Saturday, November 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ là lãnh đạo tối cao mới của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất


Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thông nhất không được chính quyền Việt Nam hiện tại thừa nhận. Lãnh đạo của giáo hội bị chính quyền đàn áp trong nhiều năm từ 1975.

Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư Ký Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất – giáo hội không được chính quyền Việt Nam thừa nhận – vừa có một Hội đồng trưởng lão mới và Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ được suy tôn làm Chánh Thư Ký Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống, chức vụ cao nhất của Giáo hội vào lúc này.

Theo thông cáo của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất công bố hôm 1/9, một buổi lễ phát nguyện và suy tôn Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương và suy cử Chánh Thư ký Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống vừa được cử hành tại Chùa Phật Ân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Sau khi lãnh đạo cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất là Hòa thượng Thích Quảng Độ – đức Đệ ngũ Tăng Thống – qua đời vào ngày 22/2/2020, Giáo hội vẫn chưa có đức Tăng Thống mới. Vì vậy, chức Chánh Thư Ký Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống hiện là chức vụ cao nhất của Giáo hội.

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ trở thành lãnh đạo tối cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Hòa Thượng Tuệ Sỹ. Hình hoavouu

Vào ngày 25/11/2018, đức Đệ ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ đã có quyết định giải tán Ban Chỉ đạo Viện Hoá Đạo và tạm ngưng các sinh hoạt của Viện Hoá Đạo trong khi chờ đợi Viện Tăng Thống triệu tập Đại hội Bất thường Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất để khôi phục và công cử nhân sự mới cho Viện Hóa Đạo.

Thông cáo mới của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thừa nhận những khó khăn, “thông tin nhiễu loạn, sự phân hoá nội bộ càng lúc càng trầm trọng” đã dẫn đến quyết định này của Hòa thượng Thích Quảng Độ.

Theo Di chúc của Hòa thượng Thích Quảng Độ, việc điều hành Viện Tăng Thống đã được uỷ thác cho Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ.

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ và Hòa thượng Thích Quảng Độ năm 2019 tại chùa Từ Hiếu ở TP. HCM.

“Bất cứ lúc nào, khi hội đủ điều kiện thuận duyên Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ thay mặt Viện Tăng Thống triệu tập đại hội bất thường để bầu cử nhân sự mới cho tất cả chức vụ trong Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.”

Thông cáo mới cho biết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mới đây đã thành lập “Ban Vận Động Hòa Hiệp Tăng Già, với nhiệm vụ tham vấn, thỉnh vấn, đề nghị thỉnh cử Chư Tôn Trưởng Lão, Hòa Thượng, đăng lâm pháp tịch Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương, để hướng đến suy tôn Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Viện Tăng Thống, cơ quan lãnh đạo tối cao của Giáo Hội.”

Ngày 21/8/2022, buổi lễ phát nguyện và suy tôn Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương và suy cử Chánh Thư Ký Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống đã được cử hành.

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ.

Ngày 22/8/2022, buổi lễ chính thức trao truyền Di chức, ấn tín và khai ấn được cử hành tại Tổ đường Từ Hiếu, quận 8, TPHCM.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thông nhất không được chính quyền Việt Nam hiện tại thừa nhận. Lãnh đạo của giáo hội bị chính quyền đàn áp trong nhiều năm kể từ 1975.

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ (sinh năm 1943) là người từng bị chính quyền Việt Nam bắt đi học tập cải tạo ba năm từ năm 1978. Vào tháng 9/1988, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ bị tuyên án tử hình với cáo buộc “Hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”. Tuy nhiên, do sự vận động của quốc tế, bản án tử hình của ông sau đó được giảm xuống còn chung thân. Đến ngày 1/9/1998, ông được trả tự do.

Vào năm 2003, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ bị chính quyền áp lệnh quản chế hành chính hai năm. (T/H, RFA)

Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Viện Tăng Thống Trân Trọng Công Bố

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

Viện Tăng Thống

Phật lịch 2566

Số 01/VTT/HDGPTW/TC

HỘI ĐỒNG GIÁO PHẨM TRUNG ƯƠNG

TRÂN TRỌNG CÔNG BỐ

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, trong lời mở đầu của Hiến Chương, đã nêu rõ: “Công bố lý tưởng hòa bình của Giáo lý Đức Phật, các tông phái Phật giáo, Nam Tông và Bắc Tông tại Việt nam, thực hiện nguyện vọng thống nhất thực sự đã hoài bão từ lâu để phục vụ nhân loại và dân tộc: đó là lập trường thuần nhất của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

“Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không đặt sự tồn tại của mình nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc.

“Quan niệm thống nhất Phật Giáo Việt Nam được thể hiện theo chủ trương điều hợp, nghĩa là giáo lý, giới luật và nếp sống của các tông phái, cũng như của hai giới Tăng sĩ và Cư sĩ, chẳng những được tôn trọng mà còn phải nỗ lực phát triển trong sự kết hợp có chỉ đạo. Chính đó là sắc thái đặc biệt của nền Phật giáo thống nhất tại Việt nam.”

