Friday, April 4, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Không, thử nghiệm y tế không phát hiện thuốc kháng vi-rút COVID là “gây tử vong”


George Driver

Ngày 31 tháng 3 năm 2025

NHỮNG GÌ ĐÃ ĐƯỢC TUYÊN BỐ

Remdesivir là nguyên nhân gây ra số lượng đáng kể các ca tử vong do COVID-19 và đã được phát hiện là “gây tử vong” trong một thử nghiệm năm 2019.

PHÁN QUYẾT CỦA CHÚNG TÔI

Sai. Thử nghiệm đó không phát hiện ra rằng remdesivir gây tử vong và các thử nghiệm trên bệnh nhân COVID đã cho thấy các tác dụng phụ thường nhẹ và hiếm gặp.

Các chuyên gia cho biết không có bằng chứng nào ủng hộ tuyên bố đó về remdesivir. Hình ảnh của Zsolt Czegledi/EPA PHOTO

AAP FactCheck – Trong một thử nghiệm năm 2019, thuốc kháng vi-rút remdesivir không được phát hiện là “độc hại” và “gây tử vong” và không phải là nguyên nhân gây ra số lượng đáng kể các ca tử vong do COVID-19, bất chấp những tuyên bố trên mạng.

Thử nghiệm cho thấy loại thuốc này có hồ sơ an toàn thuận lợi, trong khi các thử nghiệm sau đó trên bệnh nhân COVID cho thấy tác dụng phụ hiếm khi xảy ra.

Tuyên bố này được đưa ra trong một đoạn phim trên Instagram có sự tham gia của Bryan Ardis, chuyên viên nắn chỉnh xương đã nghỉ hưu, người đã từng là đối tượng của nhiều cuộc kiểm chứng thông tin, và người làm podcast Elizabeth Carson.

Ông Ardis cho rằng remdesivir là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do COVID-19 đối với những ca bệnh được chẩn đoán trong bệnh viện.

Ông Ardis cho biết: “Tôi đã giải thích toàn bộ cách thức mà mọi người mắc COVID-19 được chẩn đoán tại bệnh viện, cách họ tử vong từ ngày thứ nhất đến ngày thứ chín,” “Tất cả những người tử vong đều qua đời vào ngày thứ chín trong liệu trình điều trị 10 ngày bằng thuốc remdesivir.”

Ông tiếp tục tuyên bố rằng một thử nghiệm năm 2019 trên các bệnh nhân Ebola ở Châu Phi đã phát hiện ra loại thuốc này được cho là nguy hiểm.

“Trong thử nghiệm ở Châu Phi một năm trước khi có COVID, nó đã gây tử vong cho 53% số người được cho dùng thuốc. 

“Và hội đồng an toàn cho cuộc thử nghiệm đó đã đình chỉ việc sử dụng remdesivir trong cuộc thử nghiệm đó vào tháng thứ sáu và thông báo cho các nhà tài trợ rằng loại thuốc này quá nguy hiểm, quá độc hại…”

Đoạn phim lan truyền trên mạng đưa tin sai sự thật rằng remdesivir được phát hiện là “độc hại” trong một thử nghiệm năm 2019. (Instagram/AAP)

Tuy nhiên, thử nghiệm đó không đưa ra các lo ngại về độ an toàn của remdesivir, cũng như các thử nghiệm sau đó trên các bệnh nhân COVID.

Thử nghiệm đó đã đánh giá hiệu quả của bốn phương pháp điều trị Ebola tại Cộng hòa Dân chủ Congo, bao gồm remdesivir, một loại thuốc kháng vi-rút được phát triển lần đầu tiên vào năm 2009 như một loại thuốc tiềm năng điều trị viêm gan C.

Một bài báo năm 2019 công bố về thử nghiệm này đã giải thích rằng sau tám tháng, hội đồng theo dõi an toàn của thử nghiệm đã đề xuất kết thúc thử nghiệm của hai loại thuốc, trong đó có remdesivir.

Điều này là do hai loại thuốc kia được phát hiện là hiệu quả hơn, không phải do lo ngại về độ an toàn. 

Tổng cộng, 43,1% số người tham gia đã tử vong vì Ebola, bao gồm 53,1% những người được điều trị bằng remdesivir, trong khi các loại thuốc có hiệu quả nhất có tỷ lệ tử vong vào khoảng 33% đến 35%.

Thử nghiệm đó chỉ ghi nhận một tác dụng phụ nghiêm trọng ở những người dùng remdesivir và kết luận rằng cả bốn loại thuốc đều có “hồ sơ an toàn thuận lợi”.

