Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Hình tượng con trâu trong văn hóa Á Đông

Năm Tân Sửu 2021 được dự báo sẽ mang lại nhiều điềm lành như đức tính của loài trâu – một biểu tượng văn hóa đậm nét tại nhiều quốc gia châu Á.

Đêm 30 Tết sẽ là khoảnh khắc chuyển giao giữa năm Canh Tý 2020 và Tân Sửu 2021. Sau một năm chấn động với những ảnh hưởng chưa từng có của đại dịch COVID-19, nhiều người hi vọng, năm của con trâu sẽ mang tới màu sắc tươi sáng hơn.

Trâu là loài vật đứng thứ hai trong danh sách 12 con giáp. Bà Jupiter Lai, nhà chiêm tinh tại Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng, con trâu là tượng trưng cho sự chắc chắn, đức tính trung thành, hiền lành và cần cù. Nhiều nhà chiêm tinh khác còn đánh giá cao phẩm chất tích cực, chăm chỉ và thật thà của loài vật này.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, trâu là một trong những loài vật quan trọng nhất trong văn hóa Việt Nam nói riêng và nhiều quốc gia châu Á nói chung. Hãy cùng tìm hiểu dấu ấn của loài trâu trong một số nền văn hóa Á Đông, cũng như một số dự đoán về năm Tân Sửu qua góc nhìn của các nhà nghiên cứu và báo chí thế giới.

Con trâu trong văn hóa Á Đông

Không chỉ tại Việt Nam, con trâu còn là biểu tượng quan trọng trong văn hóa của nhiều nước phương Đông. Ở Trung Quốc, con trâu tượng trưng cho sức mạnh nhà nông, là biểu tượng cho đất đai màu mỡ và mùa màng bội thu. Tại nhiều vùng nông thôn, người nông dân Trung Quốc có một phong tục chào đón năm mới khá độc đáo, đã được duy trì nhiều thế kỷ. Họ đúc những bức tượng trâu bằng đất rồi đập vỡ chúng để đón mừng mùa vụ mới. Để rồi theo quan niệm, người Trung Quốc cũng tin vào việc đặt một bức tượng trâu xuống lòng sông sẽ ngăn được ngập lụt. Còn trong phong thủy, hình tượng con trâu được coi là có thể đem lại điềm lành và gắn với những điều ước trở thành hiện thực.

Hình tượng con trâu trong văn hóa Á Đông - Ảnh 1.
Bức bích họa tiểu đồng chăn trâu tại Di Hòa Viên, Bắc Kinh, Trung Quốc.

Cũng mang những giá trị tốt đẹp, tại Hàn Quốc, con trâu cũng có chỗ đứng vững vàng trong văn hóa, đặc biệt là qua những câu tục ngữ. Hình tượng con trâu được phác họa với những ý niệm tích cực của lòng vị tha, trắc ẩn và trung thành, bởi mối gắn kết lâu dài với con người. Rất nhiều câu chuyện xa xưa kể về các gia đình phải bán trâu làm lộ phí cho con đi học. Con trâu được coi là tài sản giá trị nhất của người nông dân.

Hình tượng con trâu trong văn hóa Á Đông - Ảnh 2.
Bức tranh người nông dân cày bừa cùng con trâu được vẽ từ thời đại Joseon (Giai đoạn 1392 – 1897) – Ảnh: Korea Times.

Với những dấu ấn rõ rệt tại hai miền đất Đông Á trên, theo thời gian, hình ảnh con trâu cũng trở nên quan trọng với văn hóa Nhật Bản. Loài vật gần gũi này được đưa vào thơ ca hay những tác phẩm điêu khắc có tuổi đời từ nhiều thế kỷ trước. Không chỉ trên khía cạnh nghệ thuật, loài trâu còn là một biểu tượng tôn giáo, được thờ cúng và xính mừng trong nhiều dịp lễ. Đó là bởi, với người Nhật, con trâu có mối liên kết khá chặt chẽ với đạo Phật.

