Ngày Cựu chiến binh: Thời điểm để tưởng nhớ và tri ân
Vào lúc 11h ngày 11/11/1918, cuộc đại chiến đã đi đến hồi kết. “Cuộc chiến chấm dứt mọi cuộc chiến” này đã cướp đi sinh mạng của 8 triệu quân nhân và 6,6 triệu dân thường. Chưa đầy 30 năm sau, một sự kiện khác với quy mô lớn hơn và tàn khốc hơn đã đổi tên cuộc đại chiến thành Thế chiến I.
Và thời khắc lịch sử ấy đã trở thành “Ngày Cựu chiến binh”. Năm 1919, Tổng thống Woodrow Wilson tuyên bố ngày 11/11 là “Ngày đình chiến”, một thời điểm để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn những chiến sỹ đã hy sinh, đồng thời vinh danh chiến thắng của họ.
Năm 1926, Quốc hội thông qua nghị quyết coi “Ngày đình chiến” là ngày lễ thường niên, đến năm 1938 đã tuyên bố đây là ngày lễ quốc gia để vinh danh các cựu chiến binh trong đại chiến. Nhưng lịch sử thật trớ trêu, trong khi Quốc hội kỷ niệm Ngày đình chiến vì mục tiêu hòa bình thế giới, thì chỉ một năm sau, Thế chiến II lại bùng nổ ở châu Âu.
Chính phủ của Tổng thống Dwight Eisenhower đã đổi từ “Đình chiến” thành “Cựu chiến binh” để vinh danh tất cả các cựu chiến binh dù còn sống hay đã hy sinh. Khi Dự luật Ngày lễ năm 1968 chuyển các ngày lễ của liên bang sang thứ Hai để kéo dài thêm ngày nghỉ cuối tuần, các cựu chiến binh và nhiều người khác đã phản đối sự thay đổi này đối với Ngày Cựu chiến binh. Vậy là năm 1975, Tổng thống Gerald Ford đã khôi phục lại ngày này và tổ chức vào 11/11 hàng năm.
Trên đây là câu chuyện lịch sử về sự ra đời của Ngày Cựu chiến binh. Vậy, dịp lễ đặc biệt này có ý nghĩa gì với chúng ta ngày hôm nay?
Nỗi đau đã qua
Sau một thế kỷ giết chóc và bạo lực của cuộc Cách mạng Nga, Đức Quốc xã, những trại tử thần, các cuộc chiến dường như kéo dài bất tận trên khắp thế giới, cùng với hàng triệu người bị giết hại trong Cách mạng Văn hoá ở Trung Quốc, Cánh đồng chết ở Campuchia, và còn hơn thế nữa… thì những nhân chứng còn sống sót đã từng phải chứng kiến cảnh máu chảy đủ để lấp đầy cả đại dương.
Kết quả là, chúng ta đã quên mất rằng tổ tiên mình năm xưa ít tội lỗi hơn chúng ta ngày nay rất nhiều. Nửa cuối thế kỷ 19, ngoài cuộc chiến Pháp – Phổ năm 1870 thì châu Âu chỉ có rất ít xung đột vũ trang. Những con người năm đó thật khó có thể tưởng tượng về một cuộc chiến mà hàng triệu sinh mạng sẽ phải ra đi, hàng ngàn người sẽ mất đi mạng sống chỉ vì một vài thước đất. Đó cũng là sự tàn sát khủng khiếp mà súng máy, hơi cay, và pháo hạng nặng đã mang lại cho chiến trường thời đó.
Nếu không đọc những cuốn tiểu sử như “Tạm biệt tất cả” (Goodbye to All That) của Robert Graves hoặc những cuốn lịch sử như “Đại chiến và ký ức hiện đại” (The Great War and Modern Memory) của Paul Fussell, chúng ta sẽ khó có thể hiểu được những gì mà lính chiến thời đó phải chịu đựng. Ví dụ, hầu hết các cuộc chiến ở mặt mặt trận phía Tây khá thầm lặng, bên dưới là binh lính nằm trong chiến hào, bên trên là phân bùn rác rưởi… Họ phải chịu đựng trời mưa và tuyết, bị bọ chét và chuột cắn phá, và luôn phải sống trong trạng thái căng thẳng khi các cuộc tấn công có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Và vì những lý do đó mà “Ngày đình chiến” đã ra đời.
