Không, Pfizer không liệt kê hMPV là ‘tác dụng phụ’ của vắc-xin ngừa COVID-19
Kate Atkinson
Ngày 31 tháng 1 năm 2025
NHỮNG GÌ ĐÃ ĐƯỢC TUYÊN BỐ
Pfizer đã liệt kê hMPV là “tác dụng phụ” của vắc-xin ngừa COVID-19.
PHÁN QUYẾT CỦA CHÚNG TÔI
Sai. Vi-rút này được liệt kê là “biến cố bất lợi”, không phải là “tác dụng phụ” đã được chứng minh.
AAP FactCheck – Dữ liệu về tính an toàn của vắc-xin đã bị hiểu sai khi đưa ra tuyên bố sai sự thật rằng vi-rút gây viêm phổi ở người được liệt kê là “tác dụng phụ” của vắc-xin ngừa COVID-19.
Một báo cáo dữ liệu giám sát an toàn của Pfizer đã liệt kê vi-rút gây viêm phổi ở người (human metapneumovirus – hMPV) là một “biến cố bất lợi” được báo cáo sau khi chích vắc-xin, chứ không phải là “tác dụng phụ” được chứng minh là do mũi chích gây ra.
Tuyên bố này đang lan truyền trên mạng xã hội sau khi có báo cáo về đợt bùng phát vi-rút gây viêm phổi ở người (hMPV) ở miền bắc Trung Quốc.
Loại vi-rút này gây ra bệnh nhiễm trùng đường hô hấp với các triệu chứng bao gồm ho, sốt, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, và đau đầu.
Tuyên bố đó có trong một bài đăng trên Facebook cáo buộc giới truyền thông đang thổi phồng “nỗi sợ hãi” về hMPV.
“Đây là tác dụng phụ được liệt kê trong vắc-xin C của Pfizer….” chú thích cho biết.
“Có thú vị không khi biết liệu những người đổ xô đến bệnh viện hiện nay đã được [chủng ngừa] hay chưa???”
Bài đăng đó bao gồm hình ảnh danh sách các tác dụng phụ được cho là của vắc-xin ngừa COVID-19 của Pfizer.
Danh sách này được lấy từ báo cáo dữ liệu giám sát an toàn của Pfizer được công bố vào năm 2022 như một phần của vụ kiện về quyền tự do thông tin tại Hoa Kỳ.
Tài liệu đó nêu chi tiết các biến cố bất lợi và tử vong được báo cáo bởi những người đã chích vắc-xin từ ngày 1 tháng 12 năm 2020 đến ngày 28 tháng 2 năm 2021.
Khoảng 42.000 báo cáo về các trường hợp đã được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm các nghiên cứu và tài liệu y khoa, chương trình tiếp thị của Pfizer và cơ sở dữ liệu báo cáo từ 63 quốc gia (Xem báo cáo Trang 5-6). Các cơ sở dữ liệu báo cáo, chẳng hạn như Cơ sở Dữ liệu Thông báo về Biến cố Bất lợi của Cơ quan Quản lý Hàng hóa Trị liệu Úc hoặc Hệ thống Báo cáo Biến cố Bất lợi về vắc-xin của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, bao gồm các báo cáo tự báo cáo của công chúng, và báo cáo từ các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và công ty dược phẩm.
“Nhiễm trùng metapneumovirus” được liệt kê trong Phụ lục 1 của báo cáo dưới tiêu đề “các biến cố bất lợi được quan tâm đặc biệt” (Trang 35).
Biến cố bất lợi mô tả bất kỳ sự cố sức khỏe nào được quan sát thấy sau khi ai đó dùng thuốc, bất kể thuốc có gây ra biến cố đó hay không.
Những biến cố này khác với tác dụng phụ, vốn đã được khoa học chứng minh là có liên quan nhân quả với thuốc.
Báo cáo của Pfizer cho biết: “Việc tích lũy các báo cáo về biến cố bất lợi (adverse event reports – AER) không nhất thiết chỉ ra rằng một AE (biến cố bất lợi) cụ thể là do thuốc gây ra,” (Trang 6).
Một phát ngôn viên của Pfizer trước đây đã nói với AAP FactCheck rằng các báo cáo về biến cố bất lợi tự phát đã được thu thập cho tất cả các sản phẩm để theo dõi các vấn đề an toàn có thể xảy ra, mà có thể chưa được phát hiện trong các nghiên cứu lâm sàng, nhưng các biến cố như vậy có thể không có bất kỳ mối quan hệ nhân quả nào với vắc-xin.
Paul Hunter, một giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia, cho biết rằng, các bác sĩ được khuyến khích báo cáo tất cả các biến cố bất lợi bất kể khả năng chúng là do thuốc gây ra.
Ông nói với AAP FactCheck: “Chỉ khi bạn nhận được nhiều báo cáo (về tác động đến sức khỏe thường gặp) hoặc một vài báo cáo về một biến cố rất hiếm gặp, bạn mới bắt đầu các nghiên cứu sâu hơn để có thể suy ra hoặc bác bỏ nguyên nhân,” “Tuy nhiên, với những kết quả thường gặp như cảm lạnh thông thường, chúng tôi mong đợi sẽ thấy nhiều báo cáo hơn nữa trước khi đưa ra nhu cầu tiến hành các nghiên cứu thêm.
“Vì vậy, có khả năng hầu hết các biến cố bất lợi được liệt kê trong Phụ lục 1 không thực sự do vắc-xin gây ra.”
Giáo sư Hunter cho biết hMPV rất thường gặp và khi một lượng lớn người được chích vắc-xin, một số người có khả năng sẽ bị nhiễm trùng cùng một lúc. “Vì vậy, tôi thực sự nghi ngờ các báo cáo là bằng chứng về mối liên hệ nhân quả giữa hai đối tượng này,” ông nói. Tuyên bố đó cũng đã bị bác bỏ bởi Science Feedback.
AAP FactCheck trước đây cũng đã bác bỏ một tuyên bố sai sự thật khác về báo cáo dữ liệu giám sát an toàn của Pfizer. (AAP)