Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Một năm WHO tuyên bố đại dịch toàn cầu COVID-19: Chúng ta học được điều gì?

1 năm từ khi WHO chính thức công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, và đây cũng là thời gian người dân trên thế giới nhận ra cuộc sống đã có những thay đổi sâu sắc.

“Kỷ nguyên” làm việc từ nhà bắt đầu. Các kệ hàng trống, tàu xe trống, đường phố vắng lặng trong giờ cao điểm là những khung cảnh tưởng như mới diễn ra hôm qua. Những điều nhỏ bé và hiển nhiên như những cái ôm, tụ tập bạn bè vào ngày sinh nhật, ăn tối cùng nhau hay cà phê giữa buổi với đồng nghiệp… không còn được thực hiện quá vô tư như trước.

Nhiều mùa đấu thể thao chuyên nghiệp trôi lặng lẽ khi các giải đấu bị hủy hoặc hoãn. Người nổi tiếng cũng không tránh khỏi virus.

Tuy nhiên, 1 năm với 3 làn sóng lây nhiễm, ở một số nơi là 4, vẫn chưa đủ để con người hiểu tường tận về loại virus corona mới. Cùng với đó, chúng ta cũng chưa thể dự đoán 1 năm sau sẽ diễn ra như thế nào.

Một năm WHO tuyên bố đại dịch toàn cầu COVID-19: Chúng ta học được điều gì? - 1
Vũ Hán phong tỏa 11 tuần sau khi trở thành nơi đầu tiên phát hiện dịch bệnh. (Ảnh minh họa: AP)

“Kỳ nghỉ” kéo dài

Kênh NPR sử dụng mạng xã hội Twitter để hỏi mọi người về khoảnh khắc họ nhận ra mình đã “bước chân” vào đại dịch.

“Đó là khi tôi đến cửa hàng tạp hóa và nhìn vào các quầy hàng trống không. Thật không thể tin nổi. Tôi nói chuyện với một người phụ nữ ở quầy dịch vụ khách hàng và cô ấy nói hôm đó (14/3) là ngày bận rộn hơn bất cứ kỳ nghỉ nào cô từng làm việc”, tài khoản Carrie Tolerico chia sẻ.

“11/3, là ngày cuối cùng tôi làm ở văn phòng trước khi bắt đầu làm việc từ xa. Tôi có bầu 11 tuần. Hôm đó chúng tôi đã đi mua sắm và cửa hàng rất đông”, tài khoản Candace cho biết.

Một năm WHO tuyên bố đại dịch toàn cầu COVID-19: Chúng ta học được điều gì? - 2
Người dân Mỹ buộc phải đeo khẩu trang nơi công cộng. (Ảnh: Reuters)

Đối với một số người khác, họ nhận ra ranh giới giữa nhà và nơi làm việc đã bị xóa mờ. Một số người chia sẻ việc con cái về nhà từ trường mẫu giáo hoặc kỳ nghỉ trường đại học, dự định kéo dài 2 tuần, nhưng cuối cùng lại dài 2 tháng.

Tài khoản Pamela Neumann: “Đó là khi nhà trẻ nơi tôi gửi con trai thông báo họ sẽ đóng cửa luôn sau kì nghỉ xuân 2020. Nó mới 8 tháng tuổi. Lúc đó tôi nhận ra sự nghiệp giáo sư của mình sẽ không còn như cũ nữa”.

Các giáo viên cũng chia sẻ hình ảnh về những lớp học trống không. Một năm sau, chúng vẫn chưa trở lại bình thường. Nhiều lớp học trên thế giới vẫn học từ xa hoàn toàn hoặc một phần.

“Đó là khi tôi đọc bài tập làm từ xa đầu tiên của học sinh và nghĩ sẽ không bao giờ nhìn thấy chữ viết tay của chúng nữa. Hai tháng sau quay lại lớp học, tôi đã khóc khi nhìn thấy những bài tập viết tay chưa kịp trả lại”, E.Anderson nói.