Ngày tưởng niệm
Giống như Hoa Kỳ, rất nhiều nước từng tham gia Thế chiến I đã lấy ngày 11/11 làm ngày tưởng nhớ những quân nhân đã khuất trong cuộc chiến đau thương này.
Tại các quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung, Ngày tưởng niệm cũng là thời điểm để tưởng nhớ những cựu chiến binh đã hy sinh trong khi phụng sự tổ quốc. Ví dụ, ở Vương quốc Anh có nghi lễ đặt vòng hoa, quân đội tưởng nhớ sự kiện này với hai phút mặc niệm lúc 11 giờ trưa – một nghi lễ để thể hiện sự tôn kính với người đã khuất.
Dưới đây là bài đăng trích từ Hồ sơ Lực lượng Chiến đấu mô tả về phút mặc niệm đầu tiên ở Manchester, năm 1919:
Tích tắc đầu tiên báo hiệu 11 giờ, giây phút tưởng niệm để lại bao dư âm…
“Đoàn xe điện chìm vào trạng thái tĩnh lặng, động cơ không còn kêu và bốc khói, tất cả đều dừng lại yên ắng. Những cỗ xe ngựa từng oằn mình chở nặng thì nay dừng lại, và dường như nó cũng mong muốn được đắm mình trong phút mặc niệm.
“Ai đó ngả mũ, cùng với sự ngập ngừng và hồi hộp những người còn lại cũng cúi đầu. Đâu đó, một người lính già đang tập trung mặc niệm trong vô thức. Lão phu nhân đứng cách đó không xa đang gạt nước mắt, còn người đàn ông bên cạnh thì trắng bệch và nghiêm trang. Mọi người càng đứng yên, sự tĩnh lặng càng sâu. Bầu không khí ấy đã lan rộng ra toàn thành phố và trở nên rõ rệt đến mức gây ấn tượng với mỗi người. Đó là sự im lặng gần như đau đớn … Và linh hồn của ký ức đã phủ trùm lên tất cả”.
Bài thơ “Chiến trường Flanders” mở đầu với những câu thơ nổi tiếng: “Trên chiến trường Flanders cây anh túc mọc / Giữa những hàng Thánh giá nối dài”. Cây anh túc đã trở thành biểu tượng của ngày tưởng niệm và vẫn được nhiều người cài lên để tỏ lòng kính trọng khi họ tưởng nhớ về những người lính, thủy thủ và phi công đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh.
Giữa sự sống và cái chết
Không lâu sau cuộc Nội chiến, nhiều bang của Hoa Kỳ đã thành lập “Ngày tưởng niệm” để tôn vinh những người đã hy sinh cho đất nước. Do đó, Ngày Cựu chiến binh tập trung nhiều hơn vào những quân nhân đã phục vụ trong quân đội hơn là những chiến sỹ hy sinh trong chiến đấu.
Những nam nữ chiến binh này vẫn đang sống giữa chúng ta. Một số là cựu binh của Thế chiến II, một số là quân nhân phục vụ trong các cuộc xung đột như chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam, và gần đây nhất là các binh đoàn thực hiện nghĩa vụ ở những nơi như Afghanistan và Iraq. Ngày Cựu chiến binh là ngày của họ, là khoảng thời gian dành riêng để ghi dấu lòng yêu nước và sự hy sinh của họ, là thời điểm để chúng ta cùng suy ngẫm và trân trọng những gì các anh đã làm cho đất nước.
Tất nhiên, không phải tất cả những ai trong quân đội đều chiến đấu và chịu nỗi đau hy sinh hay thương tật. Nhưng chúng ta bày tỏ lòng tôn vinh, vì dẫu mang những vai trò khác nhau, từ thợ cơ khí đến quân cảnh, các anh đều nhập ngũ với mục tiêu phụng sự đất nước mình.
Tri ân tận đáy lòng
Vậy, làm thế nào để chúng ta bày tỏ lòng kính trọng đối với những người đã chiến đấu cho đất nước này?
Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách lắng nghe câu chuyện của những cựu chiến binh từng phục vụ trong quân đội. Từ những bậc lão niên cho đến những người hàng xóm đã từng phục vụ ở Việt Nam, chú bác và anh em họ của tôi từng chiến đấu ở những nơi xa xôi như Afghanistan, hoặc những quân nhân đã phục vụ ở Hàn Quốc hoặc Đức… chúng ta hãy lắng nghe trải nghiệm của họ và cảm ơn những gì họ đã làm. Đó không chỉ là cách để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn mà còn để hiểu thêm về cái giá phải trả cho đất nước được tự do.
