Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Hơn 110,000 doanh nghiệp tại Việt Nam ‘tạm ngừng hoạt động’

“Hơn 110,000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, hoạt động” là tựa đề bản tin của tờ Tiền Phong hôm Chủ Nhật, 27 Tháng Mười Hai, 2020.

Đường phố Hà Nội với các cửa hàng đóng cửa vì ế ẩm. (Hình: NHAC NGUYEN/AFP/Getty Images)

Trong lúc guồng máy tuyên truyền CSVN khoe kinh tế tăng trưởng thuộc hàng cao nhất thế giới, tờ Tiền Phong dẫn báo cáo cuối năm của Tổng Cục Thống Kê CSVN nói “năm 2020 có 101,700 doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13.9% so với năm trước.

Tính trung bình, cứ mỗi tháng có gần 8 ngàn 500 doanh nghiệp sập tiệm.

Nguyên nhân dẫn đến “rút khỏi thị trường” của rất nhiều doanh nghiệp như vậy bị Tổng Cục Thống Kê CSVN cho là “chủ yếu do dịch COVID-19 bùng phát mạnh và diễn biến khó lường trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế-xã hội của các quốc gia trên thế giới. Các nền kinh tế lớn đối mặt với tình trạng suy thoái sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua” tác động đến hoạt động kinh tế tại Việt Nam.

Mặt bằng ở Sài Gòn sang với giá... 0 đồng

Cách đây ba tháng, ngày 4 Tháng Mười, “Cục Quản Lý đăng ký kinh doanh” CSVN, cho hay trong ba quý đầu năm nay có hơn 78,300 doanh nghiệp “rút khỏi thị trường.” Những nguyên nhân chính là bị ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 cũng như cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo mô tả của Cục Quản Lý đăng ký kinh doanh, “Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng mạnh ở tất cả lĩnh vực. Trong đó, kinh doanh bất động sản, giáo dục, dịch vụ lưu trú và ăn uống, vui chơi giải trí… có tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn nhiều nhất.” Bản tin tường thuật của VNExpress.

Chỉ riêng Tháng Chín, hơn 7,300 doanh nghiệp đóng cửa. Nguồn tin nói tổng vốn của các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trên 28,000 tỷ đồng, còn vốn của doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể trên 41,000 tỷ đồng. Hệ quả từ số doanh nghiệp đóng cửa dẫn đến gần 77,000 người lao động thất nghiệp.

Người thất nghiệp ngồi chờ bên đường xem có ai gọi đi làm. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Cũng vào thời điểm vừa kể, tờ Tuổi Trẻ dẫn tin từ Sở Lao Động-Thương Binh và Xã Hội Sài Gòn, cho hay, gần 70% doanh nghiệp trong số gần 16,800 doanh nghiệp được khảo sát tại địa phương “vẫn đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19.” Trong đó, các doanh nghiệp tập trung nhiều ở các lĩnh vực: bán buôn (gần 18%), may mặc (gần 13%), dệt, chế biến thực phẩm, kho bãi, xây dựng, bất động sản…

Một số báo tại Việt Nam cũng dẫn thuật lại tin từ Bộ Tài Chính CSVN nói 55% các công ty ngoại quốc đầu tư sản xuất tại Việt Nam (FDI) bị thua lỗ trong năm 2019 với số tiền lên đến 846,800 tỷ đồng (hay khoảng hơn $3.6 tỷ).

Sáu địa phương thu hút vốn đầu tư FDI lớn nhất cả nước theo thứ tự là Sài Gòn, Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai. Thành phố Sài Gòn là địa phương thu hút vốn đầu tư FDI lớn nhất cả nước, giá trị tài sản các doanh nghiệp FDI đầu tư vào thành phố này ước lượng hơn 1.8 triệu tỷ đồng (khoảng $77 tỷ), chiếm 23.6% vốn đầu tư FDI của cả nước. (N/V)