Một năm sau đại dịch Covid-19, thế giới thay đổi ra sao?
Bao giờ đại dịch Covid-19 chấm dứt? Bao giờ kinh tế thế giới phục hồi?
Các tổ chức nghiên cứu quốc tế đưa ra dự báo khác nhau xoay quanh đại dịch Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra.
Đa số đồng tình với nhận định “đại dịch Covid-19 sẽ làm thay đổi trật tự thế giới” (cựu Ngoại trưởng Mỹ H. Kissingger) và “thế giới mà chúng ta từng hiểu rõ và quen thuộc, nhiều khả năng sẽ trở thành ký ức lịch sử” (chuyên gia Ấn Độ). Vậy thế giới năm 2020 thay đổi thế nào?
Những “kỷ lục buồn”
Dẫu biết nội dung dự báo của nhà tiên tri mù nổi tiếng Baba Vanga về thảm họa thế giới năm 2020, nhưng nhân loại vẫn không khỏi bất ngờ và kinh hoàng về hậu quả nặng nề của dịch bệnh.
Dịch Covid-19 được phát hiện ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc, lan rộng ra các châu lục (Tổ chức Y tế thế giới – WHO chính thức công bố đại dịch từ tháng 12/2019). Đó không đơn thuần là một dịch bệnh mà là một cuộc khủng hoảng toàn diện.
Trong 1 thế kỷ qua, thế giới diễn ra nhiều đại dịch như cúm Tây Ban Nha (1918-1920), cúm châu Á (1957-1958), cúm Hong Kong (1968-1970), cúm Nga (1977-1978), SARS (2002-2005), cúm lợn (2009-2010), Ebola, MERS-CoV… Nhưng chưa có đại dịch nào diễn ra đồng thời trên phạm vi toàn cầu như lần này.
Đại dịch Covid-19 lan rộng gần như toàn thế giới, trên tất cả các châu lục (chỉ còn khoảng chục quốc gia, vùng lãnh thổ chưa có thông tin về người nhiễm dịch và tử vong), không phân biệt trình độ phát triển, diện tích, dân số.
Trong vòng 1 năm, thế giới trải qua 2 làn sóng lây nhiễm. Tưởng như đại dịch Covid-19 đạt đến đỉnh vào tháng 5/2020, nhưng cùng với việc nới lỏng hạn chế, tháng 11/2020 số ca lây nhiễm, tử vong tăng trở lại ở một số khu vực, đứng đầu là Mỹ Latinh, châu Âu, thế giới đứng trước nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ 3.
Năm 2020 xác lập nhiều “kỷ lục buồn”: tính đến sáng 2/12, toàn thế giới ghi nhân hơn 63,6 triệu người lây nhiễm, khoảng 1,5 triệu người tử vong; ngày cao nhất hơn 600.000 ca nhiễm, gần 10.000 ca tử vong, những con số kinh hoàng trong điều kiện thời bình.
Đáng chú ý, nhiều nước thuộc nhóm G7, G20, có nền y tế phát triển cao, lại là những nước đứng đầu về số ca nhiễm bệnh và tử vong, chiếm 3 vị trí cao nhất là Mỹ, Ấn Độ và Brazil.
Tính đến sáng 2/12, Mỹ có hơn 14 triệu người lây nhiễm (tăng hơn 138.000 người/ngày), hơn 274.300 người tử vong, (tăng hơn 1.200 người/ngày), trung bình 40 giây có 1 người chết; khoảng 90.000 người đang điều trị tại bệnh viện, tăng gấp đôi so với tháng 10; báo Mỹ đã giật tít “Nước Mỹ đang thất thủ trước Covid-19”!
Ấn Độ gần 9,5 triệu người lây nhiễm (tăng hơn 39.500 người/ngày), gần 138.000 người tử vong (tăng 369 người/ngày). Brazil hơn 6,3 triệu người nhiễm (tăng hơn 1.900 người/ngày), hơn 172.500 người tử vong (tăng 467 người/ngày).
Điều đó cho thấy đại dịch Covid-19 là mối đe dọa mang tính toàn cầu và “sự mong manh”, dễ bị tổn thương của thế giới nói chung, mỗi quốc gia nói riêng.
Đồng thời, tình trạng lúng túng, chậm trễ, chia rẽ, cục bộ, thiếu đồng bộ trong phòng, chống đại dịch trên toàn cầu chứng tỏ thế giới thiếu một “nhạc trưởng”, “thuyền trưởng” trong bảo vệ an ninh con người, an ninh sức khỏe.
