Friday, March 29, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Thị thực Úc không có dấu hiệu tăng đột biến sau lệnh cấm học trực tuyến của Bắc Kinh


Bộ Nội vụ Úc xác nhận không có sự gia tăng đáng kể nào về số lượng thị thực cấp cho sinh viên Trung Quốc bất chấp lệnh cấm học trực tuyến mới đây của chính quyền Trung Quốc, buộc sinh viên phải quay lại các trường đại học ngoại quốc trên khắp thế giới.

Thị thực Úc không có dấu hiệu tăng đột biến sau lệnh cấm học trực tuyến của Bắc Kinh.

Trong một phiên điều trần tại Thượng viện hôm 13/02, Bộ Nội vụ xác nhận rằng họ đã cấp thị thực cho hơn 40,000 sinh viên Trung Quốc để cho phép những sinh viên này trở lại các trường đại học của Úc để học tập.

Bộ này cho biết tỷ lệ xin thị thực tăng nhẹ hàng ngày kể từ khi chính quyền Trung Quốc công bố lệnh cấm này hồi cuối tháng Một. Tuy nhiên, bộ này lưu ý rằng tình trạng này không có gì đáng lo ngại và cũng không cần ưu tiên.

Quan chức nhập cư cao cấp Michael Willard nói với ủy ban ước tính của Thượng viện tối hôm 13/02, “Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi sát sao về khả năng tăng đột biến, nhưng hiện tại khả năng đó vẫn chưa xuất hiện.”

Đồng thời, ông Willard cho biết Bộ Giáo dục đang thảo luận về lệnh cấm học trực tuyến ban đầu và các thông báo tiếp theo với chính quyền Trung Quốc.

Nhận định của Bộ Nội vụ được đưa ra trong bối cảnh Úc chứng kiến số lượng du học sinh Trung Quốc đến nước này sụt giảm đáng kể so với giai đoạn trước COVID-19.

Theo dữ liệu của chính phủ, hồi tháng 09/2022, có 78,234 người Trung Quốc có thị thực sinh viên tại Úc, giảm 53% so với 165,149 người có thị thực hồi tháng 09/2019.

Một phụ nữ đi ngang qua tấm biển dành cho các trường đại học Úc ở Melbourne, Úc, vào ngày 10/06/2020. Hình AFP/Getty

Lệnh cấm học trực tuyến của chế độ Trung Quốc

Hôm 28/01, Trung tâm Dịch vụ Du học Trung Quốc, một tổ chức quốc gia trực thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc, đã thông báo rằng từ học kỳ đầu tiên của năm 2023, trung tâm này sẽ không còn công nhận các chứng chỉ văn bằng quốc tế mà học sinh có được thông qua việc học tập từ xa.

Thông báo này là một quyết định trái ngược hoàn toàn với chính sách trước đây của trung tâm, vốn cho phép sinh viên Trung Quốc ghi danh học tại các trường đại học ngoại quốc để học trực tuyến trong đại dịch COVID-19.

Trung tâm này cho biết chính sách mới nói trên được đưa ra nhằm “bảo vệ quyền lợi của những sinh viên được giáo dục ở hải ngoại và duy trì sự công bằng trong giáo dục.”

Tuy nhiên, hàng chục ngàn sinh viên Trung Quốc và gia đình của họ không thể ngờ rằng chính quyền sẽ đưa ra quyết định đường đột này, buộc họ phải gấp rút quay trở lại Úc khi học kỳ đầu tiên của năm 2023 sẽ bắt đầu sau vài tuần nữa.

Toàn cảnh khuôn viên Đại học Công nghệ Sydney ở Sydney, Úc, vào ngày 06/04/2016. (Ảnh: Brendon Thorne/Getty Images)
Toàn cảnh khuôn viên Đại học Công nghệ Sydney ở Sydney, Úc, vào ngày 06/04/2016. Hình Getty

Mặc dù ngành giáo dục Úc đã tin rằng sự thay đổi này sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục địa phương, nhưng họ bày tỏ lo ngại rằng chính sách mới này sẽ đặt du học sinh Trung Quốc vào một tình thế khó khăn.