Hình tượng con trâu trong văn hóa Á Đông - Ảnh 3.
Tượng trâu nằm trong khuôn viên của đền Fuji Omuro Sengen ở tỉnh Yamanashi, Nhật Bản – Ảnh: Japan Times.

Theo ông Mikael Bauer, phó Giáo sư chuyên về tôn giáo Nhật Bản tại Đại học McGill, Canada, hiện thân của con trâu trong Phật giáo Nhật Bản bắt nguồn từ Đạo giáo của Trung Quốc. Bản tính của trâu hiền lành, siêng năng, nhẫn nại, tượng trưng cho “tính thiện”, bản chất cơ bản của tất cả chúng sinh với niềm tin rằng bất cứ ai cũng có thể được giác ngộ. Khi một cá nhân nhận ra được tính thiện của mình, cá nhân đó sẽ được giác ngộ.

“Trong Phật giáo Nhật Bản, có thể dễ dàng tìm thấy những tác phẩm khắc họa người chăn trâu – đại diện cho chúng ta – cố gắng điều khiển đàn trâu trên con đường tu hành”, ông Bauer cho biết. “Đó cũng chính là con đường giác ngộ của chúng ta – nhận ra rằng bản thân mình có tính thiện.” Có thể hiểu quá trình thuần hóa trâu để nó chịu quy phục theo con người là một quá trình mang tính biểu tượng theo quan niệm Phật giáo. Người tu hành giống như trẻ mục đồng chăn trâu, cố gắng thuần hóa con vật qua đó thu được các giá trị trong tâm tính của mình.

Hình tượng con trâu trong văn hóa Á Đông - Ảnh 4.
Bức họa “Chăn trâu” của họa sĩ Nhật Bản Kyosai Kawanabe, sáng tác khoảng năm 1887 – Ảnh: Japan Times.

Hình tượng loài trâu trong văn hóa Việt Nam

Với người Việt, con trâu là bạn của nhà nông, là đầu cơ nghiệp. Một tài liệu của Đại học Quốc gia đã ghi nhận, con trâu bắt đầu được thuần phục cách đây 5.000 – 6.000 năm trong buổi sơ khai của nền văn minh lúa nước. Trâu được đưa vào “Kho tàng tục ngữ người Việt” với hơn 100 đơn vị câu trong hơn 16.000 câu. Tục ngữ người Việt nhắc đến trâu với thái độ thân tình mà thấm thía, còn trong ca dao là những câu gửi gắm thiết tha và sâu nặng, như là: “Trâu ơi ta bảo trâu này. Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”.

“Mục đồng chăn trâu thổi sáo” là bức tranh Đông Hồ quen thuộc trong văn hóa dân gian Việt Nam. Con trâu là bạn đồng hành của nhà nông, là một chủ thể lao động không thể thiếu. Hình ảnh của trâu len lỏi vào mọi tầng lớp xã hội. Nếu người làm nông coi con trâu là tài sản vật chất có giá trị khổng lồ thì người có địa vị lại coi trâu như một thước đo của giàu sang, phú quý. Và theo thời gian, con trâu đã trở thành biểu tượng của nền văn minh lúa nước.Con trâu gắn liền với hình ảnh làng quê Việt Nam.

Không chỉ trong những câu ca dao tục ngữ, trâu còn góp mình trong nhiều di sản văn hóa khác của dân tộc. Tài liệu của Đại học Quốc gia cũng đề cập, cách đây hơn 3.000 năm, tượng trâu nghệ thuật bằng đất nung từng xuất hiện trong các di chỉ văn hóa Đồng Đậu. Trâu được khắc lên bề mặt trống đồng, có mặt trong điêu khắc gỗ đình làng thế kỷ XVII – XVIII. Trâu cũng không thể thiếu trong nhiều hội lễ còn tồn tại đến ngày nay như hội chọi trâu ở Đồ Sơn. Còn ở thời hiện đại, khi Việt Nam đăng cai Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) 2003, Trâu vàng đã được chọn là linh vật. Tại một Đại hội quy mô, đánh dấu nước nhà hòa mình vào dòng chảy thể thao quốc tế, con trâu vẫn thể hiện được tầm vóc vững chãi của mình.