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam không phải là một hiệp hội thế tục, do đó, không tự đặt mình dưới sự chỉ đạo của bất cứ quyền lực thế tục, không là công cụ bảo vệ sự tồn tại của bất cứ xu hướng chính trị, của bất cứ tổ chức thế tục nào; không hành đạo, hoằng đạo theo bất cứ định hướng ý thức hệ nào; duy chỉ một định hướng duy nhất: Thập phương Bạc-già-phạm nhất lộ Niết-bàn môn; một cứu cánh duy nhất là giải thoát.

Các thành viên trong hàng giáo phẩm không là thành viên của bất cứ tổ chức, đoàn thể thế tục nào. Cộng đồng đệ tử Phật duy nhất là cộng đồng Bốn Chúng, được thiết lập bởi Đức Thích Tôn bằng Pháp và Luật thiện thuyết.

Cộng đồng bốn chúng đệ tử Phật, trong hiện tại, hành đạo và hoằng đạo giữa các cộng đồng dân tộc trong một thế giới đang bị bao phủ trong hận thù, nghi kỵ, điên đảo tranh chấp quyền lực, danh vọng, lợi dưỡng. Trong một thế giới đảo điên, với sự phổ biến chóng mặt của các phương tiện truyền thông toàn cầu; xoay vần giữa những nhiễu loạn thông tin, trí ngu đồng đẳng, thực giả khó phân, chánh kiến tà kiến không phân biệt, Phật thuyết, ma thuyết đồng giá.  Và, trong một đất nước trải qua 20 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn, dù được biện minh hay lý giải bằng bất cư lý luận gì: vì một xã hội tiến bộ được định hướng theo ý thức hệ gì, duy tâm, duy vật hay duy linh các thứ, thì thực tế không thể phủ nhận đối với ai còn đủ lương tri để nhìn lại lịch sử dân tộc, hòa bình và thống nhất đã đẩy dân tộc dấn sâu vào hận thù, nghi kị kéo dài trên nửa thế kỷ vẫn chưa có dấu hiệu hòa dịu. Trong một thế giới như vậy, một đất nước như vậy, chúng đệ tử Phật, trực tiếp hoặc gián tiếp, có ý thức hay không ý thức, dễ bị cuốn hút trong vòng xoáy của danh vọng và lợi dưỡng, đã minh giải những giá trị chân thật được tác thành bởi Minh và Hành xuất thế bằng những giá trị thế tục; từ nơi đó khoét sâu và làm vỡ cộng đồng hòa hiệp mà đức Thích Tôn đã thiết lập bằng Pháp và Luật thiện thuyết.

Tự thể bị tổn thương, cùng với tác động ngoại tại bởi những thông tin nhiễu loạn, sự phân hóa nội bộ càng lúc càng trầm trọng, cho đến lúc, vô khả nại hà, đức Đệ ngũ Tăng thống đã ban hành quyết định lịch sử: giải thể toàn bộ nhân sự và đình chỉ mọi hoạt động Viện Hóa Đạo, đồng thời với Di chúc quyết định Ủy thác quyền điều hành Viện Tăng Thống cho HT. Thích Tuệ Sỹ “đứng đầu vào vị trí của Viện Tăng Thống bảo đảm tiếp tục sứ mệnh của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong tương lai “… “Bất cứ lúc nào, khi hội đủ điều kiện thuận duyên HT. Thích Tuệ Sỹ thay mặt Viện Tăng Thống triệu tập đại hội bất thường để bầu cử nhân sự mới cho tất cả chức vụ trong Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.”

Phụng hành Di chúc Ủy thác, cùng với các tâm thư của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ gởi bốn chúng đệ tử, trong những ngày tháng cuối cùng, với ước nguyện Tăng-già hòa hiệp thanh tịnh, là sở y để chúng đệ tử hành Đạo và hoằng dương Chánh Pháp.

Bản thể thanh tịnh hòa hiệp của Tăng-già không thể y cứ trên một thực thể trống rỗng. Đức Thích Tôn, đấng Đại Trí, đã thấy rõ sâu sắc nguyên nhân phát sinh, quá trình phát triển, và hậu quả của những mâu thuẫn, tranh luận và tranh chấp khả dĩ xảy ra giữa các chúng đệ tử, từ những mâu thuẫn về kiến giải sai biệt trong giáo nghĩa Pháp và Luật mà đức Thế Tôn đã thi thiết, cho đến những bất hòa, xung đột trong sinh hoạt thường nhật. Để dập tắt nguyên nhân và hậu quả dẫn đến bản thể Tăng-già bị vỡ, đức Thích Tôn đã thi thiết bảy nguyên tắc diệt tránh. Trong trường hợp phân hóa đạt đến cực điểm, Tăng áp dụng nguyên tắc Tì-ni “Như thảo phú địa.” Vận dụng nguyên tắc này trong bối cảnh hiện tại, y chỉ trên đạo lý “sư tư tương thừa, chủng tánh bất đoạn”, chư Tôn đức nguyên thành viên Viện Hóa Đạo được thỉnh cử từ Đại hội Nguyên Thiều, đã đồng thuận lập Ban Vận Đông Hòa Hiệp Tăng Già, với nhiệm vụ tham vấn, thỉnh vấn, đề nghị thỉnh cử Chư Tôn Trưởng Lão, Hòa Thượng, đăng lâm pháp tịch Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương, để hướng đến suy tôn Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Viện Tăng Thống, cơ quan lãnh đạo tối cao của Giáo Hội, sở y cho tất cả mọi sinh hoạt hành đạo và hoằng đạo của bốn chúng đệ tử,

