Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Lý do cặp đôi sống chung, ăn cùng nhưng không lây Covid-19 cho nhau


Nicole và Sarah ở chung nhà trong vài ngày kể từ khi tiếp xúc với nguồn bệnh nhưng chỉ một người dương tính.

Khi Nicola Straiton và Sarah Hall đi dự tiệc tối vào đêm Giáng sinh, những người tham gia đã chuẩn bị sẵn sàng để giảm thiểu nguy cơ bùng phát Covid-19. Nhóm 8 người dùng bữa ở sân sau trong vòng chưa đầy 4 giờ. Tất cả mọi người đều thường xuyên làm các xét nghiệm nhanh.

Bởi vậy, họ có chút sốc khi 3 ngày sau, vị khách ngồi cạnh Nicola có kết quả dương tính.

Nicole và Sarah có kết quả âm tính trong các xét nghiệm nhanh vào hôm sau và tiếp tục sống cùng tại ngôi nhà ở Sydney (Úc).

3 Ngày sau, Nicola có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Nhưng, Sarah, người đã ở bên cạnh Nicola cả tuần, vẫn âm tính.

Nicole không lây bệnh cho người sống chung.

Họ ngay lập tức cách ly ở các tầng khác nhau, sử dụng phòng tắm riêng.

Tại Úc, có các thông tin rõ ràng cho mọi người biết cách hành động trong mọi trường hợp: F1 là người đã ở cùng không gian hơn 4 giờ với F0, người dương tính cần cách ly trong 7 ngày, các kháng thể sẽ bắt đầu suy yếu sau 3 tháng kể từ khi nhiễm bệnh.

Nhưng virus không phải lúc nào cũng tuân theo cùng một kịch bản, ngay cả với Omicron, chủng dễ lây truyền nhất hiện nay. Đó là lý do một số người siêu lây nhiễm, số khác thì không.

Trong khi các nhà khoa học hiểu được một số yếu tố tạo nên một ổ dịch gia đình – tải lượng virus, khả năng miễn dịch của cá nhân và các yếu tố môi trường – thì vẫn còn nhiều điều họ chưa biết về cách thức hoạt động của virus.

Xét trên hầu hết các phương diện, Sarah có nguy cơ cao bị nhiễm virus từ Nicole. Họ ngủ chung giường mỗi đêm, kể cả những ngày trước khi Nicola bộc lộ các triệu chứng, thời kỳ mà các nhà dịch tễ học cho biết khả năng lây nhiễm cao.

Để tìm ra lý do một số người bị bệnh trong khi những người khác thì không, chúng ta cần hiểu cách virus xâm nhập vào cơ thể. Covid-19 là một bệnh lây truyền qua không khí.

Theo Stuart Turville, Phó giáo sư tại Viện Kirby, một người phải hít thở đủ lượng virus để đạt được “ngưỡng virus có thể tồn tại”. Ở SARS-CoV-2, ngưỡng đó rất thấp do khả năng truyền nhiễm của virus cao.

Khoảng thời gian và vị trí phơi nhiễm là một yếu tố. Ví dụ, ngồi ngoài trời đồng nghĩa các phân tử virus trong không khí có nhiều khả năng bị loãng hơn, làm giảm khả năng hít đủ virus để bị nhiễm.

Bên trong phòng thí nghiệm của Phó giáo sư Stuart Turville.

Nhưng khả năng mắc bệnh cũng phụ thuộc vào tải lượng virus của người dương tính.

Tiến sĩ Turville nói: “Những cá nhân có mức độ SARS-CoV-2 cao được gọi là siêu lây nhiễm vì khả năng truyền bệnh của họ rất lớn so với những người có tải lượng virus thấp có thể chỉ bị khụt khịt”.

Điều này phù hợp với điều mà Giáo sư Michael Good, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Úc, gọi là quy tắc 20-80: “80% sự lây truyền do 20% những người bị nhiễm bệnh gây ra”.

Tiến sĩ Turville nói rằng có một số khả năng có thể xảy ra: Liên quan đến lượng virus mà một người tiếp xúc ban đầu lớn như thế nào hoặc phản ứng miễn dịch thiếu hụt khiến virus khởi phát sớm.

“Ngoài ra, mọi người đều có một chút khác biệt trong cấu tạo gen của họ”, Tiến sĩ Turville bổ sung. (T/H, VNN theo ABC)