Thống kê cho thấy đại dịch thường kéo dài khoảng 2 năm. Việc sản xuất vaccine Covid-19 và dự kiến đưa vào sử dụng rộng rãi quý đầu năm 2021 sẽ mang đến hy vọng có thể cơ bản ngăn chặn đại dịch vào cuối năm.
Nhưng không loại trừ việc mở cửa, gỡ bỏ các biện pháp hạn chế, giãn cách xã hội sẽ làm xuất hiện các ổ dịch mới ở những nơi xung yếu và tạo ra làn sóng lây nhiễm mới.
Khủng hoảng kinh tế, xã hội
Tổ chức Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá đại dịch Covi-19 là cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến II trở lại đây. Mức độ nghiêm trọng của đại dịch đã vượt xa khủng hoảng tài chính năm 2008, thậm chí vượt cả đại suy thoái những năm 1930.
Các tổ chức tài chính, kinh tế quốc tế như IMF, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo đại dịch Covid-19 làm GDP toàn cầu giảm 3-6% (tùy theo kết quả sản xuất, sử dụng vaccine và thời gian khống chế dịch); năm 2020 thế giới mất ít nhất hơn 5.000 tỷ USD. Ngoại trừ một số nước vẫn duy trì GDP dương, đa số các nước có mức tăng trưởng âm.
Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế hàng đầu thế giới đều suy giảm. Theo dự báo của IMF, năm 2020, GDP của Mỹ giảm với tốc độ kỷ lục 6,6%, Liên minh châu Âu (EU) giảm 7,5%, GDP Trung Quốc ở mức 1,2%, thấp hơn nhiều thập kỷ trước.
Chính phủ các nước phải đưa ra chính sách cứu trợ kinh tế, xã hội, các gói kích cầu kinh tế quy mô lớn. Các biện pháp đó là cần thiết, nhưng kéo theo nợ công tăng lên mức cao nhất kể từ sau Thế chiến II (tính đến tháng 7/2020, nợ công của các nước đang phát triển chiếm 128% tỷ trọng GDP, cao hơn mức 124% những năm sau Thế chiến II).
Theo đánh giá của Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva, điều đó sẽ gây ra rủi ro lớn đối với sự ổn định tài chính toàn cầu.
Khủng hoảng của các nền kinh tế hàng đầu, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và việc nhiều nước buộc phải tái thực hiện các biện pháp đóng cửa biên giới, kiểm dịch, giãn cách xã hội trước làn sóng dịch bệnh thứ hai, thứ ba, sẽ tác động lớn đến sản xuất, xuất khẩu, kinh tế toàn cầu.
Chuỗi cung ứng nguyên liệu, sản phẩm toàn cầu bị phá vỡ; nhiều ngành kinh tế mũi nhọn (du lịch, hàng không, khách sạn, dịch vụ giải trí…) đình trệ; hàng triệu công ty bị phá sản, trong đó tỷ lệ phá sản ở Pháp là 21%, Tây Ban Nha 22%, Hà Lan 36%, Anh, Italy 37%…, đe dọa khả năng phục hồi nền kinh tế thế giới.
Đại dịch Covid-19 có thể đẩy một nửa dân số toàn cầu rơi vào tình trạng đói nghèo, đời sống khó khăn; tỷ lệ người thất nghiệp lên đến 2 chữ số ở nhiều nước.
Tình hình đó sẽ dẫn đến bất ổn xã hội, nhiều mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc bị chậm lại, là một trong những rủi ro lớn nhất của thế giới.
Theo dự báo của các tổ chức tài chính, kinh tế và nghiên cứu quốc tế, thời điểm phục hồi nền kinh tế toàn cầu có thể khác nhau, tùy thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của các nước và việc mở cửa trở lại trên phạm vi rộng cũng như các chính sách kinh tế mới. Theo khuynh hướng lạc quan, suy thoái kinh tế có thể chạm đáy trong năm 2021 và phục hồi vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Nhưng cũng có dự báo bi quan hơn, IMF cho rằng thế giới sẽ đối mặt với nhiều tháng, thậm chí nhiều năm rất khó khăn.
Phủ bóng lên quan hệ quốc tế và chính trị nhiều nước
Xảy ra cuộc chiến trong lĩnh vực truyền thông và khoa học về nguồn gốc virus corona chủng mới (SARS-CoV-2). Thuyết âm mưu đưa ra các kết luận khác nhau theo hướng “chính trị hóa”. Mỹ và một số nước phương Tây quả quyết virus khởi nguồn từ Vũ Hán, nên gọi là “virus Vũ Hán” và cho rằng Trung Quốc che giấu thông tin dịch bệnh để lây lan ra các nước khác.
