Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Những lời cầu cứu giữa trận lũ lụt kinh hoàng ở Úc


Khi trận lũ lụt rút đi sau nhiều ngày tàn phá dữ dội tiểu-bang New South Wales ở Úc, những nỗ lực phi thường của người dân địa phương và đội cứu hộ giữa dòng nước lũ đang dần được kể lại.

Mực nước dâng cao đến mái nhà khi đường phố biến thành sông ở Lismore vào ngày 28/2. Hình Billy Curry

Con người giữa dòng nước lũ

Khi Billy Curry đi thuyền đến Phố McKenzie phía trong thành phố Lismore ngày 28/2, mọi thứ trước mắt ông dường như đã trở thành “một cơn ác mộng”.

Những nơi trước đây từng là con đường xinh đẹp ở ngoại ô, nay đã biến thành một con sông sâu, chảy xiết và đục ngầu.

Những con sóng đập mạnh vào các ngọn cây và đường dây điện trong khi nhiều đội cứu hộ đang trên thuyền tìm kiếm nạn nhân.

Và tại RSL LifeCare at Home, một trung tâm chăm sóc người cao tuổi địa phương phía cuối con đường, các ô cửa sổ đang dần biến mất bên dưới dòng nước dâng cao.

“Nước dâng đến tận tầng thứ hai hoặc thứ ba của ngôi nhà. Tôi chưa từng nghĩ rằng chúng có thể dâng cao đến vậy”, ông Curry nhớ lại. “Nơi đây đã hoàn toàn trở thành một đầm phá”.

Cư dân của Trung tâm chăm sóc người cao tuổi RSL LifeCare trên Phố McKenzie, Lismore được cứu khỏi dòng nước lũ dâng cao. Hình Billy Curry.

Billy Curry, 46 tuổi, hiện là Giám đốc marketing tại ngôi làng ven biển Lennox Head, ông sinh sống cách thành phố Lismore 40 phút lái xe.

Khi trận lũ lụt càn quét Úc vào ngày 28/2, ông đã thấy vô số bài đăng của người dân địa phương Lismore kêu gọi sự giúp đỡ trên trang SES Facebook và quyết định đi nhờ xe vào thị trấn để giúp đỡ họ.

Ông nói: “Công việc cứu sinh đã từng gắn bó với tôi trong suốt 20 năm, vì vậy tôi sẽ phải làm gì đó để giúp đỡ Lismore”.

Ông Curry đã đến Lismore lúc 10h45 sáng và tìm thấy một người bạn từ làng Lennox Head, người cũng muốn tham gia giúp đỡ.

Trong khi nói chuyện với các thành viên SES cùng nhiều tình nguyện viên khác, hai người đồng hành đã nghe tin về ngôi nhà hưu trí trên phố McKenzie và họ đã tham gia đội cứu hộ tại đây.

Nỗ lực cứu hộ tại thành phố Lismore, tiểu bang New South Wales. Hình The Guardian

Trong hơn 3 tiếng đồng hồ tiếp theo, nhóm tình nguyện đã giúp nâng 64 người già thoát hiểm qua cửa sổ, lên một mái hiên trơn trượt và bước xuống con thuyền cứu hộ từ độ cao 2 mét.

Ông Curry cho biết, hầu hết cư dân đã rất lo lắng, bối rối và thậm chí một số người còn không thể đi lại được. Chính vì vậy, nhiệm vụ đưa từng người một ra khỏi ngôi nhà theo lối cửa sổ và dẫn xuống thuyền là “rất khó”.

Họ đã thử lắp ghép một cầu thang tạm – được ghép từ lò vi sóng, một chiếc bàn nhỏ và một chiếc bàn lớn hơn, để đưa mọi người thoát ra bằng đường cửa sổ.

Khi giải pháp trên dường như không hiệu quả, họ bắt đầu chuyển sang sử dụng những tấm thảm trải để nâng từng người một lên mái hiên.

“Sẽ có nguy cơ bị rơi qua mái nhà. Và điều tệ hơn là nếu bạn rơi qua mái nhà cùng một người già, sẽ rất khó để giúp họ không bị chết đuối”, Curry nói.

Mực nước dâng cao đến mái nhà khi đường phố biến thành sông ở Lismore vào ngày 28/2. Hình Billy Curry

Nhưng khi mặt trời đang lặn mỗi lúc một nhanh hơn, “đó là con đường duy nhất của chúng tôi”.

Đội cứu hộ tạm thời này bao gồm các tình nguyện viên SES, quân nhân, một nữ cảnh sát “miệt mài làm việc từ đêm 27/2”, một người lái thuyền, nhân viên chăm sóc người cao tuổi cùng các tình nguyện viên tự do khác.

“Bạn sẽ không thể hiểu được mức độ nghiêm trọng của vấn đề lúc đó”, Curry nhớ lại. “Thật khó để định lượng được độ sâu của thảm họa này”.

Những lời cầu cứu

Khi dòng nước lũ bắt đầu rút đi sau nhiều ngày tàn phá khắp hai tiểu-bang Queensland và New South Wales (NSW), nỗ lực phi thường của những người dân địa phương như ông Curry cùng các doanh nghiệp địa phương và đội cứu hộ khẩn cấp đang dần được kể lại nhiều hơn.