Hiệu quả điều trị Ebola của remdesivir không bằng các loại thuốc khác được thử nghiệm. (Jerome Delay/AP PHOTO)

Adam Levine, giáo sư về y khoa cấp cứu tại Đại học Brown và là tác giả của bài báo đó, nói với AAP FactCheck rằng remdesivir “đã bị dừng sớm vì một trong những phương pháp điều trị trong thử nghiệm … được phát hiện là hiệu quả hơn đáng kể.”

Ông giải thích rằng loại thuốc này không phải là nguyên nhân gây ra tử vong cho 53% số người dùng thuốc, Ebola mới là nguyên nhân.

Giáo sư Levine cũng cho biết rằng không thể xác định liệu remdesivir hiệu quả hơn hay kém hiệu quả hơn so với giả dược trong việc điều trị Ebola, vì nghiên cứu không có nhóm giả dược do việc sử dụng giả dược bị coi là phi đạo đức, xét về tỷ lệ tử vong cao của bệnh này.

Tuy nhiên, ông cho biết “vì tỷ lệ tử vong trung bình trong đại dịch đó đối với những bệnh nhân không được điều trị là gần 66%, nên có khả năng remdesivir đã có một số lợi ích”.

Remdesivir sau đó đã trở thành một phương pháp điều trị COVID. Nhiều nghiên cứu cho thấy loại thuốc này có ít tác dụng phụ ở bệnh nhân COVID, mặc dù kết quả về tính hiệu nghiệm của nó vẫn còn nhiều tranh cãi.

Một cuộc xem xét của Cochrane về loại thuốc này cho thấy loại thuốc này “có lẽ chỉ tạo ra chút ít khác biệt hoặc không tạo ra khác biệt đối với tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân” trong 28 ngày đầu tiên sau khi nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, đánh giá đó cho biết remdesivir có thể làm tăng “cơ hội cải thiện lâm sàng” và có thể làm giảm nguy cơ bệnh trở nên trầm trọng hơn trong thời gian đó.

Giáo sư Levine cho biết mặc dù bằng chứng về tính hiệu nghiệm của remdesivir đối với bệnh nhân COVID-19 còn chưa rõ ràng, nhưng ông không biết bất kỳ nghiên cứu nào cho thấy thuốc này làm tăng số ca tử vong.

Các chuyên gia cho biết không có bằng chứng nào cho thấy remdesivir gây ra tử vong đáng kể cho bệnh nhân. (Russell Freeman/AAP PHOTOS)

Vinod Balasubramaniam, một nhà vi-rút học tại Đại học Monash Malaysia, đồng ý rằng thử nghiệm năm 2019 đã bị dừng lại do thiếu tính hiệu nghiệm, không phải do lo ngại về độ an toàn, và tỷ lệ tử vong là do mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch Ebola.

Ông nói với AAP FactCheck rằng nhiều thử nghiệm trên bệnh nhân COVID không phát hiện ra rằng remdesivir làm tăng tỷ lệ tử vong, trong khi một số thử nghiệm lại phát hiện ra rằng nó có thể cải thiện thời gian bình phục và giảm tử vong.

Ông chỉ ra một thử nghiệm năm 2020 của Tổ chức Y tế Thế giới trong đó cho thấy remdesivir “hầu như không có hoặc có tác dụng rất ít đối với các bệnh nhân COVID-19 nhập viện”.

Trong số 2743 bệnh nhân được điều trị bằng remdesivir, có 301 ca tử vong so với 303 ca tử vong ở nhóm đối chứng gồm 2708 bệnh nhân.

Một đánh giá về các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên được công bố vào năm 2021 cho biết liệu pháp điều trị bằng remdesivir trong 10 ngày là “một loại thuốc kháng vi-rút an toàn với các tác dụng phụ thường gặp khi đem so sánh với giả dược” với tỷ lệ tác dụng phụ nghiêm trọng thấp hơn đáng kể so với giả dược.

Tuy nhiên, đánh giá đó cũng lưu ý rằng thuốc này không mang lại “sự giảm đáng kể hoặc sự khác biệt về tỷ lệ tử vong”.

Paul Young, giáo sư danh dự ngành vi sinh vật học tại Đại học Queensland, nói với AAP FactCheck rằng tuyên bố trong đoạn phim trên Instagram là “thông tin hoàn toàn sai lệch”.

Ông cho biết remdesivir đã được chứng minh là có khả năng dung nạp tốt với độc tính tối thiểu, và “chưa từng ghi nhận trường hợp tử vong nào chỉ do remdesivir không thôi”.

AAP FactCheck là một thành viên được công nhận của Mạng lưới Kiểm chứng Thông tin Quốc tế. Để cập nhật các thông tin kiểm chứng mới nhất của chúng tôi, hãy theo dõi chúng tôi trên Facebook, Instagram,Threads,X,BlueSky,TikTokYouTube. (AAP)