Trung Quốc tập trung nghiên cứu nhằm khẳng định Vũ Hán không phải là nơi khởi phát đại dịch Covid-19 đầu tiên. Một số nhà khoa học Trung Quốc cho rằng virus SARS-CoV-2 xuất hiện từ trước đó ở nhiều nước trên 4 châu lục và khả năng lây từ người sang người đầu tiên ở Ấn Độ (hoặc Bangladesh, Italy)!
Truyền thông Trung Quốc đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin quốc tế về kết quả nghiên cứu của họ. Nhân dân Nhật báo ngày 25/11 đăng bài viết virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại ở châu Âu, vào Trung Quốc qua bao bì, thực phẩm đông lạnh nhập khẩu! Nhưng nhiều nhà khoa học quốc tế không công nhận các giả thiết đó.
Mặc dù WHO đưa các chuyên gia quốc tế đến Trung Quốc để nghiên cứu, điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2, nhưng một số nước không tin tưởng vào sự khách quan của WHO. Điều đó không chỉ gây tranh cãi mà còn làm phân tán nguồn lực đối phó đại dịch Covi-19 trên toàn cầu.
Khó khăn về kinh tế, đời sống, thiếu dụng cụ y tế, số người lây nhiễm, tử vong tăng cao thúc đẩy gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, hạn chế xuất nhập khẩu… càng gây chia rẽ quan hệ giữa nhiều nước. Một trong những nguyên nhân gây căng thẳng quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Australia là Canberra ủng hộ tuyên bố của Tổng thống Mỹ kêu gọi điều tra quốc tế về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 và trách nhiệm của các bên liên quan. EU chia rẽ vì gói cứu trợ, việc mở cửa biên giới và kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Việc phòng chống đại dịch trở thành một trong những tiêu chí đánh giá năng lực cầm quyền của chính phủ ở nhiều nước. Thất nghiệp, khó khăn, bệnh tật và các hậu quả khác của đại dịch Covid-19 cùng với mâu thuẫn giữa việc đề cao tự do cá nhân với biện pháp khẩn cấp, phong tỏa, giãn cách xã hội, dẫn đến biểu tình phản đối với quy mô nhiều ngàn người ở Anh, Tây Ban Nha, Đức…
Đại dịch Covid-19 cũng là một con bài chiến lược trong tranh cử Tổng thống Mỹ lần thứ 46. Suy thoái kinh tế, số người lây nhiễm, tử vong tăng cao ở Mỹ làm nhiều người phải bầu cử qua bưu điện… là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thất bại của Tổng thống Donald Trump.
Xung đột vũ trang vẫn tiếp diễn
Đại dịch Covid-19 không ngăn được xung đột vũ trang ở nhiều khu vực. Căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ với Trung Quốc vẫn tiềm ẩn. Thỏa thuận đình chiến giữa Armenia và Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh vừa ký kết nhưng chưa thể khẳng định sẽ được thực thi đầy đủ, lâu dài và cần nhiều nỗ lực, thời gian để khắc phục hậu quả nặng nề. Chiến sự vẫn tiếp diễn ở Syria và một số nơi khác. Nguy cơ xung đột vũ trang giữa Mỹ, Israel với Iran đang treo lơ lửng…
Kinh tế suy thoái, nhưng nhiều nước vẫn phải duy trì ngân sách quốc phòng ở mức cao, nhập khẩu vũ khí, trang bị quân sự. Xung đột vũ trang, chiến sự càng làm cho hậu quả đại dịch Covid-19 thêm nặng nề, đe dọa hòa bình, an ninh quốc tế, ảnh hưởng lớn đến phục hồi kinh tế toàn cầu.
Đại dịch, bất ổn xã hội, suy thoái kinh tế, khả năng ứng phó dịch bệnh, khủng hoảng xã hội ảnh hưởng đến vai trò, vị thế quốc tế của nhiều nước, nhất là các nước lớn. Cùng với đó, chính sách ngoại giao y tế và chiến lược tranh thủ khó khăn để gia tăng ảnh hưởng, lợi ích của một số nước có thể dẫn đến những thay đổi trong cục diện chính trị quốc tế.
Trước những biến động, bất ổn của thế giới 1 năm qua, cựu Ngoại trưởng Mỹ H. Kissingger cho rằng: Đại dịch Covi-19 sẽ làm thay đổi trật tự thế giới, còn chuyên gia Ấn Độ nhận định: Thế giới mà chúng ta từng hiểu rõ và quen thuộc, nhiều khả năng sẽ trở thành ký ức lịch sử. Trong bức tranh màu xám của thế giới cũng nổi lên những gam màu sáng đầy hy vọng.