Cùng với các tình nguyện viên SES, nhiều cảnh sát đã xuống Phố Barnes và hét lên để tìm dấu hiệu của sự sống, theo một tuyên bố được đăng trên trang Facebook của cảnh sát tiểu-bang NSW. Họ đã nghe thấy “một tiếng kêu cứu yếu ớt từ phía bên trong một ngôi nhà nơi dòng nước đã ngập đến tận mái hiên”.

Quang cảnh phía bên trong trung tâm RSL LifeCare ở Lismore khi các cư dân được giải cứu. Hình Billy Curry

Một trong những sĩ quan tại hiện trường đã “lặn qua ô cửa sổ đang mở” và phát hiện một cụ bà 93 tuổi đang “nổi trên một tấm nệm, với khoảng cách giữa mái nhà và dòng nước lũ không quá 20 cm”.

Người phụ nữ lớn tuổi sau đó đã được kéo thoát qua ô cửa sổ đang mở trên một tấm ván boogie và đưa lên một chiếc thuyền cứu hộ.

Ông Louis Hollman, thuộc Louis Hollman Electrical, đã dành nhiều ngày qua cho các nhiệm vụ cứu hộ tương tự, trên một chiếc thuyền cùng với hai đồng nghiệp, kiểm tra từng ngôi nhà và tìm kiếm những người dân vẫn còn bị mắc kẹt.

“Tôi nhìn thấy vô số những ngôi nhà ngập trong dòng nước lũ, nhiều gia đình đã mất tất cả”, ông nhớ lại.

“Mực nước hiện tại đang giảm dần”, Hollman nói rằng ông và các nhà thầu địa phương khác đang “đi xung quanh để tìm kiếm những thứ còn sót lại”.

Quang cảnh từ trên mái nhà của trung tâm RSL LifeCare ở Lismore khi các cư dân được giải cứu. Hình Billy Curry

Theo ông Hollman, hầu hết các bảng công tắc và hộp công tơ điện đều cần phải được thay thế. “Lấy lại nguồn điện là điều vô cùng cần thiết ngay thời điểm này”.

Tuy nhiên, những người bán buôn thiết bị điện cho ông ở thành phố Lismore đều đã ngập trong biển nước, “vì vậy chúng tôi thậm chí không có bất kỳ thiết bị nào để sửa chữa”, ông nói. Nhưng “không có điện thì càng không an toàn”.

“Cư dân sẽ không thể nấu được thức ăn nếu như không có điện. Vào ban đêm, ngay cả khi chỉ có một luồng ánh sáng nhỏ, chúng cũng có thể khiến bạn cảm thấy bớt cô đơn hơn”.

Tại thị trấn Casino, cách thành phố Lismore 40 phút lái xe, rất nhiều đàn gia súc của cư dân đã trôi dạt về đây. Và để đối phó với vô số gia súc đã “trôi đi”, Matthew McCormack và nhóm của ông đang xác định vị trí, tập hợp và vận chuyển những đàn gia súc bị mất trở về với chủ. Có ít nhất ‘một vài trăm’ con gia súc bị mất mà McCormack đã tìm được danh tính cho đến nay.

“Có rất nhiều đàn gia súc đi lạc ở khắp mọi nơi phía ngoại ô thị trấn”, ông nói.

Đội Tình nguyện viên Sikh Australia chuẩn bị bữa ăn cho những người bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt ở Lismore tại Đền Guru Nanak Sikh, Woolgoolga. Hình Sikh Australia.

Hầu hết các đàn gia súc đều đến từ các trang trại địa phương, sau khi bị “dòng nước lũ cuốn trôi” từ các khu vực như Coraki, Woodburn và Broadwater. McCormack nói rằng đàn gia súc hiện đang khá căng thẳng. “Vì vậy, chúng tôi đã cho chúng ăn, uống nước và giúp chúng ổn định tinh thần”, ông kể lại.

Đã có rất nhiều những bàn tay giúp đỡ khác nhau đến từ các tiểu tiểu-bang trên khắp Úc. Một đội gồm 9 người từ đội Tình nguyện viên Sikh Úc đã lái xe từ tiểu-bang Victoria đến NSW trong đêm để cung cấp thực phẩm và nước uống cho cộng đồng Lismore bị lũ lụt tàn phá.

Họ rời thành phố Melbourne lúc 6h sáng ngày 1/3 và đến thị trấn Woolgoolga lúc 4h sáng ngày 2/3. Ở đó, họ đã chuẩn bị thức ăn trong Đền Guru Nanak Sikh, sau đó lái xe đến thành phố Lismore, và gửi tặng đồ cứu trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng.

Người phát ngôn đại diện đội Tình nguyện viên Sikh Úc nói rằng: “Chúng tôi đã nhận được rất nhiều cuộc gọi nhờ giúp đỡ từ thành phố Lismore. Họ thực sự cần một nguồn nước sạch để sử dụng ngay lúc này”.

“Chúng tôi hiểu được rằng chúng tôi không thể làm tất cả mọi thứ, nhưng chúng tôi chắc chắn có thể giúp đỡ, dù chỉ là một chút”. (DDK, The Guardian)