Ngày 17 tháng 7 năm 2022 – Phật lịch 2566, HT. Thích Đức Thắng, Trưởng Ban Vận Động Hòa Hiệp Tăng-già, gởi văn thư Bạch trình Phật sự lên Chư vị nguyên thành viên Viện Hóa Đạo được thỉnh cử từ Đại hội  Nguyên Thiều  về  kết quả tham vấn, thỉnh vấn, đề nghị thỉnh cử Chư Tôn Trưởng Lão, Hòa Thượng, đăng lâm pháp tịch Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương, và Chư vị đã đồng thanh chuẩn thuận đề nghị danh hiệu chư Tôn đức được cung thỉnh  đăng lâm pháp tịch Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương.

Ngày 21 tháng 8 năm 2022, Phật lịch 2566, buổi lễ phát nguyện và suy tôn Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương, đồng thời suy cử Chánh Thư Ký Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống, được cử hành tại Chùa Phật Ân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Ngày 22 tháng 8 năm 2022, Phật lịch 2566, buổi lễ chính thức trao truyền Di chúc, ấn tín, và khai ấn, được cử hành tại Tổ đường Từ Hiếu, quận 8 TP. Hồ Chí Minh.

Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương thể hiện bản thể thanh tịnh hòa hợp của Tăng-già, làm sở y cho bốn chúng đệ tử hành Đạo và hóa Đạo, tác Như Lai Sứ, hành Như Lai sự.

Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương kế thừa sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của Lịch đại Tổ Sư, kế  thừa và phát huy lý tưởng phụng sự Dân tộc và nhân loại như đã được minh định bởi Hiến Chương của Giáo Hội, vì một đất nước thanh bình an lạc, vì một truyền thống nhân ái bao dung, vì một xã hội đạo đức tôn trọng phẩm giá của con người, tôn trọng các quyền tự do bình đẳng giữa người và người.

Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương, trong hiện tình của Giáo Hội, là y xứ từ đó hướng đến kiện toàn các cơ cấu Hội Đồng Lưỡng Viện của Giáo Hội vốn đã giải thể theo Quyết Định số 12/TT/VTT/QĐ, Phật lịch 2562, Saigon ngày 25/11/2018 bởi Đức Đệ Ngũ Tăng Thống.

Cho đến khi Hội Đồng Lưỡng Viện được suy tôn, các quy định của Hiến chương Giáo hội, trong Chương thứ tư, về Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương, tạm thời áp dụng tùy duyên, y chỉ Pháp và Luật mà Đức Thích Tôn đã thi thiết.

Viện Tăng Thống được điều hành bởi một vị Chánh Thư Ký, thừa uy đức ủy nhiệm của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương.

Cơ cấu lâm thời của Hội Đồng Viện Tăng Thống gồm hai Hội đồng, mệnh danh là Pháp Tòa Hoằng Pháp và Pháp Tòa Hoằng Giới, đứng đầu bởi một vị Thượng Thủ, điều hành bởi một vị Điển Tòa.

Pháp Tòa Hoằng Pháp hướng dẫn nội dung và các phương tiện thuyết giáo y chỉ nguyên tắc Khế lý và Khế cơ.

Pháp Tòa Hoằng Giới y chỉ Tì-ni tạng duy trì kỷ cương và cương lĩnh của Tăng-già, giáo giới và xiển minh ý chỉ Phật chế Tì-ni tạng, hành sự chất trực, nhu nhuyễn;  hoằng dương giới đức và truyền thụ giới phẩm cho bốn chúng đệ tử, gồm xuất gia và tại gia.

Chư Tôn Trưởng Lão, thành viên Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương, cùng bốn chúng đệ tử, bằng Bồ-đề nguyện và Bồ-đề hành, cùng hòa hợp như nước với sữa, cùng hòa hợp đồng tu, vì cứu cánh của chính mình, vì sự hưng suy của Đạo Pháp và Dân Tộc, vì sự tăng ích và an lạc của nhiều người, của mọi loài chúng sanh.

Nguyện hồi hướng tất cả phước báo có được do tu trì đến với tất cả mọi loài chúng sanh, thảy cùng tăng ích và an lạc trong tịnh lạc giải thoát. 

Phụng sự chúng sanh là cúng dường Chư Phật.

Phật lịch 2566, Tổ đường Từ Hiếu, ngày 01 tháng 09 năm 2022
Khâm thừa uy đức ủy nhiệm
Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương,
Chánh Thư Ký
Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống
Tì-kheo Thích Tuệ Sỹ

Xem bản PDF chính thức với chữ ký của HT. Thích Tuệ Sỹ