Tuesday, January 21, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Những điều cần biết về bệnh Mpox


Liệu Mpox, trước đây được gọi là đậu mùa khỉ, có lan ra toàn thế giới sau 2 năm kể từ đợt dịch đầu tiên hay không? Loại virus này gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở một phần châu Phi và đã bắt đầu lan sang châu Âu và châu Á với các ca nhiễm ở Thụy Điển, Pakistan, Thái Lan… Biến thể nguy hiểm hơn của virus Mpox rất được giới chuyên gia chú ý.

Mpox là bệnh gì?

Mpox là một bệnh do virus. Ban đầu được gọi là đậu mùa khỉ (monkeypox trong tiếng Anh), tên của bệnh này được đổi thành Mpox để tránh mọi sự kỳ thị hoặc hàm ý phân biệt chủng tộc nào. Mpox là một bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người, sau đó lây lan giữa người với người. Loại virus này được phát hiện vào năm 1958 ở Đan Mạch trên những con khỉ được nhân giống để nghiên cứu. Căn bệnh này lần đầu tiên được phát hiện ở người vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC).

Bệnh Mpox có hai chủng lớn, được gọi là “Clade”. Chủng I nguy hiểm hơn, chủ yếu hiện diện ở trung tâm châu Phi, tại lưu vực Congo. Chủng II lưu hành nhiều hơn ở Tây Phi.

Các triệu chứng và phương thức lây truyền của Mpox

Các triệu chứng của Mpox bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, sưng hạch, mệt mỏi và phát ban với mụn mủ thường xuất hiện trên mặt trước tiên và sau đó lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Mpox lây lan qua tiếp xúc với chất dịch cơ thể (chẳng hạn như khi quan hệ tình dục), tổn thương da, giọt bắn từ đường hô hấp hoặc đồ vật bị nhiễm virus. Bệnh này cũng có thể lây truyền qua tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh, bao gồm cả loài gặm nhấm và động vật linh trưởng.

Mpox nghiêm trọng đến mức nào?

Tỷ lệ tử vong (tức nguy cơ gây tử vong) rất khó định lượng và ước tính, dao động trong khoảng từ 1% đến 10%, tùy thuộc vào tình trạng của hệ thống y tế, cũng như loại virus gây bệnh.

Mpox nhìn chung ít nghiêm trọng hơn bệnh đậu mùa thông thường, nhưng vẫn có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt ở những người bị suy giảm miễn dịch, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.

Dịch bệnh năm 2022 có tỷ lệ tử vong thấp: Chủng II

Một đại dịch Mpox đã bùng phát tại châu Phi vào năm 2022. Các đợt bùng phát khác cũng được ghi nhận ở những khu vực mà căn bệnh này thường không lưu hành, đặc biệt ở châu Âu và Bắc Mỹ, chủ yếu ảnh hưởng đến nam giới đồng tính và lưỡng tính.

Dịch bệnh này có những đặc thù, dường như chủ yếu lây truyền qua đường tình dục, trong khi cho đến năm 2022, bệnh thường chỉ lây truyền từ động vật, chẳng hạn như do ăn thịt bị nhiễm khuẩn.

Đại dịch đó cũng không gây quá nhiều chết chóc với chỉ khoảng 200 ca tử vong trong gần 100,000 ca bệnh được xác định, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một phần là do bệnh nhân sống ở các nước phương Tây được tiếp cận với hệ thống y tế hiệu quả hơn ở châu Phi. Đồng thời, virus lúc khởi phát dịch bệnh là một biến thể thậm chí còn ít nguy hiểm hơn Clade II – chủng Clade IIb.

WHO lúc đó đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế (PHEIC), mức cảnh báo cao nhất. Lệnh này sau đó được dỡ bỏ vào tháng 05/2023, nhưng WHO đã công bố những khuyến nghị tới các quốc gia, đặc biệt khuyến cáo các nước nên đề ra những kế hoạch kiểm soát trên toàn quốc, hoặc duy trì năng lực giám sát.

Dịch bệnh năm 2024: Clade Ib, biến thể nguy hiểm hơn

Dịch bệnh năm 2024, bắt nguồn từ CHDC Congo, do Clade I gây ra, với một biến thể nguy hiểm hơn – Clade Ib, có tỷ lệ tử vong cao hơn, ước tính là 3.6%. CHDC Congo, một quốc gia có khoảng 100 triệu dân, bị ảnh hưởng nặng nề. Bộ trưởng Y Tế Samuel-Roger Kamba cho biết nước này đã ghi nhận gần 16,000 ca nhiễm “tiềm tàng” và 548 ca tử vong trong năm nay.

Tại CHDC Congo, Mpox lần đầu tiên được phát hiện ở gái mại dâm ở tỉnh Nam Kivu vào tháng 09/2023. Dịch bệnh lây lan một phần qua đường tình dục. Tuy nhiên, không phải tất cả các ca nhiễm đều do quan hệ tình dục. Do đó, trẻ em cũng có nguy cơ mắc bệnh và có thể bị nặng hơn người lớn.

WHO hôm 14/08/2024 đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên phạm vi quốc tế sau khi dịch bệnh Mpox bùng phát với chủng Ib ở CHDC Congo, Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda.

Ngày 15/08, Thụy Điển thông báo đã ghi nhận một ca nhiễm Clade Ib đầu tiên ngoài châu Phi, làm gia tăng lo ngại về nguy cơ dịch Mpox lây lan toàn cầu.

Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) ngày 16/08 thông báo đang tăng cường các nỗ lực ứng phó. Tổ chức này cho biết “với hơn 17,000 trường hợp mắc bệnh tiềm tàng hoặc đã được xác nhận cùng với 500 trường hợp tử vong ở ít nhất 12 quốc gia, dịch bệnh đã vượt quá quy mô của những năm trước”.

Theo IFRC, mặc dù biến thể mới phần lớn ảnh hưởng đến những bệnh nhân sau khi quan hệ tình dục, nhưng mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. IFRC nhận định tình hình hiện tại “đáng báo động”, do sự lây lan nhanh chóng trong số những người mới nhiễm virus cùng với sự lây lan toàn cầu ở những khu vực chưa từng biết đến loại virus này.

Châu Âu cảnh giác

Sau khi phát hiện ca nhiễm ở Thụy Điển, WHO cảnh báo có thể sẽ có thêm nhiều trường hợp nhiễm chủng mới ở châu Âu “trong những ngày tới”.

“Sự xuất hiện của chủng Clade I ở Thụy Điển phản ánh rõ mối liên kết giữa các nước trên thế giới. Có khả năng sẽ có thêm nhiều trường hợp nhiễm chủng này được ghi nhận ở châu Âu trong những ngày và tuần tới”, theo WHO.

Về phần mình, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) hôm 16/08 đã kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hiệp châu Âu (EU) và Khu vực Kinh tế châu Âu “chuẩn bị” cho sự gia tăng số ca mắc bệnh, để “ phát hiện và ứng phó nhanh chóng với mọi ca nhiễm mới”. Pamela Rendi-Wagner, lãnh đạo ECDC, nhấn mạnh “do mối liên hệ chặt chẽ giữa châu Âu và châu Phi, các trường hợp nhiễm chủng I sẽ gia tăng”.

Riêng Pháp ngày 16/08 đã đặt hệ thống y tế vào “tình trạng cảnh giác tối đa”.

Châu Á cũng ghi nhận trường hợp mắc bệnh Mpox đầu tiên hôm 16/08 tại Pakistan, một ngày sau ca nhiễm bệnh được ghi nhận ở Thụy Điển. Bộ Y Tế Pakistan cho biết người nhiễm bệnh là một người đàn ông 34 tuổi, “đến từ một quốc gia vùng Vịnh”. Người này đang được điều trị ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa và các mẫu xét nghiệm đã được gửi đến Islamabad để các chuyên gia phân tích biến thể. Tại Đông Nam Á, Thái Lan hôm qua vừa thông báo phát hiện một du khách mắc bệnh đậu mùa khỉ, nghi nhiễm biến chủng nguy hiểm Clade Ib.

Cũng hôm 16/08, Trung Quốc tuyên bố tăng cường biện pháp kiểm soát người và hàng hóa vào lãnh thổ trong vòng 6 tháng.

Điều trị và tiêm chủng

Không có phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh Mpox, nhưng các triệu chứng có thể được kiểm soát bằng cách chăm sóc tích cực. Thuốc kháng virus dùng để điều trị bệnh đậu mùa, chẳng hạn như tecovirimat, có thể sẽ mang lại hiệu quả.

Một số loại vắc-xin, đặc biệt là vac-xin ngừa bệnh đậu mùa, sẽ rất hiệu quả trong việc phòng chống Mpox, nhưng vắc-xin này không có đủ ở châu Phi. Brian Ferguson, phó giáo sư về miễn dịch học tại Cambridge, thuộc Trung tâm Truyền thông Khoa học Anh Quốc (SMC), nhận định thế giới “có thể” chống lại dịch bệnh này, nhưng “điều đó đòi hỏi sự hợp tác quốc tế nhanh chóng”.

Châu Phi có những loại vắc-xin nào?

Bộ trưởng Y Tế Samuel-Roger Kamba tuyên bố thiết lập “kế hoạch tiêm chủng chiến lược quốc gia” tại CHDC Congo cũng như các biện pháp khác để phòng chống dịch bệnh. Hoa Kỳ sẽ tặng 50,000 liều vắc-xin Mpox cho quốc gia châu Phi này, vì tiêm chủng “sẽ là một yếu tố thiết yếu để ứng phó với dịch bệnh”.

Ngày 13/08, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) thông báo châu lục này sẽ nhận được khoảng 200,000 liều vắc-xin nhờ thỏa thuận với Liên Âu và hãng Đan Mạch Bavarian Nordic. Hãng dược phẩm này hôm 15/08 cho biết sẵn sàng sản xuất tới 10 triệu liều vắc-xin từ giờ đến năm 2025. Hiện tại, Bavarian Nordic có khoảng 500,000 liều trong kho.

Nhưng lãnh đạo Africa CDC, Jean Kaseya, thừa nhận rằng số lượng đó là chưa đủ, bởi loại vac-xin này cần có hai liều. Ông đề cập đến một chương trình tham vọng hơn đang được tiến hành, có thể phân phối tới 10 triệu liều vắc-xin.

Phát ngôn viên của WHO, Margaret Harris, trong một cuộc họp báo tại Genève đã kêu gọi: “Chúng ta cần các hãng dược phẩm tăng cường sản xuất để thế giới có thể tiếp cận với nhiều vắc-xin hơn nữa” . (T/H, RFI)