Saturday, April 20, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Nghiên cứu Úc: Ánh nắng mặt trời giúp chống lại bệnh trầm cảm

Một nghiên cứu của Úc đã phát hiện ra rằng, ánh sáng trong các điều kiện khác nhau có thể có những tác động khác nhau đến cảm xúc của con người. Dựa trên kết quả này, các nhà nghiên cứu ở Úc đã thực hiện một loạt các nghiên cứu sáng tạo về việc giảm bớt nỗi đau sức khỏe về mặt tâm lí.

Nhóm nghiên cứu của nhà tâm lý học Elise McGlashan thuộc Viện Sức khỏe Não và Tâm thần của Đại học Monash đã phát hiện ra rằng: Ánh sáng có thể thay đổi phản ứng sinh lý thần kinh của con người, và mang lại cho người ta cảm giác an toàn.

Ông McGlashan nói: “Tất cả chúng ta đều đã có kinh nghiệm này, bước vào một văn phòng có cửa sổ lớn và bước vào một văn phòng không có đủ ánh sáng, cảm giác thật khác biệt”.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, điều này là do ánh sáng đã tăng cường kết nối giữa hạch hạnh nhân và vỏ não trước trán. “Sự rối loạn về khả năng kết nối giữa hai vùng này ở não là có liên quan đến chứng lo âu cao độ”.

Nghiên cứu cho biết, ánh sáng còn có thể làm giảm hoạt động của hạch hạnh nhân, là trung tâm phản ứng ra tâm lí sợ hãi, từ đó giúp chúng ta thư giãn cảm xúc của mình. Hoạt động của hạch hạnh nhân giảm đi cũng có liên quan đến cảm xúc tích cực và giảm lo lắng.

 ánh sáng tác động đến cảm xúc
Không khí trong lành, ánh nắng mặt trời cùng thể dục rất tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần. (Hình Shutterstock)

Dựa trên kết quả của nghiên cứu này, họ đã phát triển một liệu pháp thay thế cho liệu pháp điều trị trầm cảm – liệu pháp ánh sáng.

Ông McGlashan cho biết: “Việc sử dụng ánh sáng liều cao để trị liệu rất hiệu quả trong việc chống lại trầm cảm. Liệu pháp ánh sáng là liều thuốc hữu hiệu cho căn bệnh này”.

Kết quả của nghiên cứu này cho thấy, ánh sáng trong các điều kiện khác nhau sẽ có tác động khác nhau đến cảm xúc của con người.

Một nhà nghiên cứu khác từ Đại học Monash, Phó giáo sư Sean Cain, phát hiện ra rằng các nguồn ánh sáng nhân tạo vào ban đêm có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe.

Ông Cain hiện đang chuẩn bị sản xuất hàng loạt máy cảm biến ánh sáng mang bên người, có thể giúp người dùng tránh các nguồn sáng độc hại, chẳng hạn như đèn LED xanh của máy tính và điện thoại di động, những thứ có thể gây hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta.

Rất nhiều người Úc hiện đang phải cách ly tại nhà vì virus Trung Cộng (viêm phổi Vũ Hán, COVID-19). Bang New South Wales và bang Victoria đang thực hiện các biện pháp kiểm dịch trên diện rộng. Các chuyên gia sức khỏe tâm lí chỉ ra rằng, việc này có thể dẫn đến những con số kỷ lục về các vấn đề sức khỏe tinh thần.

Các cuộc gọi giúp đỡ mà Lifeline Australia – Đường dây nóng về Sức khỏe Tinh thần và Phòng chống Tự tử ở Úc – nhận được đã tăng thêm 40%.

Ông Cain nói, “Trong nhịp đập của quá trình hiện đại hóa, con người kiểm soát môi trường ánh sáng của mình bằng các nguồn sáng điện”, nhưng cái mà nó mang tới là, “bây giờ chúng ta dường như đang sống trong chạng vạng”.

“Dưới ánh sáng ban ngày, chúng ta sống ở trong nhà, chúng ta không còn ra ngoài thường xuyên. Khi màn đêm buông xuống, chúng ta cũng không còn bóng tối nữa”. 

 ánh sáng tác động đến cảm xúc
Ánh sáng có hại nhất là ánh sáng mà chúng ta hấp thu trước khi đi ngủ, cho dù đó là bóng đèn hay đèn màn hình. (Hình Shutterstock)

Một nghiên cứu gần đây của ông Cain được công bố trên tạp chí Scientific Reports cho thấy, những người tiếp xúc nhiều với ánh sáng vào ban đêm sẽ khó ngủ hơn, do melatonin bị ức chế.

Melatonin là một loại hormone được não tiết ra trong môi trường tối. Nó giúp điều chỉnh nhịp sinh học của con người (đồng hồ sinh học 24 giờ), và giúp cơ thể đi vào trạng thái ngủ. Khi người ta vẫn tiếp xúc với ánh sáng sau khi trời tối, việc tiết melatonin sẽ bị ngăn trở.

Ông Cain cho biết: “Sự luân phiên giữa ngày và đêm đang điều hòa cơ thể của chúng ta, và giúp phục hồi các chức năng của cơ thể, nhưng giờ đây nó đã bị thay thế bằng cảnh chạng vạng bất quy tắc, môi trường sống như vậy đang ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của cơ thể chúng ta, dẫn đến các bệnh mãn tính khác nhau xuất hiện trên cơ thể”.  (ETV)