Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Khuyến cáo vắc-xin AstraZeneca: Chỉ nên tiêm cho người dưới 65 tuổi

Bộ Y tế Đức công bố khuyến cáo vắc-xin cập nhật của STIKO, trong đó cho biết hiện vẫn chưa có dữ liệu đầy đủ để đánh giá hiệu quả của vắc-xin do AstraZeneca sản xuất với người trên 65 tuổi.

Chuyen gia Duc khuyen cao ve vacxin COVID-19 cua AstraZeneca hinh anh 1
Vắc-xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca. (Hình Reuters)

Ủy ban Vắc-xin thuộc Viện Robert Koch (STIKO) của Đức ngày 28/1 đã đưa ra khuyến cáo chỉ nên tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 do AstraZeneca sản xuất cho người dưới 65 tuổi, một thông tin có thể gây ảnh hưởng đến quá trình cấp phép đối với loại vắc-xin này tại châu Âu.

Bộ Y tế Đức công bố khuyến cáo vắc-xin cập nhật của ủy ban trên, trong đó cho biết hiện vẫn chưa có dữ liệu đầy đủ để đánh giá hiệu quả của vắc-xin với người trên 65 tuổi.

Theo khuyến cáo này, vắc-xin của AstraZeneca không giống với vắc-xin mRNA và chỉ nên tiêm cho người từ 18-64 tuổi theo từng giai đoạn.

Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) dự kiến sẽ ra quyết định về việc cấp phép lưu hành vắc-xin của AstraZeneca vào ngày 29/1.

Trước đó vào ngày 25/1, AstraZeneca đã bác bỏ thông tin cho rằng vắc-xin của mình không hiệu quả với người trên 65 tuổi.

Giám đốc Điều hành AstraZeneca, ông Pascal Soriot cho biết công ty này có ít dữ liệu hơn các nhà sản xuất khác về người cao tuổi vì đã bắt đầu tiêm cho đối tượng này muộn hơn. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của tờ Die Welt, ông Soriot khẳng định hãng có dủ dữ liệu thuyết phục chứng tỏ kháng thể chống virus được sản sinh mạnh mẽ ở người cao tuổi giống như ở người trẻ.

Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết nước này đối mặt với tình trạng thiếu vắc-xin đến tháng 4, đồng thời kêu gọi tổ chức cuộc họp lãnh đạo khẩn cấp để thảo luận việc tiêm phòng. Ông Spahn cho rằng cuộc họp cần tập trung vào việc làm thế nào để châu Âu nhận được phần vắc-xin công bằng và phải làm gì để hỗ trợ tiến trình này.

Ông Spahn cũng muốn mời các công ty dược và các nhà sản xuất vắc-xin tham gia cuộc họp nhằm thảo luận cách thức phối hợp. Người phát ngôn của Thủ tướng Angela Merkel cho biết bà ủng hộ đề xuất trên và đang lên kế hoạch cho cuộc họp.

Trước đó, ông Spahn đã ủng hộ đề xuất của EU về việc thiết lập một giấy phép đăng ký xuất khẩu vắc-xin ra ngoài khối trong bối cảnh căng thẳng gia tăng do các hãng dược phẩm AstraZeneca và Pfizer bất ngờ cắt giảm nguồn cung 1 tháng sau khi EU bắt đầu tiêm chủng đại trà.

Trong khi đó, Anh tin tưởng rằng nguồn cung vắc-xin ngừa COVID-19 sẽ không bị gián đoạn sau khi EU và hãng dược AstraZeneca đã nhất trí về hợp đồng cung cấp.

London hy vọng EU tạo điều kiện cho việc vận chuyển vắc-xin, đồng thời nhấn mạnh ưu tiên tiêm chủng cho những người dễ bị tổn thương trên khắp nước Anh./. (VN+)