Bên cạnh đó hãy tìm hiểu về những người lính, thủy thủ và phi công dũng cảm đã chiến đấu để bảo vệ các quyền tự do đó. Chúng ta có thể đọc cuốn tự truyện của những chiến binh như Eugene Sledge kể về cuộc chiến ở Thái Bình Dương chống lại quân Nhật, cuốn “Giống nòi xưa cũ” (With the Old Breed), hoặc những tiểu thuyết như “Từng là Đại Bàng” (Once an Eagle) của Anton Myrer kể về cuộc chiến của Hoa Kỳ trong thế kỷ 20. Chúng ta có thể xem phim tài liệu về những cựu chiến binh này và cuộc chiến của họ, đồng thời hiểu những hy sinh to lớn của họ và những trận chiến kinh hoàng mà họ từng chiến đấu.
Dù cho bạn có phục vụ đất nước trong màu sắc quân phục hay không, thì hãy dạy cho con cái mình niềm vinh dự về điều đó. Chúng ta có thể kể cho các con về những vị anh hùng, như: Cậu bé đánh trống của Shiloh, những người lính chăn bò vùng đồng bằng miền Tây, Alvin York của Tennessee trong Thế chiến I, Audie Murphy – người lính huy hoàng nhất trong Thế chiến II, các vị tướng như Pershing, Dwight Eisenhower, Douglas MacArthur… và rất nhiều quân nhân khác đã hy sinh trên các chiến trường khắp nơi trên thế giới.
Chúng ta có thể hỗ trợ quân đội thực hiện nghĩa vụ của mình. Hãy cung cấp cho họ những công cụ cần thiết để giành chiến thắng và giữ cho đất nước chúng ta được an toàn.
Cuối cùng, chúng ta có thể dừng lại một chút vào ngày 11/11, dành 2 phút tĩnh lặng và suy ngẫm, bày tỏ lòng cảm ân đến người dân thành phố, thị trấn và những vùng nông thôn, đến những người yêu nước trẻ tuổi vẫn vững tin và sẵn sàng phục vụ cho nền cộng hoà này.
Một phút dừng lại
Cha tôi đã qua đời hai năm về trước, ông từng trải qua những năm tháng cuối cùng thời niên thiếu để phục vụ trong Sư đoàn 88 ở Ý trong Thế chiến II với vai trò là lính bộ binh.
Nhiều năm qua, cha tôi vẫn thường kể lại các câu chuyện thời ấy. Đó là những khó khăn khi ông sống ở ngoài trời, là buổi chiều khi vị trung đội trưởng kéo ông trên cầu thang dẫn xuống tầng hầm và ông bị mất một bàn chân vì vô tình giẫm vào một quả mìn của quân Đức, và là một buổi sáng khi ông và đồng đội bắt được toán người Đức đang ăn sáng trong ngôi nhà ở trang trại…
Tại buổi họp mặt vào Lễ Tạ ơn năm ấy, anh chị em tôi đã tụ họp các con lại, lũ trẻ hầu hết vẫn còn ở tuổi thiếu niên. Chúng tôi đến bên cha và đề nghị ông kể chuyện ngày xưa của mình. Lũ trẻ chăm chú lắng nghe rồi đặt ra rất nhiều câu hỏi, và tìm hiểu thêm về món quà mà ông đã dành tặng cho đất nước mình.
Rất nhiều người trong chúng ta đã quên mất ý nghĩa của ngày lễ liên bang mà chúng ta đang kỷ niệm. Ví dụ: Ngày Tưởng niệm là các cuộc dã ngoại và các cuộc đua NASCAR, Ngày Lao động là một kỳ nghỉ ngắn trước khi bắt đầu mùa thu và mùa đông, và Ngày Tổng thống mang lại các món hời giảm giá…
Năm nay, Ngày Cựu chiến binh rơi vào thứ Tư. Hãy lắng lại một chút vào ngày đó để bày tỏ lòng kính trọng đối với các cựu chiến binh của chúng ta, những người đã bảo vệ nền cộng hòa và tự do của Hoa Kỳ.
Cảm ơn cha, cảm ơn tất cả những người đã phụng sự vì tổ quốc này.
Jeff Minick
Thuần Thanh biên dịch, ETV