Một năm sau đại dịch nghiêm trọng ở Vũ Hán, Trung Quốc khuyến khích phim tuyên truyền ca ngợi các cơ quan chức năng
Khoảng một năm sau khi virus Trung Cộng lây lan khắp Trung Quốc, Bắc Kinh gần đây đã bắt đầu một chiến dịch tuyên truyền mới để miêu tả sự bùng phát ở Vũ Hán—nơi khởi phát dịch bệnh—như một câu chuyện chiến thắng nghịch cảnh.
Là sự hợp tác sản xuất giữa các công ty truyền thông nhà nước và tư nhân, bộ phim “Những ngày và đêm ở Vũ Hán” được sản xuất dưới sự chỉ đạo của cục điện ảnh tỉnh Chiết Giang, và sẽ được trình chiếu tại các rạp chiếu phim trên khắp Trung Quốc hôm 22/01.
Báo chí Trung Quốc cho biết bộ phim sẽ truyền tải “năng lượng tích cực” về đợt bùng phát, bao gồm các phân đoạn về các quan chức chính phủ đến thăm bệnh nhân, nhân viên y tế ở tuyến đầu của đợt bùng phát, và người dân bày tỏ lời cảm ơn tới các quan chức địa phương.
Đạo diễn của bộ phim, bà Tào Kim Linh (Cao Jinling), nói với đài truyền hình nhà nước CCTV trong một cuộc phỏng vấn hôm 12/01 rằng bà muốn cho thấy mọi người “cam chịu trước nghịch cảnh” như thế nào và tầm quan trọng của việc “không phàn nàn về bất cứ điều gì mà chỉ chấp nhận những gì đã xảy ra và cố gắng sống sót.”
Phim không kể về cách các nhà chức trách che đậy đợt bùng phát ban đầu—chỉ xác nhận sự tồn tại của đợt bùng phát vào thời điểm mà các bài đăng trực tuyến từ các bác sỹ ‘huýt còi’ đang lan truyền, cũng không khám phá liệu phản ứng của chính quyền Vũ Hán lúc ấy có đủ [tích cực] để khống chế sự bùng phát của đại dịch hay không.
The Epoch Times trước đó đã đưa tin rằng vào đầu năm 2020, các bệnh viện địa phương ở Vũ Hán đã quá tải khi họ từ chối bệnh nhân COVID-19 cần điều trị, nhân viên y tế thì hết thuốc men, và nhà tang lễ thì ngập tràn xác chết.
Mặc dù bộ phim tìm cách khắc họa những câu chuyện tích cực, nhưng một số cảnh quay vẫn cho thấy thực tế khắc nghiệt của cuộc sống giữa đại dịch.
Ví dụ, một bệnh nhân nam ở độ tuổi 70 sống sót sau COVID-19 chỉ có thể giao tiếp với cháu trai của mình thông qua tin nhắn âm thanh.
Một cảnh khác liên quan đến một phụ nữ trẻ có mẹ chết vì COVID-19. Người phụ nữ đã không thể đến thăm mẹ mình trong bệnh viện trong thời gian điều trị. Sau khi mẹ cô qua đời, khi người phụ nữ đến bệnh viện để nhận tro hỏa táng của mẹ cô, một y tá đã trả lại một chiếc vòng tay bằng ngọc bích, đó là một trong số ít kỷ vật gợi nhớ về người thân của cô.
Ông nội của người phụ nữ cũng bị nhiễm COVID-19. Khi cô hỏi y tá về tình trạng của ông mình, cô y tá đã vô cùng xúc động đến nỗi không thể thốt nên lời.
Bắc Kinh cũng đang thúc đẩy các nỗ lực tuyên truyền khác tới người dân, chẳng hạn như triển lãm nghệ thuật tại Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc về “cuộc chiến chống COVID-19,” được mở cửa cho công chúng vào ngày 01/08/2020.
Theo trang web của bảo tàng, triển lãm trên có khoảng 200 tác phẩm nghệ thuật, bao gồm tranh vẽ, tác phẩm điêu khắc và thư pháp, thể hiện “tinh thần chiến đấu chống dịch vĩ đại.” Nó cũng chứng tỏ rằng chính quyền trung ương, dẫn đầu bởi lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình, đã giúp người dân Trung Quốc đánh bại virus.
Tại Vũ Hán, Bảo tàng Cách mạng đã trưng bày một loạt tác phẩm điêu khắc làm từ lúa mì và bột gạo—một loại kỹ thuật truyền thống của Trung Quốc. Các tác phẩm điêu khắc mô tả cách các nhà chức trách đã “chiến đấu với dịch bệnh.”
Trong khi đó, các nhà chức trách vẫn tiếp tục kiểm duyệt thông tin về sự bùng phát của virus khi đại dịch đang bùng phát trở lại trên một số khu vực của quốc gia này.
Các từ khóa “Kỷ niệm Vũ Hán” bị cấm trực tuyến.
Gần đây, một số cư dân mạng Trung Quốc đã bị phạt và giam giữ sau khi đăng thông tin có liên quan đến đại dịch trên mạng xã hội một cách không trùng khớp với câu chuyện chính thức về việc ngăn chặn đại dịch thành công của giới chức. (T/H, ETV)