MC Nguyễn Ngọc Ngạn: ‘Vì sao tôi không muốn về lại Việt Nam?’
Theo như một chia sẻ về những dự định trong tương lai của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, sau khi nghỉ hẳn việc làm người dẫn chương trình tại Trung tâm băng nhạc Thúy Nga Paris By Night, kể cả việc có về lại Việt Nam nữa hay không, trong phần một cuộc phỏng vấn với nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn từ nhà riêng tại Toronto, Canada sau.
Thế nhưng, trước hết, ông dành vài lời bình luận về biến cố trong thời gian gần đây khi một số cựu đồng nghiệp của ông là các nghệ sỹ, ca nhạc sỹ từng cộng tác với Paris By Night đã qua đời, trong đó có những tên tuổi như Lam Phương, Lệ Thu, Quốc Anh, Chí Tài hay Phi Nhung.
Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Đây là một sự đau buồn, một sự mất mát quá lớn. Dĩ nhiên là có những người trong thời gian vừa rồi mất vì Covid-19, Chí Tài thì không mất vì Covid, Phi Nhung, chị Lệ Thu, rồi ca sỹ Quốc Anh là mấy người đó đều mất, và nhất là nhạc sỹ Lam Phương – là người rất thân thiết với tôi.
Mấy người đó đều mất vì Covid, đó là một cái tang chung, nhưng mà chuyện đó giống như một cái thiên tai xảy đến mà toàn cầu phải chịu thôi.
Nó làm ngưng đọng và nó làm tất cả mọi sinh hoạt đều bị ngưng trệ, hoặc là nó chuyển hướng đi, ngay bây giờ, tôi nghĩ nếu Covid biến mất hẳn, thì thế giới này cũng thay đổi, chứ nó không phải là trở lại như trước Covid nữa, nhưng mà chuyện đó thì mình chịu, vì nó vượt ngoài tâm tay của mình.
Nghệ sỹ, khán giả gặp nhau là điều bình thường
BBC: Nhận xét của ông ra sao về việc ngày càng có nhiều nghệ sỹ, ca, nhạc sỹ Việt Nam ở hải ngoại, trong đó có các nghệ sỹ từng cộng tác với Paris By Night, về Việt Nam sinh sống, hoạt động văn nghệ?
Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Tôi thấy điều đó tốt chứ, điều đó chẳng có trở ngại gì, tại vì đối với một người nghệ sỹ mà họ không nghĩ gì về mặt chính trị, mà một người nghệ sỹ thuần túy, thì nơi nào có khán giả, nơi đó họ muốn gặp.
Khán giả muốn gặp họ và họ muốn gặp khán giả thì tôi nghĩ điều đó cũng là điều tốt. Thứ hai là người ta xa quê hương thì lúc nào người ta cũng nhớ quê hương.
Tôi nghĩ vấn đề yêu quê hương là cái bản năng thôi. Có thể có một lúc nào đó người ta bất đồng với chính quyền, nhưng người ta không bất đồng với đất nước bao giờ.
Tôi quan niệm rất rõ ràng là một người có thể không thích chế độ, nhưng đối với quê hương, đất nước thì không bao giờ người ta có thể chán hay là người ta có thể chối bỏ được.
Cho nên tôi nghĩ các nghệ sỹ mà về trong nước để sinh hoạt và gặp khán giả trong nước là một điều tốt, cũng giống như là rất nhiều nghệ sỹ ở trong nước vẫn ra trình diễn cho đồng bào hải ngoại, chuyện đó tôi cho rất là bình thường.
BBC: Ông thấy chính quyền Việt Nam hiện nay đã nhìn nhận thế nào đối với văn nghệ và sinh hoạt văn nghệ của văn nghệ sỹ, ca nhạc sỹ Việt Nam ở hải ngoại, trong đó có các Trung tâm như Thúy Nga Paris hay Asia? Chính quyền Việt Nam đã có thay đổi về nhìn nhận hay chưa so với trước kia?
Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Tôi thấy thay đổi nhiều chứ, thay đổi nhiều là như thế này. Trong nước thay đổi trước hải ngoại. Trong nước thay đổi như thế này. Khi mà trong nước hô hào đổi mới, tức là chuyển sang cơ chế thị trường, ai cũng biết cơ chế thị trường là đặc trưng của chủ nghĩa Tư bản.
Khi đổi sang cơ chế thị trường có nghĩa là nới rộng tất cả mọi thứ và từ cơ chế thị trường đó Việt Nam mới bước chân được vào thị trường chung của thế giới, mới trở thành những đối tác kinh tế của các cường quốc trên thế giới.
Và chính sự đổi mới đó, tức là về kinh tế thị trường, khiến cho mọi người ở ngoài nước về Việt Nam hàng năm cả vài trăm ngàn người và trong nước ra hải ngoại hàng năm cũng cả triệu người. Sự đi lại đó làm cho hai bên gặp gỡ nhau nhiều và thông cảm nhiều, làm cho sự biến đổi nhiều.
Chẳng hạn là mấy chục năm trước mình thấy là tất cả nhạc miền Nam gọi là nhạc Vàng đều bị cấm. Nhưng bây giờ phong trào nhạc Vàng, nhạc Bolero của miền Nam sống dậy ở trong nước còn mạnh hơn ở hải ngoại.
Thì tôi thấy đó là một sự thay đổi rất lớn lao về cảm quan nghệ thuật, cũng như là cuộc sống của trong nước.
Nghỉ hưu lần này là nghỉ hẳn?
BBC: Dự định, kế hoạch của ông thế nào, sau khi nghỉ dẫn chương trình cho Thúy Nga Paris By Night, ông có ưu tiên gì không?
Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Tôi vẫn dự định là tiếp tục viết truyện thôi. Nhưng nó có điều đáng nói là tôi còn tới 10 cuốn truyện đã dàn trang, sắp xếp layout, đã đánh máy hết rồi, nhưng tôi không in, không xuất bản nữa, là bởi vì nhà sách Việt Nam ở hải ngoại bây giờ đóng cửa nhiều quá.
Bây giờ người ta đọc ở trên Internet không à, thành thử ra sách không in, nhưng mà tôi vẫn có thể viết truyện rồi tôi thâu vào audiobook, tôi bỏ lên YouTube cho khán giả nghe.
Chương trình của tôi thì chắc là tôi muốn nghỉ hưu luôn thôi, ở trong nước, tức là bên Việt Nam, có nhiều người mời tôi về. Ngoài vấn đề văn nghệ, họ muốn đem những truyện của tôi để làm phim.
Và cách đây cả 10 năm rồi cũng có những hãng phim lớn ở trong nước có liên lạc với tôi vì họ muốn mua những truyện của tôi để làm phim, hoặc là muốn mua những kịch bản kịch của tôi.
Anh cũng biết là tôi làm việc Thúy Nga Paris thì có ba nhiệm vụ, ba công tác. Thứ nhất là làm MC, thứ hai là viết và đọc truyện, và thứ ba là viết kịch cho Trung tâm Thúy Nga.
Ba công việc đó nặng nề ngang nhau, thế thì có một số hãng phim ở trong nước muốn mời tôi về để họ mua những truyện của tôi để họ làm phim.
Và cũng có một số nhà xuất bản trong nước cũng muốn mua lại những tác phẩm của tôi để họ in lại ở trong nước.
Thế nhưng tại vì tôi không có định về nước, thành ra tôi cứ phải từ chối, tại vì tôi sợ rằng nếu không có mặt mình, thì họ làm không đúng ý của mình.
Và bây giờ, khi mà nghe tin tôi nghĩ, cũng đã có người muốn mời tôi về nước để làm phim, nói rằng ‘Chú không trình diễn sân khấu nữa, thì chú về làm phim với tụi cháu cho vui. Kịch bản của chú quá nhiều!’
Tổng số truyện ngắn lẫn truyện dài tôi viết trong mấy chục năm qua lên tới cả trăm truyện, thì bây giờ trong 100 truyện đó, nhiều truyện họ muốn đem thực hiện thành phim, nhưng mà tôi cũng không có ý định đó.