Một năm WHO tuyên bố đại dịch toàn cầu COVID-19: Chúng ta học được điều gì? - 3
Lớp học trống không trong mùa dịch. (Ảnh: Twitter)

“Khi chúng tôi quay lại trường học khoảng 1 tháng sau gì đó để thu xếp đồ đạc, tôi khựng lại một lúc vì những công việc chưa hoàn thành, những chiếc giày nhỏ còn trên ghế, ngày 13/3 vẫn viết trên bảng”, Ms Bell cho biết.

Nhiều người nhận ra họ sẽ không còn thường xuyên được tham dự những sự kiện đông người như thể thao, âm nhạc hoặc du lịch. “Tôi đi trượt tuyết và thấy tin tức nói giải NBA sẽ bị hoãn. Không lâu sau khu trượt tuyết thông báo đóng cửa cuối tuần đó. Đó là ngày đẹp đẽ cuối cùng trước khi tôi nhận ra mình chuẩn bị bay về nhà đối mặt với những thứ vô định thế nào”.

Chúng ta học được điều gì?

Hầu hết nhận định ban đầu về COVID-19 đều đã bị đảo ngược. Từ khả năng lây truyền người sang người, mức độ nguy hiểm so với dịch SARS, việc làn sóng lây lan có thể giảm vào mùa hè hay mức độ cần thiết của các biện pháp phong tỏa chống lây lan.

Một năm WHO tuyên bố đại dịch toàn cầu COVID-19: Chúng ta học được điều gì? - 4
Phải mất một thời gian để biết được virus có lây từ người sang người hay không. (Ảnh minh họa)

Khi Vũ Hán, Trung Quốc, nơi đầu tiên trên thế giới báo cáo ca bệnh, phong tỏa 76 ngày và áp dụng các biện pháp hạn chết nghiêm ngặt, một số ý kiến từ phương Tây tỏ ra hoài nghi. Dù vậy, các biện pháp này đã tỏ ra có tác dụng với tình hình dịch bệnh tại Vũ Hán.

Sau đó, khi miền Bắc Italy hứng chịu làn sóng lây nhiễm mới, chính phủ nước này đã áp dụng “phỏng tỏa kiểu Vũ Hán”. Các lệnh hạn chế khiến cho khoảng 50,000 người tại hơn 10 thành phố phải tự cách ly. Nhiều quốc gia châu Âu cũng trải qua tình trạng tương tự. 

WHO từng cho rằng “quá sớm” để tuyên bố COVID-19 là đại dịch, khi số người chết dưới mức 50.

Tuy nhiên, họ đã phải triệu tập lại ủy ban khẩn cấp của mình vào ngày 30/1, sớm hơn hai ngày so với kế hoạch. Tổ chức cho biết họ lấy làm tiếc khi trước đây đã gọi nguy cơ của virus là “vừa phải”, thừa nhận cần đánh giá lại vấn đề.

Đến ngày 11/2, Tổng giám đốc WHO Tedros nói rằng virus corona chủng mới là “kẻ thù số một đối với toàn thế giới và toàn thể nhân loại”. Cùng ngày, người đứng đầu WHO đã công bố tên chính thức COVID-19 cho căn bệnh.

Một năm WHO tuyên bố đại dịch toàn cầu COVID-19: Chúng ta học được điều gì? - 5
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: Reuters)

Sáng 11/3 (giờ Mỹ), chỉ trong vòng 60 giây kể từ khi bắt đầu chuông mở phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm hơn 700 điểm.

Tiến sĩ bệnh truyền nhiễm của Mỹ Anthony Fauci đã tham gia phiên điều trần của Ủy ban Giám sát tại Hạ viện ngày 11/3. Trong buổi điều trần đó, ông Fauci đã đưa ra cảnh báo về dịch bệnh. “Chúng ta sẽ có nhiều ca mắc bệnh hơn và mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn thời điểm hiện tại. Tình trạng tồi tệ của dịch bệnh sẽ phụ thuộc vào khả năng ngăn chặn những người nhiễm bệnh từ bên ngoài Mỹ và khả năng ngăn chặn dịch bệnh trong nước”, ông Fauci nói.

