Thursday, January 23, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Nguyên nhân khiến nhiều người tử vong sau khi tiêm vắc-xin Covid-19

Na Uy, Đức, Mỹ, Thụy Sĩ đã ghi nhận các trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 do Pfizer và BioNTech sản xuất.

Hai tuần sau khi tiêm liều vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên do Pfizer và BioNTech sản xuất, bác sĩ sản khoa Gregory Michael, 56 tuổi, ở Miami-Beach, Florida, Mỹ, tử vong. Mới đây, Na Uy báo cáo 29 trường hợp người cao tuổi qua đời sau khi tiêm vắc-xin này và gặp một số tác dụng phụ. Viện Paul Ehrlich ở Đức cũng điều tra 10 ca tử vong ngay sau khi tiêm vắc-xin Covid-19. Thụy Sĩ, Isarel cũng gặp tình trạng tương tự.

Những tác dụng phụ

Theo bà Heidi Neckelmann, vợ của Michael, 3 ngày sau khi chồng tiêm vắc-xin, ông xuất hiện những nốt đỏ li ti như chấm xuất huyết dưới da tay, chân. Nhận ra điểm bất thường, Michael lập tức nhập viện.

Xét nghiệm máu cho thấy mức độ tiểu cầu của ông ở mức 0. Các bác sĩ chẩn đoán ông bị tiểu cầu cấp tính khiến máu không thể đông lại. Sau 2 tuần tích cực điều trị trong phòng cấp cứu, tình trạng của Michael không thuyên giảm. Cuối cùng, ông tử vong do xuất huyết não.

Gia đình của nạn nhân cho biết sức khỏe của ông Michael hoàn toàn bình thường trước khi tiêm vắc-xin. Người đàn ông này không hút thuốc hay mắc các bệnh lý nền. Cơ quan y tế đang điều tra nguyên nhân cái chết của Michael.

Trong khi đó, tại Na Uy, 29 trường hợp tử vong là người cao tuổi. Họ đều gặp phải tác dụng phụ như tiêu chảy, buồn nôn, sốt. Điều này đã khiến giới chức y tế Na Uy thay đổi khuyến cáo về tiêm chủng vắc-xin tại quốc gia này. Họ đánh giá ban đầu rằng vắc-xin Covid-19 có thể quá rủi ro đối với người lớn tuổi và mắc bệnh nan y.

Theo Viện Y tế Công cộng Na Uy, đối với những người bị suy nhược nghiêm trọng nhất khi gặp các tác dụng phụ tương đối nhẹ của vắc-xin cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

tu vong sau khi tiem vaccine anh 1
Một số ca tử vong sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 do Pfizer và BioNTech sản xuất khiến nhiều người lo ngại. Ảnh: Reuters.

Nguyên nhân?

Lý giải về trường hợp tử vong của bác sĩ Gregory Michael, chuyên gia về rối loạn đông máu, tiến sĩ Jerry L. Spivak, Đại học Johns Hopkins, cho biết tình trạng tử vong vì tiêm vắc-xin rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, điều đó không có nghĩa chúng ta phải dừng tiêm phòng.

Tình trạng bác sĩ Michael gặp phải xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công tiểu cầu của chính bệnh nhân hoặc phá hủy các tế bào trong tủy xương – nơi sản sinh tiểu cầu. Bệnh nhân mắc Covid-19 cũng có thể gặp phải tình trạng này. Ngoài ra, giảm tiểu cầu cấp tính hay rối loạn đông máu cũng xảy ra khi bệnh nhân bị sốc thuốc, kháng sinh. Theo tiến sĩ Spivak, tình trạng này xảy ra không có lý do và không có cách nào dự đoán liệu ai sẽ là nạn nhân tiếp theo. “Nếu bạn tiêm phòng cho toàn bộ người dân, tình trạng này chắc chắn sẽ xảy đến”, chuyên gia nói thêm.

