Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Người học đại học sống thọ hơn

Tuổi thọ con người ngày càng tăng nhờ tiến bộ khoa học. Một nghiên cứu ở Mỹ chỉ ra rằng 2/3 người không có bằng đại học giảm về tuổi thọ.

Proceedings of the National Academy of Sciences vừa đăng tải nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ về tuổi thọ con người. Theo đó, tuổi thọ của 2/3 người Mỹ không có bằng đại học đang giảm dần. Điều này ngược lại với xu hướng chung, làm tăng chênh lệch tuổi thọ giữa nhóm người học và không học đại học.

“Nhìn vào dữ liệu, mọi người sẽ thấy năm 2012 trở về trước, tuổi thọ tăng. Sau đó, quãng đời của người không có bằng đại học bắt đầu giảm. Tình trạng tuổi thọ giảm không xảy ra với tất cả mà chỉ với những người Mỹ không trải qua 4 năm đại học. Sự khác biệt phân chia theo giáo dục rất lớn”, Angus Deaton, giáo sư Kinh tế học tại ĐH Southern California và Princeton, thành viên nhóm nghiên cứu, cho hay.

Nguoi hoc dai hoc anh 1
Chênh lệch tuổi thọ giữa người có và không có bằng đại học ở Mỹ. Ảnh: Nghiên cứu của Anne Case và Angus Deaton.

Với nghiên cứu này, GS Deaton cùng cộng sự Anne Case, cũng là giáo sư tại ĐH Princeton, phân tích 48.9 triệu hồ sơ chứng tử của người Mỹ từ năm 1990 đến năm 2018. Họ muốn tính số năm mà một người giả sử 25 tuổi có thể sống đến 75 tuổi (tức chỉ tính trong vòng 50 năm).

Theo CNBC, phương pháp này thường được dùng cho các nghiên cứu tính khả năng con người chết vì các vấn đề không liên quan tuổi tác như “cái chết tuyệt vọng” – thuật ngữ chỉ tình trạng tử vong đang tăng vì dùng chất kích thích, rượu, tự tử.

Nhóm nghiên cứu phát hiện năm 2018, người trưởng thành ở Mỹ có bằng đại học có thể sống 48.2 năm trong số 50 năm mặc định. Trong khi đó, con số này ở nhóm người không học đại học là 45.1 năm.

GS Deaton và Case nhấn mạnh đây là sự chênh lệch đáng kể, một phần do chênh lệch trong cơ hội nghề nghiệp, thiếu việc làm ổn định, lương cao đối với người không có bằng cấp.

“Mỹ là đất nước giàu có, rộng lớn với công nghệ y học đi đầu nhưng tuổi thọ của những người không có bằng đại học vẫn giảm, thậm chí trước cả khi dịch Covid-19 bùng phát”, GS Case cho biết.

GS Deaton bổ sung rằng đại dịch đang khiến điều kiện sống của những người không bằng cấp trở nên tồi tệ hơn. Họ thường phải làm công việc tiếp xúc người khác, đối mặt môi trường làm việc không an toàn.

Theo ông, công việc tốt ngày càng hiếm đối với người lao động chưa trải qua 4 năm đại học. Nhiều người trong số họ thất nghiệp. Chi phí cho chương trình chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, đẩy những người này khỏi thị trường lao động chất lượng cao.

GS Deaton nói thêm người lao động không có công việc ổn định hay bảo hiểm sức khỏe, “dần dần phá hủy cuộc sống của người ít học tại Mỹ trong 50, 60 năm qua”.

Nghiên cứu cũng chỉ ra trình độ học vấn ngày càng ảnh hưởng tuổi thọ của người dân Mỹ. Sự khác biệt này thậm chí còn rõ ràng hơn chênh lệch trong tuổi thọ giữa các chủng tộc.

Từ kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đề xuất tăng cơ hội tiếp cận giáo dục và cơ hội việc làm, cũng như có thể giải quyết một số vấn đề liên quan tuổi thọ. (Z/N)