HRW thúc giục Mỹ áp lực CSVN thả tù nhân lương tâm
WASHINGTON, DC – Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch, HRW) thúc giục chính phủ Mỹ phải tạo áp lực và đòi nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm đang bị cầm tù tại Việt Nam.
Hôm Thứ Ba, 9 Tháng Mười Một, chính phủ Mỹ và nhà cầm quyền CSVN sẽ có cuộc đối thoại nhân quyền lần thứ 25 tại Washington, DC. Cuộc đối thoại nhằm mục đích thúc đẩy CSVN cải thiện tình trạng nhân quyền tồi tệ xưa nay bị quốc tế lên án.
“Chính phủ Hoa Kỳ nên áp lực CSVN có các hành động cải thiện nhân quyền có thể chứng minh được, bắt đầu bằng việc trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho các nhà vận động cho các quyền tự do căn bản.”
Bản tin của tổ chức HRW dẫn lời phát biểu của ông Phil Robertson, phó giám đốc Á Châu Vụ nói rằng: “CSVN chà đạp nhân quyền khi bắt giam người ta dựa vào những cáo buộc ngụy tạo. Khi người ta bị giam giữ thì bị bức cung hàng tháng trời mà không hề được cho gặp luật sư.”
Tổ chức HRW đòi hỏi chính phủ Mỹ phải đặt các quan ngại nhân quyền vào trung tâm những giao tiếp giữa hai nước thay vì coi nhẹ, chỉ đề cập mỗi năm một lần khi có cuộc đối thoại đã được sắp đặt sẵn.
Tổ chức này nêu ra sự việc chỉ ít giờ sau khi diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền giữa hai nước kỳ thứ 24 năm ngoái thì ngày 7 Tháng Mười, 2020, công an đã bắt nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang ở Sài Gòn. Bà Đoan Trang là một trong những blogger viết phản biện xã hội nhiều nhất và là nhà vận động nhân quyền nhiều ảnh hưởng.
HRW cáo buộc rằng chế độ Hà Nội siết chặt các quyền tự do căn bản và các quyền tự do chính trị gồm cả quyền tự do biểu đạt, phát biểu, tự do thông tin, tự do hội họp và lập hội, quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Tại Việt Nam không hề có tự do báo chí và các cơ quan truyền thông độc lập. Nhà cầm quyền cũng không cho phép thành lập các chính đảng hay các tổ chức bảo vệ nhân quyền, đồng thời lèo lái các tổ chức tôn giáo.
Tất cả những ai lên tiếng công khai đả kích nhà cầm quyền hay các lãnh đạo chóp bu CSVN trên mạng xã hội đều bị sách nhiễu, dọa nạt, canh chừng, cản trở đi lại, đánh đập và bắt giữ. Sau khi bị bắt, người ta bị ép cung, bị giam giữ rất nhiều ngày tháng mà không được gặp luật sư hay gia đình. Các phiên tòa xử họ đều bị kiểm soát chặt chẽ, còn bản án thì đều rất nặng.
HRW kể lại một số vụ việc như phiên tòa hồi đầu năm 2021 xử các bloggers nổi tiếng đứng đầu Hội Nhà Báo Độc Lập là Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, với các bản án từ 11 năm đến 15 năm tù. Hồi Tháng Năm, bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư, hai dân oan trở thành người đấu tranh nhân quyền, bị kết án mỗi người tám năm tù. Trần Huỳnh Duy Thức bị kết án 16 năm tù từ năm 2009 nay vẫn ngồi tù dù đã viện dẫn luật lệ của chế độ để đòi lại tự do nhưng vẫn bị lờ đi.
“Cầm tù những blogger và nhà báo công dân suốt nhiều năm, chế độ Hà Nội đã chứng tỏ họ hoàn toàn không tôn trọng quyền tự do thông tin.” Ông Robertson phát biểu. “Hoa Kỳ hãy nên áp lực CSVN chấm dứt áp dụng luật hình sự đối với những người chỉ sử dụng quyền tự do biểu đạt.”
Tổ chức HRW cáo buộc rằng Luật Tố Tụng Hình Sự CSVN trái ngược với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế khi quy định những ai “vi phạm an ninh quốc gia” đều bị bắt giữ và bị cấm không cho gặp luật sư cho tới khi cuộc điều tra hoàn tất. Điều này có nghĩa là trong thực tế, bất cứ ai bị vu cho các tội vi phạm những điều luận liên quan đến “an ninh quốc gia” đều bị giam giữ không hề được tư vấn về pháp lý thời gian dài bao lâu đều tùy ý muốn của nhà cầm quyền.
Ông Robertson kêu gọi Hoa Kỳ thúc giục CSVN bãi bỏ các điều luật tố tụng hình sự cho phép giam giữ vô hạn định mà không cho gặp luật sư. Điều đó làm suy yếu quy trình tố tụng, đồng thời dẫn đến các sự lạm dụng quyền hành, đi ngược lại quyền lợi của người bị bắt giam.
Theo Tổ Chức Bảo Vệ Người Bảo Vệ Nhân Quyền Việt Nam, tính đến giữa Tháng Chín, 2021, CSVN đang giam giữ tại các trại tù trên cả nước 263 tù lương tâm. Từ đó đến nay, khoảng một chục người nữa đã bị bắt giam hay bị kết án tù.
Ngày 26 Tháng Mười vừa qua Tổ Chức HRW và 27 tổ chức bảo vệ nhân quyền khác đã cùng lên tiếng đòi CSVN trả tự do cho bà Phạm Đoan Trang cũng như hàng trăm tù lương tâm khác. Bản tuyên bố chung lập lại những lời lên án từng được lập đi lập lại suốt bao năm qua là, những người tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam chỉ thi hành các quyền tự do căn bản ghi trên bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cũng như Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà CSVN đã ký cam kết tuân hành nhưng làm ngược lại.
Mấy năm trước, một nhà ngoại giao Mỹ than thở sau một cuộc đối thoại nhân quyền giữa Mỹ và CSVN là “đối thoại giữa hai người điếc.” (N/V)