Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

‘Kraken’: Vì sao các chuyên gia lo ngại về ‘sự nguy hiểm’ của biến thể COVID-19 mới


Một biến thể phụ COVID-19 mới đã xuất hiện vào cuối năm 2022 đang gây ra những lo lắng đối với nhiều chuyên gia và nhà dịch tễ học.

Một biến thể COVID-19 mới đã xuất hiện vào cuối năm 2022. Ảnh: Euronews
Một biến thể COVID-19 mới đã xuất hiện vào cuối năm 2022. Hình Euronews

Trong khi hầu hết mọi người dường như đang “lãng quên” về COVID-19, thì virus này vẫn tiếp tục biến đổi và lây nhiễm trên thế giới.

Số ca tử vong và nhập viện liên quan đến COVID-19 đã giảm ở hầu hết các quốc gia trong những tháng gần đây so với đỉnh điểm của đại dịch vào năm 2020, mặc dù vẫn còn một dấu hỏi lớn về số ca nhiễm hiện tại ở Trung Quốc.

Nhưng một biến thể phụ Omicron mới, đã xuất hiện ở các quốc gia như Anh và Mỹ, hiện đang đặt ra câu hỏi liệu chúng ta có nên tiếp tục lo lắng về các chủng COVID-19 mới nhất hay không.

Biến thể phụ mới này có tên chính thức là “XBB.1.5” và là kết quả từ hai biến thể khác hợp nhất với nhau – cái được gọi là “biến thể phụ tái tổ hợp”.

Sheena Cruickshank, Giáo sư tại Viện Miễn dịch và Viêm nhiễm Lydia Becker tại Đại học Manchester, giải thích: “Hai chủng BA.2 Omicron khác nhau: XBB và XBB.1 đã gộp lại với nhau để tạo ra biến thể này”.

Biến thể phụ mới, đã được đổi tên thành “Kraken”, xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng tháng 11-12/2022 ở bang New York, Mỹ.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), chủng này hiện được coi là nguyên nhân gây ra sự gia tăng các ca lây nhiễm trên toàn quốc, nơi nó được ước tính là nguyên nhân của 41% các trường hợp mắc COVID-19 hiện tại.

Sau Mỹ, chủng mới đã được phát hiện trên khắp châu Âu, Úc và một số khu vực ở Đông Nam Á.

Ở Anh, nơi chủng này cũng đã được phát hiện, bà Cruickshank nói rằng chủng này “chỉ chiếm khoảng 4% các trường hợp nhiễm bệnh vào lúc này, nhưng chúng tôi đang thấy nó thực sự lây lan khá nhanh”.

Theo bà Cruickshank, còn quá sớm để nói liệu Kraken có nguy hiểm hơn các chủng khác hay không vì phần lớn người dân đã được tiêm phòng nên bất kỳ ca nhiễm mới nào cũng sẽ ít nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, Kraken dường như đã gây lo ngại cho các nhà dịch tễ học và chuyên gia. Tiến sĩ Maria Van Kerkhove của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong một cuộc họp báo rằng biến thể phụ mới là lý do khiến tổ chức này lo ngại.

“Chúng tôi lo ngại về lợi thế tăng trưởng của nó, đặc biệt là ở một số quốc gia ở châu Âu và Mỹ, đặc biệt là khu vực phía Đông Bắc của Mỹ, nơi XBB.1.5 đã nhanh chóng thay thế các biến thể đang lưu hành khác. Mối lo ngại của chúng tôi là mức độ lây nhiễm của nó và loại virus này càng lan rộng thì càng có nhiều cơ hội để biển đổi”, bà Kerkhove nói.

Nhà dịch tễ học, Tiến sĩ Eric Feigl-Ding, người đã viết về sự lây lan của XBB.1.5 trên Twitter vào ngày 29/12, cho rằng biến thể mới “vừa có khả năng miễn dịch tốt hơn vừa có khả năng lây nhiễm tốt hơn”.

Tiến sĩ Feigl-Ding, người đã chỉ trích CDC không cảnh báo công dân Mỹ về biến thể mới sớm hơn và che giấu dữ liệu về sự lây lan của nó, nhấn mạnh chủng mới “có khả năng là một biến thể tái tổ hợp nhanh hơn (tồi tệ hơn) 96% biến thể XBB cũ”.

Theo nhà dịch tễ học này, Kraken đang gây ra các “ca nhập viện do COVID-19 lớn nhất trong gần một năm” ở New York.

Về phần minh, bà Cruickshank cũng cho rằng chúng ta nên “cảnh giác” với biến thể mới.

“Điều đặc biệt về loại virus này là các đột biến của nó. Tất cả các loại virus đều biến đổi và tích lũy những đột biến khi chúng nhân lên trong tế bào của chúng ta. Theo thời gian, Kraken có khả vượt qua các kháng thể của chúng ta. Điều đó có nghĩa là bất kỳ khả năng miễn dịch nào mà chúng ta có được từ vắc-xin cùng khả năng miễn dịch tự nhiên trước đó có thể không hiệu quả với Kraken”.

Giáo sư Cruickshank giải thích thêm: “Nó vừa có thể tránh hệ thống miễn dịch, vừa có thể xâm nhập vào tế bào của chúng ta cực kỳ tốt. Vì vậy, nó dường như có một lợi thế: Một lợi thế lây nhiễm. Và tôi nghĩ đó là lý do tại sao chúng ta thấy số lượng các ca lây nhiễm biến thể này tăng nhanh”. (T/H, tintuc)