Nên bỏ suy nghĩ khi nào đại dịch Covid-19 kết thúc
Nhiều chuyên gia từng dự báo đầu năm 2022 đại dịch Covid-19 sẽ có bước chuyển biến mới. Nhưng Omicron và chủng phụ của nó xuất hiện phá vỡ mọi kỳ vọng.
Đại dịch đang bước sang năm thứ 4, các nhà khoa học cảnh báo chính phủ nhiều nước đã mệt mỏi, người dân cũng bị ảnh hưởng nhiều khi phải đối phó với hàng loạt đợt Covid-19 liên tiếp.
Chỉ riêng Mỹ, Giám đốc Viện Đo lường và Đánh giá Y tế, ông Chris Murray dự báo sẽ có tới một triệu ca nhiễm mỗi ngày trong mùa đông này. Ông nói với Reuters: “Con số này là gấp đôi con số hàng ngày của hiện tại”.
Nhóm người có nguy cơ cao hơn
Các nhà khoa học dự đoán người dân khắp nước Anh và châu Âu sẽ sống chung với hàng loạt đợt sóng Covid-19 mới trong tâm thế khác. Họ dành nhiều thời gian hơn trong nhà khi thời tiết lạnh, nhưng không còn hạn chế, khẩu trang hay giãn cách xã hội.
Nguy cơ vẫn rình rập khi số ca mắc có thể tăng trở lại trong những tháng tới nhưng ca tử vong, nhập viện khó quay trở lại mức cao như một năm trước. Bởi người dân toàn cầu đã được trang bị kháng thể từ tiêm chủng, mũi nhắc lại hay lần mắc Covid-19 trước đó. Các biến chủng dễ lây hơn nhưng cũng có vẻ như nhẹ hơn. Các biện pháp điều trị Covid-19 hiệu quả cao cũng góp phần giúp sức khỏe cộng đồng được bảo vệ tốt hơn.
Tiến sĩ Murray nhận định: “Những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất là nhóm chưa từng mắc Covid-19 và hầu như chúng ta còn rất hiếm người như vậy”.
Những dự báo trên đặt ra câu hỏi về thời điểm các quốc gia sẽ thoát khỏi giai đoạn khẩn cấp Covid-19 và chuyển sang tình trạng bệnh lưu hành. Đây là thuật ngữ chỉ các cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng cao, vẫn xuất hiện những đợt bùng phát nhưng nhỏ hơn và có thể theo mùa.
Omicron phá vỡ những kỳ vọng
Nhiều chuyên gia từng dự báo đầu năm 2022 sẽ có bước chuyển mới với Covid-19, nhưng sự xuất hiện của Omicron và các chủng phụ của nó đã phá vỡ những kỳ vọng này.
Nhà dịch tễ học Adam Kucharski, Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, Anh, chia sẻ: “Chúng ta cần gạt bỏ ý nghĩ về việc đại dịch đã kết thúc chưa”. Ông và những chuyên gia khác nhận thấy Covid-19 đang biến thành mối đe dọa đặc hữu và vẫn gây gánh nặng bệnh tật cao.
“Có người từng nói với tôi về định nghĩa tính đặc hữu là cuộc sống chỉ trở nên tồi tệ hơn một chút”, vị chuyên gia giải thích thêm. Điều chưa thể trả lời được lúc này là biến chủng mới có thể xuất hiện và cạnh tranh với những dòng phụ Omicron đang thống trị hay không.
Theo báo cáo gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở châu Âu, nếu biến chủng đó cũng gây ra bệnh nặng hơn và khả năng tránh được miễn dịch trước đó tốt hơn, đây sẽ là “tình huống xấu nhất”.
Báo cáo dựa trên mô hình của Đại học Hoàng gia London cho thấy tất cả kịch bản với biến chủng mới đều dẫn tới khả năng sẽ có làn sóng Covid-19 lớn trong tương lai với mức độ tồi tệ bằng hoặc thậm chí hơn đợt dịch 2020-2021.
Khó dự đoán kịch bản khả dĩ
Nhiều chuyên gia về bệnh truyền nhiễm được Reuters phỏng vấn cho biết việc đưa dự báo về Covid-19 đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Bởi nhiều người tự xét nghiệm tại nhà mà không báo cáo cho giới chức y tế, tỷ lệ lây nhiễm bị che khuất.
Trong khi đó, BA.5 – chủng phụ đang chiếm ưu thế trên toàn cầu, rất dễ lây, số người nhập viện vì các bệnh khác không biết mình mắc bệnh cho đến khi có kết quả dương tính. Những người này được tính vào số ca trở nặng, ngay cả khi Covid-19 không phải là thủ phạm khiến họ phải nhập viện.
Những ẩn số khác cũng khiến dự báo của các nhà khoa học trở nên phức tạp hơn như liệu sự liên kết giữa miễn dịch lai (từ tiêm chủng và lần mắc Covid-19 trước đó) có mang lại sự bảo vệ tốt hơn hay không, chiến dịch mũi tiêm tăng cường có hiệu quả như thế nào.
Nhà dịch tễ học David Dowdy, Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, Mỹ, cho biết: “Bất kỳ ai nói rằng họ có thể dự đoán tương lai của đại dịch là quá tự tin hoặc đang nói dối”.
Các chuyên gia cũng đang theo dõi chặt chẽ diễn biến ở Úc. Đây là nơi cúm mùa bùng phát cùng với Covid-19, bệnh nhân nhập viện tăng cao gây quá tải. Họ cho rằng có thể các quốc gia phương Tây sẽ chứng kiến mô hình tương tự sau một vài năm cúm mùa tạm lắng xuống.
WHO khuyến cáo mỗi quốc gia vẫn cần tiếp cận các làn sóng mới với tất cả “kho vũ khí” từ trước tới nay như tiêm chủng, xét nghiệm, giãn cách xã hội và khẩu trang.
Sharon Alroy-Preis, người đứng đầu dịch vụ y tế công cộng của Israel, cho biết chính phủ nước này gần đây đã ngừng xét nghiệm Covid-19 thông thường với khách du lịch tại sân bay quốc tế. Nhưng họ sẵn sàng khởi động lại trong vòng vài ngày nếu đối mặt tình huống đột biến lớn.
“Trước làn sóng lây nhiễm, chúng ta cần đeo khẩu trang và tự xét nghiệm. Đó mới là sống chung với Covid-19”, bà Sharon Alroy-Preis nói thêm. (T/H, Z/N)