Những gam màu sáng
Đại dịch Covid-19 và hậu quả của nó tác động nhiều mặt đến thế giới, là một thách thức toàn cầu. Nhưng khó khăn cực lớn lại kích thích khả năng tiềm tàng trong mỗi quốc gia. Đặc biệt, các nước Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Đức… đã nghiên cứu, sản xuất các loại vaccine, trong đó có những đột phá về khoa học, mở ra cách thức mới, không chỉ ngăn chặn đại dịch Covid-19 mà còn phòng chống các loại virus mới.
WHO phối hợp với một số nước trợ giá vaccine cho các nước gặp nhiều khó khăn. Các nước cũng nhận thức sâu sắc việc khôi phục chuỗi cung ứng toàn cầu và sự phối hợp chặt chẽ trên toàn cầu để đối phó với đại dịch.
Việt Nam đã tiến hành đồng bộ các biện pháp, nhanh chóng phát hiện, cách ly người mang nguồn virus, phong tỏa ổ dịch, gián cách xã hội, điều trị tích cực người nhiễm bệnh. Việt Nam chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, giảm thiểu tối đa hậu quả, chăm lo đời sống cho người dân trong đại dịch, nhất là các nhóm người dễ bị tổn thất, tổ chức đưa công dân từ các quốc gia có dịch về nước, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Việt Nam sát ổ dịch lớn nhưng vẫn nằm trong nhóm nước có tỷ lệ người lây nhiễm, người tử vong thấp và số người khỏi bệnh cao nhất (đến sáng 2/12, có 1.351 người lây nhiễm, trong đó nhiều người từ nước ngoài về, 34 người tử vong, 1.195 người phục hồi).
Việt Nam là một trong số ít nước duy trì mức tăng trưởng GDP dương, bước đầu thực hiện thành công mục tiêu kép, ngăn chặn không để dịch bùng phát trở lại, giữ ổn định xã hội, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế.
Chúng ta không chỉ nỗ lực ứng phó với đại dịch trong nước mà còn hỗ trợ khẩu trang, dụng cụ y tế cho một số nước, chăm sóc y tế, chữa trị cho nhiều người nước ngoài lây nhiễm sống, làm việc ở Việt Nam.
Trong năm đại dịch Việt Nam vẫn phát huy tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020. Đặc biệt là tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan khác, lập kỉ lục thông qua hơn 80 văn kiện, tài liệu, kế hoạch tổng thể phục hồi kinh tế khu vực, tiếp tục thực hiện tầm nhìn ASEAN đến năm 2025 và sau năm 2025, đề xuất, triển khai nhiều sáng kiến thiết thực đối phó với đại dịch Covid-19…
Ngày 23/11, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 thông qua Nghị quyết về hợp tác ASEAN – Liên hợp quốc do Việt Nam thay mặt ASEAN chủ trì soạn thảo và thương lượng, với 110 nước đồng bảo trợ, đạt kỷ lục kể từ khi nghị quyết đưa ra lần đầu tiên năm 2002.
Kết quả phòng chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế, lãnh đạo nhiều nước ghi nhận, đánh giá cao. Ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu: WHO tôn vinh hành động nhanh chóng, quyết đoán của Chính phủ Việt Nam nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
Đại diện IMF tại châu Á – Thái Bình Dương đánh giá: Việt Nam hành động quyết đoán, nhanh chóng, biện pháp tích cực, hiệu quả và toàn xã hội chung sức. Thành công của Việt Nam là bài học hữu ích cho các nước đang phát triển.
Thành công phòng chống đại dịch Covid-19 của một số nước, trong đó có Việt Nam có ý nghĩa lớn, để lại nhiều bài học giá trị:
Nước đang phát triển, nước nhỏ vẫn có thể đóng góp quan trọng cho thế giới. Điều đó khích lệ, cổ vũ các nước khác phát huy vai trò trong cộng đồng quốc tế.
Sự hưởng ứng của nhân dân, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, gián cách xã hội… là những bài học bổ ích để đối phó với dịch bệnh, thảm họa, thiên tai trong tương lai.
Thiên tai, thảm họa, dịch bệnh có xu hướng gia tăng, ngày càng phức tạp là thách thức an ninh mang tính toàn cầu. Không một nước nào, dù là cường quốc có thể “một mình một chợ”. Muốn phòng chống hiệu quả, phải thúc đẩy đa phương hóa, “gắn kết và chủ động thích ứng”. Thế giới cần một “nhạc trưởng”, “thuyền trưởng” và đó là vai trò của các tổ chức quốc tế, khu vực.
Khó khăn lớn, thử thách nặng nề, càng kích thích nỗ lực sinh tồn, càng chứng tỏ khả năng tiềm tàng trong mỗi quốc gia. Nói “trong cái rủi cũng có cái may” là như vậy. (TGVN)