Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Học sinh gốc Á ra sức đứng đầu trường để thoát cảnh bị kỳ thị

Bài đăng trên South China Morning Post, về câu chuyện những học sinh từ các gia đình châu Á nhập cư thắng thế học sinh bản xứ và chiếm gần hết số lượng theo học tại các trường top đầu tại Mỹ, Anh, Australia.

Với các bậc phụ huynh châu Á nhập cư, việc đảm bảo con họ vào trường top đầu, học giỏi nhất lớp là nỗ lực để cuộc sống ở nơi xứ người dễ thở hơn, tránh cảnh bị phân biệt đối xử.

Những bức ảnh chụp học sinh thuộc một niên khóa của các trường công lập top đầu tại Australia dần có sự thay đổi trong vòng 3 thập kỷ gần đây. Những gương mặt người bản xứ được thay thế bằng hình ảnh của học sinh châu Á.

Con cái của người dân châu Á nhập cư đã chiếm ưu thế trong hệ thống trường cấp 3 có chất lượng hàng đầu tại Australia. Theo ước tính, số học sinh gốc Á chiếm đến 80-90%.

hoc sinh chau a hoc gioi anh 1
Số lượng học sinh gốc Á chiếm đông đảo trong số lượng theo học tại những trường cấp 3 công lập hàng đầu tại Mỹ, Anh, Australia.

Số học sinh này thường xuất hiện trong bảng vàng thành tích trong các kỳ thi của thành phố, bang. Những đứa trẻ có bảng điểm xuất sắc cũng theo học những ngành có yêu cầu đầu vào cao nhất: Luật, Y khoa và Kinh tế.

Sự thắng thế của học sinh châu Á nhiều khi bị chính cộng đồng người bản xứ tức giận. Không chỉ riêng Australia, thực tế tương tự cũng xảy ra tại các nước nói tiếng Anh khác, như Mỹ và Anh.

Christina Ho (46 ​​tuổi), phó giáo sư ngành Khoa học xã hội và Chính trị tại Đại học Công nghệ Sydney (Australia), đánh giá sự vượt trội trong kết quả học tập của học sinh châu Á so với học sinh phương Tây không phải là vấn đề dễ thảo luận.

Theo Ho, số đông có suy nghĩ rằng thành tích xuất sắc đó đến từ việc trẻ con châu Á có một bà mẹ nghiêm khắc, bắt ép học giỏi bằng được đứng đằng sau và những đứa trẻ cũng ham hố đứng đầu lớp không kém.

“Với tư cách người nhập cư, bạn sẽ lo lắng vô số thứ về cuộc sống mới ở nơi xa lạ. Việc đặt chân vào một môi trường giáo dục hàng đầu sẽ là ‘tấm vé’ phần nào giúp bạn chống lại sự phân biệt đối xử ở xứ người”, Ho cho hay.

hoc sinh chau a hoc gioi anh 2
Đối với các bậc phụ huynh châu Á nhập cư, việc con cái đặt chân vào những trường top đầu tại đất nước mới sẽ giúp cuộc sống phần nào dễ dàng hơn.

“Điều đó hoàn toàn có cơ sở. Phân tích thị trường lao động cho thấy những người Australia có yếu tố Trung Quốc trong tên họ phải nộp đơn xin việc nhiều hơn 68% so với những người tên hoàn toàn bằng tiếng Anh để có cùng số lượng cuộc phỏng vấn”.

Đối với nhiều bậc cha mẹ nhập cư, việc đảm bảo một suất học tại trường top đầu cho con họ cũng là nỗ lực để cuộc sống nơi xứ người tốt hơn.

“Với các cha mẹ là người ở các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, điều đó giống như một huy hiệu danh dự”, Ho nói.

Trong năm 2020, có hơn 15.000 đơn đăng ký cho khoảng 4.200 suất học trong 50 trường top đầu tại tiểu bang New South Wales (Australia).

“Người nhập cư sẽ chỉ nhắm gửi con vào các trường công lập, bởi trường tư nhân không chỉ mang theo gánh nặng tiền bạc mà còn cả văn hóa, truyền thống”, Helen Proctor, giáo sư tại Đại học Sydney, nói.

Mặt khác, các bậc phụ huynh là người gốc Á không đề cao tính năng khiếu hay thiên hướng mà quan trọng nhất là học hành chăm chỉ, tập trung. Điều này dẫn đến tình trạng nhồi nhét học, khái niệm được coi là xa lạ với các bậc phụ huynh phương Tây.

“Cha mẹ gốc Á có thói quen tạo không gian riêng và yên tĩnh trong nhà để cho con cái tập trung làm bài tập. Ngay cả với những gia đình kinh tế không khá giả, diện tích nhà ở chật hẹp, đó vẫn được coi là điều dễ hiểu”, Helen cho hay. (Z/N)