Tôi có ý định là kỳ nảy nghỉ hưu là nghỉ hưu thật. Lúc nào rảnh rang thì ngồi viết truyện, rồi bỏ lên YouTube cho khán giả nghe, ý của tôi chỉ có thế thôi.
BBC: Về việc chưa muốn về Việt Nam như nói ở trên, ông có lý do gì khác không? Liệu ông có nghĩ rằng mình bị ngăn trở gì không nếu trở về?
Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Thưa không, tại vì khi các bầu show trong nước, tức là những nhà tổ chức tại Việt Nam, mà họ gửi lời mời tới tôi, tức là họ đã có thăm dò, đã có ý kiến của chính quyền rồi.
Và thứ hai nữa là chính quyền cũng đã liên lạc với tôi nhiều lần qua các Đại sứ quán, cũng như Tổng lãnh sự ở Mỹ và Canada, tức là không phải chỉ là bầu show không mà bên phía chính quyền Việt Nam cũng có ý mời tôi về.
Còn về bầu show, áp lực nhiều nhất mà mời tôi về là lúc cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên về Việt Nam, họ mong tôi về chung với cô Kỳ Duyên.
Tôi không có ý định về, khi mà tôi sang trình diễn tại Campuchia, khi đó bầu show từ Hà Nội, họ bay thẳng cả sang Campuchia điều đình, họ mời tôi về, nhưng mà tôi lại không có ý định về Việt Nam.
Và cho đến giờ này tôi vẫn không có ý định về Việt Nam, thành thử ra tất cả những dự án mà trong Việt Nam có hảo ý muốn mời tôi, thì tôi đều phải từ chối.
Từ sau khi rời Việt Nam, tôi chưa bao giờ trở lại Việt Nam, tôi đi vào tháng 12/1978, đến này tức là khoảng 43 năm tôi chưa có quay lại bao giờ, chưa có lần nào trở lại Việt Nam.
Lý do chính không muốn về thăm quê hương
BBC: Còn có lý do nào khác nữa khiến ông không muốn trở lại quê hương của mình?
Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Lúc đầu, khi tôi chưa hoạt động văn nghệ, lúc đó ngăn sông, cách núi, hai bên không có về được.
Nhưng mà sau này, khi mà Nhà nước Việt Nam sau khi đổi sang cơ chế thị trường, thì mở rộng, khi đó thì tôi lại hoạt động văn nghệ và ai cũng biết.
Thành thử ra vì ai cũng biết mà tôi lại ngại về. Tại tôi về Sài Gòn hay về Hà Nội, tôi thì thực sự tôi nhớ quê ở ngoài Bắc nhiều hơn, tại ở Sài Gòn tôi đã sống 21 năm, tôi chỉ nhớ Sơn Tây là quê của tôi thôi, mà tôi ra đi lúc 9 tuổi, thành ra tôi chỉ muốn trở lại Sơn Tây là cái chính của tôi.
Để tôi nhìn lại quê của mình thôi, chứ còn Sài Gòn thì tôi cũng không cần, bởi vì tôi đã sống ở đó 21 năm rồi.
Thế nhưng bây giờ tôi về thì tôi ngại lắm, bởi vì tôi về thì tôi muốn đi ngoài phố, tôi muốn đi rong chơi, ăn quà giống như thời mà trước khi tôi qua hải ngoại.
Nhưng bây giờ đối với tên tuổi của mình mà mình về, mình đi, thì nó cũng không thoải mái, trẻ con bu đầy thì cũng không làm gì được, thành ra tôi ngại về và lý do đó là lý do chính.
BBC: Mặc dù ông nói là sẽ nghỉ hưu hẳn, nhưng nếu có lúc nào Trung tâm Thúy Nga Paris By Night cần và muốn mời ông trong một vai trò nào đó, chẳng hạn cố vấn, ông sẽ trả lời thế nào?
Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Trong tình cảm, thì dĩ nhiên cô Tô Ngọc Thủy hay là Huỳnh Thi khi nào hỏi, thì bất cứ cái gì tôi giúp được, tôi sẽ giúp.
