có gần hai năm thử việc không lương, trong khi những người có “lý lịch đỏ” đều được ký hợp đồng làm việc ngay hoặc chỉ thử việc vài tháng.

Khán đài mừng đại lễ “giải phóng miền Nam” đang thi công ở mặt đường Lê Duẩn không chỉ cản trở việc lưu thông vốn rối rắm và thiếu đường đi ở Sài Gòn mà còn không biết có làm hại đến cái cây nào trong công viên còn sót lại ở quận 1 này không? Hình Minh Anh

Đến năm 2006, sau nhiều năm chứng tỏ năng lực, tôi được tổng biên tập đề nghị với cơ quan chủ quản tờ báo cất nhắc tôi lên vị trí thư ký tòa soạn. Một tháng sau, vị phó chủ tịch cơ quan chủ quản gọi tôi đến văn phòng để thông báo họ không đồng ý duyệt cho tôi làm thư ký tòa soạn vì tôi thuộc một dòng tộc Công giáo lâu đời. Chị ta giải thích đã cho người xác minh lý lịch tổ tiên tôi ở một tỉnh phía bắc và cho biết dân Công giáo có thể làm báo, có thể vào đảng nhưng không thể nằm trong ban biên tập – vị trí có vai trò quyết định nội dung của tờ báo.

Tôi không buồn vì kết quả này nhưng vị tổng biên tập cất nhắc tôi vô cùng thất vọng. Chị ấy đã phải gấp rút chọn lựa một người khác có lý lịch đỏ và sau này, người thay thế đó đã “leo lên” vị trí tổng biên tập tờ báo, sau khi hất cẳng thành công kẻ cạnh tranh.

Được làm báo trong giai đoạn rực rỡ nhất của báo chí Sài Gòn dưới thể chế cộng sản, tôi có nhiều năm tin rằng vai trò phản biện của nhà báo được nhà nước coi trọng, thế nhưng, khi tờ báo cuối cùng mà tôi làm việc là Sài Gòn Tiếp Thị bị đóng cửa oan ức hồi Tháng Hai 2014, tôi hiểu mình đã lầm. Nhà báo thực ra cũng chỉ là công cụ của thể chế cộng sản, bảo không được thì cho “treo bút” hoặc vào tù.

5.Trái ngược với vẻ tiếc rẻ của ba tôi về cái vé lên tàu đi Mỹ bị bỏ lỡ, mẹ tôi vẫn thường nói: “Nhà mình bình an là tốt nhất rồi.” Khoảng những năm đầu của thập niên 80, cậu ruột tôi trước khi vượt biên đã đến nhà đề nghị mẹ tôi cho cậu dẫn em trai tôi đi theo, với điều kiện đóng một cây vàng. Mẹ tôi đã từ chối.

Tàu bè ra vào sông Sài Gòn thế kỷ 19, thành phố còn hoang vu, nhiều rừng rậm. Hình Flickr

Sau này khi đã định cư bên Mỹ, cậu tôi cho rằng mẹ tôi không tin cậu và tiếc tiền nên không cho em trai tôi đi, nếu không thì giờ này cả gia đình tôi đã ở bên Mỹ. Thế nhưng, mẹ tôi lại bảo lúc đó mẹ không đồng ý vì không chắc cậu đã vượt biên thành công và bảo vệ được mạng sống của em tôi.

Thời gian đó, bạn bè cùng trường trung học của tôi vượt biên rất nhiều, có người thành công định cư ở Mỹ, nhưng lại cũng có người bị cướp biển cưỡng hiếp trước khi đến được trại tỵ nạn, chưa kể có vài bạn mất tích – mãi mãi không biết được ngày giỗ chính xác.

Năm 2017, trong chuyến bay từ Mỹ về Sài Gòn, tôi gặp một người phụ nữ quê Đồng Nai đang định cư ở tiểu bang Louisiana cùng các con. Bà kể điều đau khổ nhất trong đời bà là có hai đứa con gái mất tích trên biển khi đi vượt biên đầu thập niên 80. Một trong hai đứa con gái đó bằng tuổi tôi, là đứa giỏi giang và có hiếu mà bà cưng nhất nhà.

Cuộc sống khá giả nơi xứ người trong tuổi xế chiều không đủ bù đắp sự mất mát của bà mẹ ở Louisiana đó. Còn mẹ tôi, đến bây giờ ngoài 80, bà vẫn hài lòng khi các con vẫn sum vầy bên cạnh bà. Đi Mỹ định cư mà có thể mất con, đối với mẹ tôi là bi kịch khủng khiếp, thế nên mẹ không chịu để cậu dẫn em trai tôi đi.

May mắn hơn thời của mẹ, giờ tôi và các em tôi có thể giúp con cái mình chọn lựa con đường tỵ nạn không nguy hiểm đến mạng sống, bằng cách tạo điều kiện cho con du học rồi sau đó kiếm việc làm ở luôn tại xứ người. Trong khi đó, rất nhiều người bạn của tôi lại khuyến khích con lấy chồng hay lấy vợ ngoại quốc để định cư hợp pháp. Cá biệt, những người bạn giàu có hơn thì mua luôn suất định cư dạng đầu tư cho gia đình mình ở Mỹ, Canada, Úc, Singapore.

Khán đài mừng đại lễ “giải phóng miền Nam”đang thi công ở mặt đường Alexandre de Rhode ngày 6 Tháng Tư 2025. Hình Minh Anh

Nửa thế kỷ đã qua từ khi Sài Gòn bị mất tên trên bản đồ hành chính của Việt Nam, ai đó còn vọng tưởng rồi Việt Nam sẽ thay đổi tốt hơn khi nhìn thấy cá nhân ở vị trí cao nhất liên tục có những lời phát biểu đả kích sự tắc nghẽn của thể chế, riêng tôi thì không.

Khi nhìn thấy mạng xã hội vẫn còn rất nhiều những người trẻ tin vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, tin vào lá cờ đỏ – như tin vào tài lãnh đạo của đảng và vào sự phá án “thần kỳ, thần tốc” của công an, tôi thấy Việt Nam không có tương lai.

Làm sao có tương lai khi ngày 30 Tháng Tư hằng năm vẫn được chính quyền tổ chức rầm rộ như ngày “giải phóng miền Nam”, ngày kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước? Làm sao có tương lai, khi một buổi chiều đầu Tháng Tư 2025, lang thang đến công viên 30 Tháng Tư quận 1, tôi nhìn thấy những dàn giáo khổng lồ chuẩn bị làm sân khấu trình diễn đại lễ “mừng 50 năm giải phóng miền Nam”? Làm sao có tương lai, khi đi ngang dinh Độc Lập cùng thời gian, tôi chỉ thấy vang vọng bài ca từ cái loa khổng lồ “Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù… Tiến về đồng bằng, giải phóng thành đô”????

Làm sao có tương lai khi các quan chức của thể chế cộng sản chỉ nhận hối lộ bằng tiền đô Mỹ, mua nhà cho con ở bên Mỹ và luôn phòng hờ cho việc “hạ cánh” của chính mình bằng việc mua sẵn thẻ xanh Mỹ… mà vẫn ra rả chửi Mỹ hằng năm và tìm mọi cách (dù độc ác) để duy trì sự lãnh đạo của đảng? (SGN).