Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

LÝ DO NGƯỜI NAM Á CHẾT CAO HƠN VÌ COVID: Khám phá gene trong cơ thể liên hệ tới việc tăng đôi rủi ro tử vong


Các nhà khoa học từ trường Đại học Oxford đã phát hiện một loại gene làm gia tăng gấp đôi nguy cơ tổn thương phổi và tử vong vì Covid.

Họ nói rằng 60% người gốc Nam Á và 15% người gốc Châu Âu mang phiên bản gene nguy cơ cao.

Vắc-xin cũng giữ vai trò then chốt và giúp giảm đáng kể các nguy cơ này, các nhà nghiên cứu cho biết.

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Genetics đề cập đến lý do tại sao một số cộng đồng tại Anh Quốc và Nam Á lại có nguy cơ nhiễm Covid cao hơn -nhưng không giải thích đầy đủ điều này.

Dựa trên các nghiên cứu gene trước đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ phân tử mới để xác định chính xác loại gene -có tên LZTFL1 -đóng vai trò gây nên các rủi ro nhiễm bệnh cao hơn.

Họ cũng ước tính rằng phiên bản gene có nguy cơ cao này hiện diện ở khoảng 2% người gốc Châu Phi – Caribbe và 1.8% người gốc Nam Á.

Giáo sư James Davies, trưởng nhóm nghiên cứu nói rằng điều quan trọng là loại gene nguy cơ cao này không ảnh hưởng giống nhau tới toàn cộng đồng dân số.

Nhưng ông nói rằng một sự pha trộn phức tạp các nhân tố -đặc biệt gồm tuổi tác -đã góp phần tạo nên nguy cơ cho mỗi cá nhân.

Ông cũng cho biết thêm rằng “các nhân tố kinh tế – xã hội cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giải thích tại sao một số cộng đồng lại đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch.

“Mặc dù chúng ta không thể thay đổi gen, kết quả của chúng tôi cho thấy rằng những người mang loại gene nguy cơ cao này có thể đặc biệt hưởng lợi từ việc tiêm vắc-xin”.

‘Làm chệch hướng sự bảo vệ’

Các nhà nghiên cứu tin rằng phiên bản gene nguy cơ cao này khiến phổi của người bệnh dễ bị tổn thương hơn vì virus.

Họ cũng đưa ra giả thuyết rằng loại gene nguy cơ cao làm chệch hướng cơ chế bảo vệ chính theo đó các loại tế bào mô phổi thường dùng để tự chống lại Covid.

Khi các tế bào mô phổi tương tác với virus thì một trong những chiến lược bảo vệ của chúng sẽ là chuyển sang các loại tế bào ít chuyên biệt hơn và ít dễ bị virus xâm nhập.

Quá trình giảm tính chuyên biệt này giúp giảm số lượng trên bề mặt tế bào của một protein chính gọi là ACE-2, đóng vai trò then chốt trong việc giúp virus corona tự bám vào tế bào.

Khoảng 60% người gốc Nam Á mang phiên bản gene rủi ro cao này, các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford cho biết hôm 5/11 và nói thêm rằng khám phá này có thể phần nào lý giải cho số tử vong cao nơi một số cộng đồng thiểu số ở Anh và sự tàn phá thảm khốc của COVID ở Nam Á.

Nhưng đối với những người mang phiên bản gen LZTFL1 nguy cơ cao thì quy trình này không hoạt động tốt như vậy, và các tế bào phổi dễ bị virus xâm nhập.

Các nhà khoa học nói rằng việc gene liên quan ảnh hưởng đến phổi là một phát hiện quan trọng nhưng điều này không ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch.

Điều này có nghĩa là ở những người có nguy cơ cao thì hệ thống miễn dịch vẫn có thể được vắc-xin bảo vệ, các nhà nghiên cứu cho biết.

Các nhà hoa học hy vọng phát hiện này sẽ giúp đưa đến một loại thuốc mới được hiệu chỉnh để tập trung vào phổi trong khi các loại hiện tại hầu hết tập trung vào hệ thống miễn dịch. (T/H, BBC)