Nhưng mà nó không phải là một cái chính thức, chẳng hạn như công bố là ‘cố vấn’ hay là gì thì không.
Thí dụ như là cháu Thủy cần hỏi tôi cái gì, thì cứ việc gọi phone hỏi hoặc là nói chuyện với nhau, thì cái đó bình thường.
Nhưng mà gọi là nhận một nhiệm vụ chính thức thì chắc là không, vì tôi muốn nghỉ hưu.
Khán giả làm gì để liên lạc, biết tin?
BBC: Khán, thính giả, người hâm mộ có cách nào để liên lạc, tìm hiểu, hỏi thăm tin tức về ông sau này?
Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Sự thực ra tôi cũng không có kênh YouTube riêng, có một kênh YouTube gọi là Nguyễn Ngọc Ngạn, nhưng nằm trong hệ thống của Thúy Nga Paris.
Mục đích là để tôi đọc truyện, tôi bỏ lên đó và thứ hai là lâu lâu trước đây dự trù vài tháng một lần đưa lên, nhưng vì Covid-19 nên gần hai năm nay không có gặp khán giả.
Lâu lâu, tôi có lên YouTube là để trả lời những câu hỏi mà khán giả gửi về quá nhiều, lâu lâu tôi có lên đó nói chuyện, nhưng cái đó nằm trong hệ thống Thúy Nga Paris, chứ tôi không có thiết lập ở nhà.
Thành thử tôi muốn gặp khán giả thì không gặp được, nhưng có điều rằng là khi tôi nghỉ hưu, khán giả cần họ vẫn có thể hỏi qua Trung tâm Thúy Nga Paris, và trung tâm vẫn chuyển cho tôi như thường.
Nhân đây, tôi chỉ xin mượn Đài BBC, qua kênh BBC News Tiếng Việt, để cám ơn tất cả những người đã ủng hộ tôi.
Dĩ nhiên là trong suốt 30 năm nói chuyện trên Paris By Night cũng như là live-shows, mà đây là nói chuyện Paris By Night là chính, tôi làm cái nghề đứng nói chuyện mà không có kịch bản.
Tôi cũng xin mở ngoặc một đạo diễn rất nổi tiếng của Mỹ lần đầu tiên làm việc cho Paris By Night mà ông thấy tôi đứng suốt 5 tiếng đồng hồ nói, mà không hề có kịch bản (script) ở trước mặt, không có thiết bị nhắc đọc (teleprompter) gì cả, mà cứ nói không, vì nói trên Paris By Night phức tạp ở chỗ phải nói cho đến lúc nào đạo diễn trên xe đạo diễn ra dấu là sân khấu đã xong rồi mới được ngưng.
Thì tôi cứ phải nói liên tục như vậy, khán giả không biết vì sao ông này ông cứ nói, thế nhưng sự thực ra ở trên sân khấu họ chưa có đèn bấm là sân khấu đã xong, thì tôi với cô Kỳ Duyên cứ phải nói, sau show đó, lần đầu tiên ông đạo diễn làm việc ở đó, ông chạy xuống bắt tay tôi và nói: ‘Tôi chưa từng thấy một người nào nói 5 tiếng đồng hồ mà không có teleprompter đặt trước mặt, mà ông vẫn nói và khán giả vẫn cười là làm sao.
Tôi bảo rằng ở Việt Nam, chúng tôi hơn mấy ông Mỹ ở chỗ đó, Mỹ nói câu gì cũng phải chạy teleprompter trước mặt.
Nói câu chuyện đó, ý tôi muốn quay trở lại nói rằng là khi nói chuyện như vậy, dĩ nhiên trong suốt 30 năm, thế nào nó cũng có những cái vấp váp, thế nào nó cũng có lỗi lầm, thì nếu quý vị thính giả của BBC có nằm trong số những người mà nghe tôi, mà cảm thấy có điều gì không phải, hay có điều gì bực bội, nhân dịp này, tôi xin lỗi tất cả những người đó.
Và tôi xin cám ơn tất cả sự ủng hộ của quý vị đã dành cho chúng tôi trong gần 30 năm qua, chỉ có thế thôi, tôi xin cám ơn! (BBC)