Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Người Việt ở Singapore đối diện làn sóng kỳ thị trong lúc dịch bệnh

Làn sóng kỳ thị chủng tộc nhắm vào người Việt đang dâng cao ở Singapore. Tình trạng này diễn ra sau khi một phụ nữ người Việt nhiễm COVID-19 và bị cho là nguồn lây cho nhiều người khác.

Hôm 14 tháng 7, chính quyền Singapore thông báo một phụ nữ người Việt Nam đang lưu trú ở nước này bị nhiễm COVID-19. Chính quyền sau đó tổ chức xét nghiệm những người đã tiếp xúc với người này và tìm ra thêm 42 ca lây nhiễm khác có cùng nguồn gốc.

Người phụ nữ Việt Nam trên được thông tin là thường lui tới các tụ điểm KTV (Karaoke) và hộp đêm, những địa điểm được cho là dễ gây ra lây nhiễm.

Thông tin về đợt bùng phát số ca lây nhiễm nội địa, và đặc biệt là nguyên quán của người phụ nữ được cho là F0 của ổ dịch, đã gây ra làn sóng bài người Việt trong lòng xã hội Singapore.

Trên mạng xã hội, nhiều người Singapore đã đăng tải và chia sẻ các nội dung có tính phân biệt đối xử, thậm chí là chủng tộc, nhắm vào cộng đồng người Việt Nam ở nước này.

Tránh xa những thứ sau trong 14 ngày tới: Nguyễn, Trần, Lê, Phạm, Hoàng/Huỳnh, Phan, Vũ/Võ, Đặng, Bùi, Hồ, Ngô, Dương và Lý”.

Một tài khoản mạng xã hội ở Singapore đăng thông tin kêu gọi người ở đây tránh xa những người mang những họ tên đặc trưng của người Việt.

Nhiều người Việt Nam sinh sống ở đây đã thông báo về việc bị gọi với các từ ngữ miệt thị, thậm chí là phân biệt chủng tộc khi đang đi trên đường.

racisminsingapore1.jpg

Jolin Đặng, một phụ nữ Việt Nam sinh sống ở Singapore, là một trong những nạn nhân của tình trạng miệt thị này. Hôm 15 tháng 6, cô bắt xe grab để đi đến Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore và khi trên đường thì người tài xế đã hỏi cô một cách trắng trợn rằng có phải cô làm tại KTV.

Sốc, rất sốc, lần đầu tiên trong đời, hơn 30 năm chưa từng có một người nào hỏi mình câu đấy, và cũng chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ có một người hỏi mình cái câu đó.

Có thể có nhiều người nghĩ rằng câu hỏi đó là bình thường, nhưng bản thân tôi là một người gốc Việt. Nếu như là ở Nhật Bản thì tôi có thể nói KTV là một nghề được coi trọng, nhưng đấy là ở Nhật Bản. Còn bản thân mình là một người gốc Việt, đối với một người con gái Việt Nam mình thì khi người khác hỏi có phải cô làm gái không thì tôi nghĩ đấy là một sự xúc phạm!”

Cô Jolin Đặng sau đó đã chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội và thu hút sự quan tâm của xã hội. Cô cũng báo cáo sự việc với công ty Grab và nhận được sự xin lỗi từ công ty này.

Bà Vanesa Ho, giám đốc điều hành của tổ chức The Project X, một tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ những lao động trong lĩnh vực tình dục ở Singapore, trao đối với RFA về vấn đề này, bà nói:

Tất cả chúng tôi đều cảm thấy khó chịu trước những gì hiện đang xảy ra. Đôi khi, tôi thắc mắc tại sao chúng ta không rút ra bài học nào?

Đầu tiên thì họ gọi nó là vi-rút Vũ Hán, sau đó thì người Trung Quốc bị kỳ thị, thậm chí có chuyện công dân Singapore du học ở nước ngoài bị đánh đập trên phố. Tiếp theo là biến thể Ấn Độ, mà bây giờ WHO gọi là biến thể Delta, nhưng cũng đã có rất nhiều sự phật biệt chủng tộc nhắm vào người Ấn Độ ở Singapore, một số người đi bộ ở công viên đã bị quát nạt và tấn công. Còn bây giờ khi chính quyền nhắc đến một người phụ nữ Việt Nam thì đến lượt người Việt Nam bị nhắm đến.”

