Mua bán vũ khí giữa VN và Israel gặp khó sau lệnh bắt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Việc xuất khẩu các vũ khí và thiết bị phục vụ an ninh của Israel sang Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn sau khi công an Việt Nam hồi tuần trước thông báo việc khởi tố và bắt giữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn, một người được cho là trung gian đứng giữa các vụ mua bán giữ hai nước. Trang tin Haaretz của Israel hôm 1/5 có bài phân tích về vụ bắt giữ này.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an Việt Nam hôm 29/4 vừa ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC (Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC) trong vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.
Bà Nhàn bị cáo buộc cùng với các giới chức thuộc Sở Y tế Đồng Nai và các công ty liên quan gian lận thầu cung cấp trang thiết bị cho Bệnh viện Đồng Nai, gây thiệt hại cho Nhà nước 152 tỷ đồng.
Tuy nhiên theo các Facebooker chuyên đưa tin về an ninh ở Việt Nam thì dường như bà Nhàn hiện đang ở Nhật Bản nên chưa bị bắt giữ. Còn trang tin Haaretz thì cho biết bà Nhàn đã sang Châu Âu từ hơn một năm nay.
Theo Haaretz, bà Nhàn là một nhân vật quan trọng và là người môi giới trong hàng loạt các thoả thuận mua bán vũ khí và thiết bị phục vụ cho công an Việt Nam từ hơn 10 năm qua.
Trong khoảng 15 năm qua, Việt Nam đã trở thành một thị trường xuất khẩu vũ khí quan trọng cho Israel. Hai bên đã ký một thoả thuận vào năm 2011 nhằm tăng cường hợp tác an ninh, và một quan chức cấp cao của Israel đã sang thăm Việt Nam cách đây ba năm.
Theo Haaretz, các thoả thuận xuất khẩu vũ khí của Israel sang Việt Nam đã đạt hơn một tỷ đô la. Một trong các hợp đồng lớn nhất giữa hai nước hiện vẫn đang trong quá trình thảo luận là của công ty IAI của Israel bán cho tình báo quân đội Việt Nam thiết bị vệ tinh tình báo Ofek (hay còn goi là Horizon). Thoả thuận với Bộ Quốc phòng Việt Nam này trị giá khoảng 550 triệu đô la.
Theo trang tin Israeldefense, bà Nhàn là trung gian kết nối công IAI với phía Việt Nam. Ngoài IAI, hai hãng của Pháp khác cũng cạnh trang cung cấp thiết bị này cho Việt Nam là Airbus và Thales.
Bà Nhàn đã kết nối IAI với Việt Nam qua đại diện của mình ở Israel là Haya Meshel vào khoảng năm 2018 và 2019, và hãng IAI đã có thư đề nghị chính thức cho Hà Nội. Theo Israeldefense thì thiết bị của IAI không bằng thiết bị của Thales về mặt công nghệ nhưng được chính phủ Israel hậu thuẫn.
Theo Intelligentonline của Pháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quyết định chọn thiết bị của IAI. Thủ tướng Phạm Minh Chính, người chịu trách nhiệm chính về dự án này đã thảo luận qua điện thoại với người đồng cấp Israel Naftali Bennett sau đó.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn từng bị Intelligentonline đưa tin hồi năm 2020 có liên quan đến việc buôn bán vũ khí giữa Việt Nam và Israel có dính đến tham nhũng.
Theo nhà báo Yossi Melman, người viết bài phóng sự của Haaretz, Israel là nước đã cung cấp các vũ khí cho Việt Nam bao gồm máy bay không người lái, hệ thống phòng không, nâng cấp xe tăng và tên lửa. Một công ty của Israel còn lập một nhà máy ở Việt Nam để lắp ráp súng trường Tavor trị giá 100 triệu đô la.
Tác giả Yossi Melman trích một nguồn tin ở Việt Nam cho rằng nguyên nhân thực sự đứng đằng sau vụ bắt giữ bà Nhàn là do các thoả thuận mua bán vũ khí. Lý do gốc của vụ bắt giữ là cuộc cạnh tranh trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Vụ bắt giữ xảy ra chỉ vài ngày trước khi Hội nghị Trung ương 5 của Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 4/5 đến 10/5 tới nơi 200 Uỷ viên trung ương sẽ thảo luận các vấn đề quan trọng của đất nước và Đảng Cộng sản, bao gồm cả vấn đề về tổ chức và chỉnh đốn Đảng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn: Nữ doanh nhân từng ‘có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam’
Bà Nhàn, quê ở Bắc Ninh, từng được nhận giải thưởng nữ doanh nhân tiêu biểu “Bông hồng vàng” cùng nhiều danh hiệu khác, theo Zing News. Hồi năm 2018, bà Nhàn cũng nhận được huân chương “Mặt trời mọc” do chính phủ Nhật trao tặng cho những đóng góp của bà giúp tăng cường quan hệ và tình hữu nghị giữa hai nước. Trước đó vào năm 2017, bà được Forbes bình chọn vào danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam, trong đó còn gồm có Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, người sau này đã bị kỷ luật cảnh cáo và miễn nhiệm trong vụ bê bối nhập khẩu thuốc giả, mua sắm trang thiết bị y tế gây thất thóa lớn cho Nhà nước.
Công ty AIC do bà Nhàn làm chủ tịch được thành lập từ năm 2005, khởi thủy là doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực xuất khẩu lao động. Theo Thanh Niên, trong quá trình sản xuất kinh doanh, đến nay công ty này đã mở rộng hệ sinh thái với hơn 10 công ty thành viên và trở thành một tập đoàn hoạt động đa ngành với doanh thu hàng ngàn tỷ đồng. Trong những năm gần đây AIC Group trở thành đơn vị trúng nhiều gói thầu cung cấp trang thiết bị trong lĩnh vực y tế, giáo dục…
Bà Nhàn được nhắc đến nhiều vào năm 2014 khi công ty AIC của bà đứng sau dự án gây tranh cãi của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM với đề án số hóa sách giáo khoa và yêu cầu mỗi học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 phải mua một máy tính bảng. Báo chí Pháp năm 2021 đưa rin rằng bà Nhàn có liên quan đến việc buôn bán vũ khí giữa Việt Nam và Israel. (T/H, RFA, VOA)