Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Lao động tình dục chuyển sang làm online vì dư âm dịch Covid-19

Thu nhập biến mất chỉ sau một đêm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, những lao động tình dục giờ đây đang hình thành mạng lưới dịch vụ trực tuyến để duy trì hoạt động.

Estelle Lucas đã công việc này được 10 năm tại Melbourne. Sự lan rộng của Covid-19 và nhu cầu cách ly xã hội đã thúc đẩy lệnh cấm hoạt động mại dâm, khiến những nỗ lực kết nối với khách hàng của cô trở nên vô nghĩa.

“Với công việc này, chỉ cần biến mất trong 6 tháng là khách hàng sẽ quên tôi. Tôi không thể chỉ giữ liên lạc bằng cách nói chuyện với họ qua điện thoại. Chúng tôi cần những tương tác thân mật và điều đó là không thể trong hoàn cảnh hiện nay”, cô nói.

Trước khi dịch bệnh bùng phát, Estelle đã sở hữu thu nhập trên mức trung bình. Cô làm việc với hy vọng sẽ nhanh chóng trả hết tiền thế chấp nhà ở vùng ngoại ô Melbourne.

Giờ thì gần như cô mất thu nhập hoàn toàn. Estelle đã cố gắng thích nghi với tình hình bằng cách bắt đầu hành nghề trên mạng nhưng Internet thì không thể truyền đi những tiếp xúc thân thể.

Cô chia sẻ: “Thật không may, có những thứ không thể được diễn tả bằng từ ngữ qua mạng. Tôi đã nỗ lực hết mình nhưng không phải khách hàng nào cũng thông thạo công nghệ. Một số người thậm chí còn không biết cách sử dụng điện thoại thông minh”.

Phố đèn đỏ, vốn là nơi đông đúc ở Bangkok hay Pattaya, giờ cũng trở nên im ắng bởi lệnh cách ly xã hội của Chính phủ Thái Lan.

Khó khăn trong việc nhận trợ cấp xã hội

Trong khi chính quyền khu vực đã vạch ra một lộ trình rõ ràng để mở lại các nhà hàng và quán cà phê, ngành công nghiệp tình dục lại không nằm trong số đó.

Những người hành nghề bán dâm đang lâm vào một hoàn cảnh bấp bênh với tương lai không thể dự đoán bởi sự phức tạp của virus corona.

“Tôi sợ rằng tất cả sẽ trở về con số 0 và mình sẽ phải bắt đầu hối hả như khi mới vào nghề,” Estelle nói. Cô cũng lo sợ cho sức khỏe của khách hàng và những rủi ro lây nhiễm nếu tiếp tục làm việc.

Chính phủ Australia có ban hành các gói hỗ trợ tài chính dành cho những người mất thu nhập vì khủng hoảng Covid-19. Nhưng để đủ điều kiện thanh toán, người lao động cần phải chứng minh rằng họ đã nộp thuế – việc mà những người bán dâm không hề đăng ký.

Ngoài ra, người nhập cư và người chuyển giới cũng là những đối tượng gặp khó khăn trong việc hoàn thiện thủ tục này.

Theo Teela Sanders, giáo sư tội phạm học tại Đại học Leicester, đó là vấn đề mà gái mại dâm ở hàng chục quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt.

“Chính phủ đã làm rất tốt trong việc cung cấp bảo trợ xã hội cho phần lớn người dân, đặc biệt là những người tự làm chủ doanh nghiệp, nhưng gái mại dâm là ngoại lệ”, cô nói.

Cộng đồng gái mại dâm hỗ trợ lẫn nhau

Những khó khăn này đã thúc đẩy cộng đồng gái mại dâm và các nhóm vận động xã hội kêu gọi công chúng quyên góp cho các quỹ hỗ trợ khẩn cấp.

Cho đến nay, một cuộc vận động trực tuyến đã thu được 19.300 USD. Trong khi đó, một chiến dịch của liên minh các nhóm hỗ trợ ở Italy đã thu được gần 24.300 USD tiền hỗ trợ.

Giáo sư Sanders cho biết: “Đây tương tự như việc cứu sống những người hành nghề mại dâm. Nhờ có nguồn tiền này mà họ có thể thanh toán hóa đơn ngay lập tức và mua thực phẩm”.

“Ở các nước đang phát triển, gái mại dâm thường là trụ cột chính cho cả gia đình: cho anh chị em, con cái hay ông bà của họ. Vì vậy, việc thất nghiệp sẽ ảnh hưởng đến cả đại gia đình”, giáo sư Sanders nói.

Niki Adams, thành viên của English Collective of Prostitutes (tạm dịch: Cộng đồng gái mại dâm ở Anh), cũng nhấn mạnh quan điểm đó. Cô nói rằng hầu hết cô gái bán hoa ở Anh đều đã có con và nếu họ vẫn tiếp tục làm việc, đó là vì áp lực kinh tế.

Điều kiện sống tồi tàn và nguy cơ mắc bệnh

Trong nhà thổ Daulatdia ở Bangladesh, cảnh sát canh ở lối vào, ngăn không cho khách hàng qua lại.

Đây là một trong những nhà thổ lớn nhất thế giới. Khu ổ chuột hợp thành từ những nhà kho bằng thiếc và những con hẻm chật hẹp là nơi sinh sống của 1.300 phụ nữ và 400 trẻ em.

Nhà thổ này bị đóng cửa từ tháng 3, khiến nhiều phụ nữ phải vật lộn để mua nhu yếu phẩm và sống dựa vào tiền quyên góp từ các tổ chức từ thiện.

“Chúng tôi không thể làm việc nên không có bất kỳ thu nhập nào, điều đó thật đáng sợ”, Nazma, gái mại dâm sống tại khu này, tuyệt vọng nói.

Chính phủ Bangladesh và các tổ chức viện trợ địa phương đã chuyển một số quỹ khẩn cấp cho gái mại dâm cư trú ở khu này. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ ở đây nói rằng số tiền đó không đủ để chia cho tất cả.

Theo giáo sư Sanders, việc khó tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe là vấn đề mà lao động tình dục trên toàn cầu đang phải đối mặt. Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở những khu vực có nhu cầu cao về thuốc kháng virus thường xuyên, chẳng hạn như người nhiễm HIV.

Giáo sư Sanders đang hợp tác với một nhóm ở Nairobi để phát triển một ứng dụng tương tự Uber – cho phép những người bán dâm đặt thuốc bằng điện thoại của họ và nhận giao hàng tận nơi. (BBC)