Wednesday, September 18, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Lựa chọn khó khăn của Úc ở Biển Đông

Úc có thể buộc phải đưa ra những quyết định quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc có những động thái ngày càng hung hăng ở Biển Đông.

Trong bài viết trên trang mạng NCA ngày 2/6, Giáo sư Richard Heydarian (Đại học Bách khoa Philippines) và Tiến sĩ Malcolm Cook (Viện Lowy, Úc) cho rằng trong bối cảnh Trung Quốc có những động thái ngày càng hung hăng ở Biển Đông, Úc có thể buộc phải đưa ra những quyết định quan trọng.

Tàu chiến Australia tham gia tập trận ở Biển Đông năm 2020. (Nguồn: Hải quân Hoàng gia Australia)
Tàu chiến Úc tham gia tập trận ở Biển Đông năm 2020. (Nguồn: Hải quân Hoàng gia Úc)

Một phiên bản khác

Viết trên tờ The Diplomat, Giáo sư Heydarian nhận định rằng tình hình ở Biển Đông giống như tình hình ở châu Âu trước khi Thế chiến I nổ ra.

Vị chuyên gia về địa chính trị cảnh báo: “Theo nhiều cách, các tranh chấp ở Biển Đông ngày nay là phiên bản của các tranh chấp ở Balkan đầu thế kỷ XX, nơi mà ‘một điều ngu xuẩn chết tiệt nào đó’ có thể khơi mào cho một cuộc xung đột toàn cầu tàn khốc không có tiền lệ và ngoài sức tưởng tượng ngông cuồng nhất của chúng ta”.

Ngay ở trung tâm hàng hải của châu Á đang xuất hiện mọi yếu tố cấu thành “một trận đại hồng thủy toàn cầu” mà có khả năng phá vỡ hòa bình, ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.

Theo ông, “đây cũng là nơi tham vọng bá quyền của Trung Quốc được thể hiện đầy đủ, gây hậu quả nghiêm trọng cho các nước láng giềng nhỏ bé và cho trật tự quốc tế tự do rộng lớn hơn”.

Trung Quốc hiện nay quá lớn, đến mức khó ai có thể kiềm chế cường quốc này. Thế nhưng, Bắc Kinh cũng quá “phàm ăn”, đến mức thế giới không thể mãi “nhắm mắt làm ngơ”, không lên tiếng phản đối.

Giáo sư Heydaria nêu rõ: “Nếu có một bài học mà lịch sử dạy cho chúng ta, thì đó là cần tránh rơi vào thuyết định mệnh chiến lược – một thứ có nguy cơ biến Biển Đông thành ‘ao nhà’ của Trung Quốc – và sự ganh đua liều lĩnh giữa các siêu cường, điều có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột toàn cầu”.

Thế khó của Canberra

Trong bản báo cáo chính sách mới đây, nhà nghiên cứu Malcolm Cook nhận định: “Ngày càng có nhiều khả năng chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gây thêm áp lực buộc Úc tiến hành các hoạt động tự do hàng hải (FONOP)”.

Úc đứng trước hai sự lựa chọn: hoặc là gây tổn hại cho mối quan hệ của Canberra với Bắc Kinh hoặc từ chối yêu cầu của Mỹ.

Có một ý kiến gây chú ý đối với Quốc hội Úc, đó là theo chân các đối tác Mỹ, Úc gửi các tàu chiến của mình đến phạm vi 12 hải lý ngay trong tầm đạn pháo và tên lửa của các đảo nhân tạo kiên cố của Trung Quốc.

Phạm vi 12 hải lý có ý nghĩa rất quan trọng vì đây là khoảng cách mà luật biển quốc tế xác định là ranh giới lãnh thổ có chủ quyền của các đảo tự nhiên, tồn tại lâu dài.

Tiến sĩ Cook phân tích: “Đúng như dự đoán, Trung Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ các hoạt động này của Mỹ và coi các hoạt động này là một cái cớ để tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo”.