Cũng theo bà Vanesa thì một tình nguyện viên người Việt của tổ chức đã bị một số người Singapore quát rằng “tất cả là tại chúng mày” trong lúc ra ngoài mua thực phẩm, khiến người này sợ hãi và phải chạy về nhà.

Việc nhiều phụ nữ Việt Nam trở thành nạn nhân của tình trạng kỳ thị ở Singapore, theo bà Vanesa Ho, thì có thể có sự liên hệ với nghề nghiệp của người phụ nữ Việt Nam bị nhiễm COVID-19. Dù không rõ nghề nghiệp chính xác của người phụ nữ đó, nhưng xã hội Singapore đồn đại rộng khắp rằng cô làm tiếp viên trong quán KTV, hay cũng có tin đồn cho rằng cô là gái bán dâm.

Bình luận về tình trạng nhiều người Việt Nam phải chịu sự phân biệt đối xử chỉ vì hành động của một cá nhân, Nguyễn Phương Hoa, người hiện đang sinh sống và làm việc ở Singapore cho RFA biết quan điểm của cô:

“Ở Việt Nam có câu vơ đũa cả nắm, thì tôi cho rằng cho dù người làm lây lan dịch bệnh là người Việt Nam, dù vô thức hay không, thì đó là lỗi của một cá nhân. Còn việc dùng quốc tịch để quy chụp và đổ lỗi cho một nhóm người thì đương nhiên là không công bằng.

Tôi tâm niệm Singapore là một nước văn minh, với những chính sách cởi mở với thế giới, đón chào nguồn lực từ nước ngoài, thì việc có những tư tưởng như vậy là hơi cổ hủ”.

Nguyễn Phương Nhi, một phụ nữ Việt Nam đã sinh sống và làm việc tại Singapore được ba năm, thì chỉ ra một yếu tố khác dẫn đến việc nhiều người Việt phải đối mặt với định kiến, đó là giọng nói tiếng Anh.

Tôi thấy rằng người Việt Nam mình rất là giỏi nhưng có một cái bị đánh giá ngay từ ban đầu là khả năng sử dụng ngôn ngữ, chẳng qua là vì cái ngôn ngữ tiếng Việt của mình, nên phát âm của các bạn có thể không được chuẩn lắm nhưng vô hình chung là bị đánh giá. Tôi đã gặp trường hợp những người bạn có những phát ngôn tiêu cực về mình, ví dụ người ta nói người Việt ngu dốt, hoặc thiếu giáo dục.

Cô Phương Nhi cũng cho rằng vụ việc người phụ nữ Việt Nam bị nhiễm COVID-19 đã tạo ra cái cớ để nhiều người Singapore bộc lộ thiên kiến mà họ đã có từ lâu đối với người Việt Nam.

Trước khi đại dịch xảy ra, khi việc di chuyển giữa các quốc gia vẫn diễn ra một cách bình thường, thì vấn đề được nhiều người quan tâm đó là tình trạng phụ nữ Việt Nam bị giam giữ tuỳ tiện tại sân bay khi hạ cánh xuống Singapore, nhiều người bị thẩm vấn về mục đích đến nước này và, nhiều trường hợp thậm chí đã bị từ chối cho nhập cảnh và phải lên máy bay quay trở về. 

Tuy làn sóng phân biệt đối xử nhắm đến người Việt Nam đang dâng cao ở Singapore, nhưng theo đánh giá của nhiều người Việt sinh sống ở đây thì hầu hết định kiến chỉ tồn tại ở một bộ phận dân chúng nhất định, đặc biệt là ở nhóm dân cư lớn tuổi. Những người Việt Nam ở Singapore vẫn cho rằng Singapore là một quốc gia an toàn và thân thiện với người nước ngoài. (RFA)