Bà Vicki Thomson, giám đốc điều hành của các Nhóm Tám trường đại học cho biết: “Chúng tôi e ngại về sự đường đột của quyết định này, và chúng tôi sẽ tìm kiếm lời khuyên khẩn cấp cũng như thông tin làm rõ từ Đại sứ quán Trung Quốc về những điều khoản dành cho trường hợp đặc biệt nào có sẵn.”

“Những sinh viên năm cuối đã gắn bó với chúng tôi trong suốt những năm xảy ra COVID giờ đây có thể cần phải quay lại gấp, bảo đảm chỗ ở, và xin thị thực trong vòng vài tuần – một nhiệm vụ gần như bất khả thi.”

Trong khi đó, sinh viên Trung Quốc đã lên mạng để bày tỏ nỗi thất vọng khi họ phải giải quyết nhiều vấn đề kéo theo sau quy định này, từ đơn xin thị thực đến giá vé phi cơ tăng chóng mặt và tình trạng thiếu chỗ ở nghiêm trọng tại các thành phố lớn của Úc.

Sự quay lại của sinh viên Trung Quốc làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tiền thuê nhà ở Úc

Khi ngày càng nhiều người Trung Quốc quay trở lại Úc, thị trường cho thuê trên khắp nước này đang chịu sức ép ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu về nhà ở của họ, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng mà nhiều người Úc đang phải đối mặt.

Theo trang web thị trường địa ốc Domain, tỷ lệ nhà còn trống cho thuê trên toàn quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 0.8% trong tháng Một. Trong khi đó, tỷ lệ này là 1% ở Sydney và Melbourne — hai điểm đến chính của sinh viên quốc tế.

Về giá cả, công ty cung cấp dữ liệu địa ốc CoreLogic đã báo cáo rằng giá thuê tăng cao trung bình 10.2% trên toàn quốc trong vòng 12 tháng tính đến ngày 31/12/2022, trong đó Sydney và Melbourne ghi nhận mức tăng tương ứng là 11.4% và 9.6%.

Các chuyên gia địa ốc đã cảnh báo rằng sự trở lại của 40,000 sinh viên Trung Quốc sẽ làm trầm trọng thêm tình hình vốn đang căng thẳng của thị trường cho thuê toàn quốc.

Mọi người học tập tại khuôn viên Đại học Công nghệ Sydney ở Sydney, Úc, vào ngày 06/04/2016. (Ảnh: Brendon Thorne/Getty Images)
Mọi người học tập tại khuôn viên Đại học Công nghệ Sydney ở Sydney, Úc, vào ngày 06/04/2016. Hình Getty

Bà Torie Brown, một giám đốc điều hành phụ trách chỗ ở cho sinh viên tại Hội đồng Địa ốc Úc, cho biết: “Thật không may, ký túc xá chuyên biệt cho sinh viên đã chật cứng — ở một số thành phố như Brisbane không còn chỗ trống, trong khi các trung tâm khác đang lấp đầy nhanh chóng.”

The Herald Sun đưa tin, bà Brown cho hay, “Chúng tôi đang nói về việc 40,000 sinh viên quay trở lại thị trường này. Và đó mới chỉ là sinh viên đến từ Trung Quốc. Chúng tôi cũng có những sinh viên quay lại từ khắp nơi trên thế giới.”

Xây dựng thêm chỗ ở cho sinh viên là một cách để làm dịu áp lực về nhu cầu chỗ ở của du học sinh quốc tế.

Tuy nhiên, vị giám đốc điều hành này cho biết, do thiếu các khoản đầu tư của địa phương vào nhà ở sinh viên và sự cạnh tranh giữa các nhà đầu tư trong thị trường cho thuê nhà, nên kế hoạch xây dựng đã không đạt được nhiều bước tiến.

Bà Brown cho biết, “Chúng tôi không thể thu hút các nhà đầu tư địa phương vào chỗ ở của sinh viên. Những khoản tiền siêu lớn đó cũng không đến gần [thị trường này] mặc dù họ sẵn sàng tham gia vào lĩnh vực này ở các thị trường khác như Vương quốc Anh và Canada.”

“Tại thị trường của chúng tôi, khoản tiền này hầu như toàn bộ đều đến từ các nhà đầu tư hải ngoại.” (T/H, ETV)