Theo tiến sĩ Paul Offit, Bệnh viện Nhi Philadelphia, Mỹ, vắc-xin sởi cũng đã gây ra tình trạng rối loạn đông máu tương tự, tuy nhiên, nó thường chỉ thoáng qua và không nghiêm trọng. Tỷ lệ gặp phải là 1/25.000 mũi tiêm phòng sởi ở người lớn và trẻ em.

Theo tài liệu hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, thông thường, khi tiêm vắc-xin, chúng ta có thể gặp một số tác dụng phụ như sưng, đỏ, đau quanh vết tiêm. Tình trạng mệt mỏi, sốt, nhức đầu, tay chân cũng thường xảy ra trong 3 ngày đầu sau khi tiêm.

Sau đó, những phản ứng này nhẹ và giảm dần. Hiện tượng này cho thấy vắc-xin đang hoạt động. Bởi nó kích thích hệ thống miễn dịch và cơ thể hình thành các kháng thể chống virus. Tuy nhiên, trên lý thuyết, trong một số trường hợp hiếm hoi, hệ miễn dịch có thể nhận diện nhầm tế bào là kẻ thù cần tiêu diệt.

Trước đó, trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, vắc-xin của Pfizer đã ghi nhận một số trường hợp bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ, đỏ da và khó thở. Những người này đều không có bệnh nền và không dị ứng với thành phần của vắc-xin. Một số tình nguyện viêm tiêm thử các loại vắc-xin khác cũng gặp tác dụng phụ. Đây là điều không thể tránh khỏi khi tiêm mọi loại vắc-xin.

tu vong sau khi tiem vaccine anh 2
Những trường hợp tử vong đều được tiêm vắc-xin của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AP.

Cân nhắc rủi ro và lợi ích

Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA), Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phê duyệt cho các loại vắc-xin của Pfitzer, Moderna, Sputnik V, SinoVac và AstraZeneca. Theo ông Christian Bogdan, Giám đốc Viện Vi sinh lâm sàng, Miễn dịch và Vệ sinh, Bệnh viện Đại học Erlangen, thành viên của Ủy ban Thường trực về Tiêm chủng (STIKO) tại Viện Robert Koch (RKI), những quyết định phê duyệt vắc-xin đều dựa trên đánh giá rủi ro – lợi ích.

Trả lời DW, ông ví dụ một người cao tuổi có 20% nguy cơ tử vong khi mắc Covid-19. Nguy cơ gặp tác dụng phụ nghiêm trọng khi tiêm vắc-xin là 1/50,000, thậm chí ít hơn. Khi đó, ông chấp nhận rủi ro tiêm phòng vắc-xin để tránh mắc bệnh. Vị chuyên gia này cho rằng chúng ta không nên dừng việc tiêm chủng. Bởi những tác dụng phụ chỉ trở nên rõ ràng sau khi nhiều người được tiêm và giới nghiên cứu có thời gian quan sát, đánh giá kỹ hơn.

Tiến sĩ, bác sĩ nhi khoa Aaron E. Carroll, Đại học Y khoa Indiana, Mỹ, so sánh cứ 10 người Mỹ, một người báo cáo về tình trạng dị ứng với penicillin. Trong khi đó, tỷ lệ người dùng bị sốc phản vệ là 1/2,500 đến 1/5,000 người. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn cho các bệnh nhân dùng penicillin vì lợi ích mà nó mang lại trong điều trị.

Tại Mỹ, hơn 670,000 người phải nhập viện vì Covid-19 trong năm 2020. Các nhà khoa học vẫn chật vật để tìm ra cách điều trị và giảm nguy cơ tử vong. Nhiều bệnh nhân đối mặt biến chứng, hệ lụy kéo dài sau khi mắc Covid-19.

Tiêm vắc-xin dường như vẫn an toàn hơn nhiều so với việc bị nhiễm SARS-CoV-2. Theo ông Carroll, chúng ta cần khả năng miễn dịch cộng đồng. Cách duy nhất để làm được điều đó là hầu hết dân số thế giới đều được tiêm chủng. Vắc-xin không hoàn hảo nhưng điều đó không có nghĩa nó thất bại. Những ca tử vong là bằng chứng để chúng ta cảnh giác và không nên phụ thuộc 100% vào vắc-xin. (Z/N)