Đến chiều 11/3 (giờ Mỹ), Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố COVID-19 là đại dịch.

“Trong những ngày và tuần tới, chúng tôi dự báo số ca mắc, số người chết và số người bị ảnh hưởng do COVID-19 tại các quốc gia sẽ cao hơn nữa. WHO đã đánh giá sự bùng phát dịch bệnh này và chúng tôi vô cùng lo ngại cả về mức độ lây lan và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Do đó, chúng tôi đánh giá rằng COVID-19 có thể được coi là một đại dịch”, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO nói tại một cuộc họp báo ở Geneva.

Câu hỏi thường trực trong suốt thời gian dịch bệnh hoành hành luôn là “bao giờ chúng ta trở lại bình thường”? Mỗi quốc gia và khu vực đều đã có cách trả lời riêng cho câu hỏi này, cân nhắc cả lợi ích kinh tế và an toàn sức khỏe cộng đồng.

Lerner, nhà sử học y khoa và nội khoa tại New York cho biết, “nếu có thể quay ngược thời gian và nói với bản thân mình một điều vào ngày 11/3/2020, tôi sẽ đặt ra câu hỏi về diễn tiến của dịch bệnh. Sẽ rất tốt nếu sớm biết rằng thứ mà chúng ta phải đối mặt không chỉ là virus, mà còn là sức đề kháng đối với sức khỏe cộng đồng”.

Tiến sĩ Arnold Monto, Quyền Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Vaccine của cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ FDA nói SARS-CoV-2 là một “virus kỳ dị” và không hoạt động giống như mọi người dự đoán, đó có thể là sự thật quan trọng nhất.

“Tất cả những ai cố gắng dự đoán điều gì xảy ra ngày mai liên quan đến virus đều đã sai. Và việc dừng cảnh giác, đột ngột mở cửa tất cả mọi thứ, không phải là điều nên làm mà bạn sẽ muốn làm điều đó từ từ, theo dõi các tác động diễn ra như thế nào”.

Vaccine COVID-19

Phải có giải pháp cho đại dịch. Ngoài các biện pháp phòng tránh, đến nay, thế giới đã cho ra nhiều loại vaccine chống lại đại dịch này. Cuộc đua ai nhanh nhất cũng vì thế khốc liệt. 

Chỉ vừa tròn một năm khi tình trạng khẩn cấp toàn cầu được ban bố, Nga cho ra vaccine Sputnik V, Mỹ có loạt vaccine đang chiếm ưu thế phân phối toàn cầu như Pfizer và Johnson & Johnson. Anh có AstraZeneca – hiện là vaccine đầu tiên được phân bổ đi toàn thế giới thông qua chương trình vaccine toàn cầu COVAX. 

Cũng đã có cuộc chiến ngoại giao để trở thành cường quốc vaccine, trong đó tiêu biểu nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Đất nước này không chỉ tạo ra Sinovac cho người dân mà còn đưa vaccine này ra toàn thế giới trong các chiến dịch ngoại giao tìm lại thiện cảm với toàn cầu khi ở các khía cạnh khác, Bắc Kinh phải đối mặt với sự thù địch. 

Israel tuyên bố là quốc gia đầu tiên tiêm chủng toàn dân nhanh nhất. Mỹ đang nỗ lực để đến giữa năm sẽ tiêm vaccine cho toàn bộ dân số 330 triệu người của mình. 

Các quốc gia nghèo hơn vẫn vật lộn với việc tìm nguồn cung vaccine, chờ đợi sự hỗ trợ từ các nước giàu hơn cũng như chương trình COVAX. 

Dự đoán, tới cuối năm 2021, vaccine sẽ đến đủ với các quốc gia dù giàu hay nghèo trên Trái đất và ngăn chặn được đại dịch khủng khiếp COVID-19. (VTC)