Và điều đó tạo ra một điểm kích hoạt khác cho “điều ngu xuẩn chết tiệt nào đó”.

Theo vị học giả người Canada này, “Úc không nên tiến hành các FONOP ở Biển Đông đi qua phạm vi 12 hải lý của các thực thể mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

So với các FONOP của Mỹ, bất kỳ FONOP nào của Úc ở Biển Đông đều có thể phải đối mặt với rủi ro lớn hơn và các phản ứng trừng phạt mạnh hơn từ phía Trung Quốc”.

Dù vậy, Úc vẫn nên “tham gia các cuộc tập trận hải quân song phương và quy mô nhỏ với các quốc gia Đông Nam Á ven biển có thiện chí. Các cuộc tập trận này có thể diễn ra trong các vùng đặc quyền kinh tế của các nước này ở Biển Đông”.

Ông Cook khẳng định: “Úc nên làm điều này thường xuyên và công khai hơn”.

Kết hợp can dự và răn đe

Trong khi đó, Giáo sư Heydarian nêu ý kiến: “Để ngăn chặn sự thống trị tiềm tàng của Trung Quốc đối với huyết mạch chính của thương mại toàn cầu, điều cần thiết là phải thực hiện phương thức đa phương nhằm kiểm soát Bắc Kinh thông qua sự kết hợp tối ưu giữa can dự và răn đe”.

Các cường quốc cùng chí hướng và các nước láng giềng bị bao vây của Trung Quốc cần triển khai tổng hợp các biện pháp đối phó ngoại giao, kinh tế và quân sự để duy trì một trật tự tự do và rộng mở trong khu vực năng động nhất trên thế giới này…

“Những gì đang bị đe dọa chính là tương lai của trật tự toàn cầu thế kỷ XXI”, Giáo sư Heydarian nhấn mạnh.

Viện Lowy, giống như Giáo sư Heydarian, đề xuất một lập trường không xung đột công khai nhưng cũng không nhượng bộ trong các quyền lãnh thổ của các quốc gia ở Biển Đông.

Trong khi đó, một báo cáo của Viện Lowy cảnh báo Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không đồng ý với bất kỳ đề xuất nào do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đưa ra nếu đề xuất đó phù hợp với phán quyết của tòa án quốc tế năm 2016.

Điều này sẽ gây bất ổn thêm cho một khu vực vốn đã có phản ứng “không cân bằng” trước sự bành trướng lãnh thổ hung hăng của Bắc Kinh, cũng như gây khó khăn cho việc đạt một thỏa thuận giữa các quốc gia Đông Nam Á về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Thực tế này cũng sẽ làm gia tăng áp lực đối với Canberra trong việc “chọn phe”.

Viện Lowy, giống như Giáo sư Heydarian, đề xuất một lập trường không xung đột công khai nhưng cũng không nhượng bộ trong các quyền lãnh thổ của các quốc gia ở Biển Đông.

Theo lập luận của chuyên gia Cook, “Cách tiếp cận hiếu chiến hơn của Trung Quốc đối với các tuyên bố chủ quyền trái pháp luật của nước này ở Biển Đông trực tiếp thách thức các lợi ích cốt lõi của Úc và thách thức trật tự dựa trên luật lệ toàn cầu”.

Ông đề xuất Úc cần tham gia các hoạt động ngoại giao và ủng hộ nhiều hơn nữa đối với các quốc gia trong khu vực, đồng thời không ngừng khẳng định giá trị và hiệu lực của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).

Báo cáo của Viện Lowy kết luận: “Những điều chỉnh chính sách này sẽ thúc đẩy lợi ích của Úc trong việc củng cố quyết tâm của các quốc gia Đông Nam Á ven biển trong các cuộc đàm phán COC với Trung Quốc, điều hòa áp lực phải tiến hành FONOP ở Biển Đông và giảm khả năng cũng như quy mô của các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc nhằm vào Úc”. (TGVN)