Có thể thấy, hình ảnh con trâu có thể có đôi chút sự khác biệt trong văn hóa Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản nhưng điểm chung lớn nhất và quan trọng nhất là các nền văn hóa này đều coi trâu là một loài vật có tính cách cao quý.

Ý nghĩa của năm Sửu

Năm Âm lịch 2021 sẽ là năm Tân Sửu. Trang Chinese Zodiac nhận định, bởi trâu là loài vật chăm chỉ, sự vất vả sẽ được tưởng thưởng bằng quả ngọt cho những ai chịu thương chịu khó. Nói cách khác, những người chăm chỉ sẽ là những người gặp nhiều may mắn về tài lộc trong năm nay.

Hình tượng con trâu trong văn hóa Á Đông - Ảnh 5.
Năm Tân Sửu được dự báo sẽ mang tới nhiều điềm lành – Ảnh: AFP

Trang này cũng cho biết, Sửu là con giáp gắn liền với xung lực Âm. Năm nay, mỗi cá nhân sẽ cảm nhận rõ sức nặng của trách nhiệm, bạn sẽ phải cố gắng gấp đôi để có thể gặt hái thành quả. Năm Sửu có hai màu may mắn tượng trưng là vàng và xanh lá cây. Trong phong thủy, đây là hai màu biểu trưng cho thành công và thịnh vượng. Cùng với đó, những trang sức bằng kim loại sẽ giúp đem thêm may mắn đến cho người đeo.

Một điểm rất đáng chú ý trong nhận định của trang Chinese Zodiac là sẽ không có sự kiện thảm họa nào xảy ra trong năm nay, đây là tín hiệu đáng mừng khi thế giới đang trên con đường hồi phục kinh tế sau những hệ quả của đại dịch COVID-19. Năm Tân Sửu sẽ tạo điều kiện hoàn hảo cho đà hồi phục, đồng thời cũng là một năm thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai những dự án có tầm nhìn dài hạn.

Thị trường chứng khoán dự báo tích cực trong năm Tân Sửu

Mới đây, công ty đầu tư CLSA có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) đã đưa ra dự đoán thú vị về triển vọng kinh tế năm Tân Sửu dựa trên những yếu tố phong thủy, tạo nên một biểu đồ chỉ số gọi là Feng Shui Index (Chỉ số Phong Thủy) để dự đoán thị trường chứng khoán trong năm tới. CLSA áp dụng ngũ hành – 5 yếu tố cơ bản Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ vào các ngành nghề tương thích để đưa ra đánh giá.

Cũng cần phải nói thêm, Feng Shui Index chỉ dự đoán diễn biến chỉ số Hang Seng, chỉ số chứng khoán của thị trường Hong Kong (Trung Quốc). Theo đó, năm Tân Sửu là một năm tốt cho thị trường tại đây, đạt đỉnh vào tháng 8 và sẽ kết thúc năm ở mức điểm cao hơn đầu năm. Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi Sáng, Hang Seng Index vừa có khởi đầu tốt nhất kể từ năm 1985 với một mức tăng điểm 11% vào cuối tháng 1.

Hình tượng con trâu trong văn hóa Á Đông - Ảnh 6.
Các nhà phân tích CLSA công bố Feng Shui Index (Chỉ số Phong Thủy) của thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) – Ảnh: SCMP

Tuy nhiên, có những yếu tố mà nhiều thị trường khác có thể tham khảo từ dự báo của CLSA. Bởi Sửu là con giáp có mối liên kết mật thiết với hai yếu tố Kim và Thủy, những ngành nghề tương thích như dịch vụ hậu cần, vận chuyển hay tài chính về cơ bản sẽ có một năm ăn nên làm ra.

Kể từ năm 1992, Feng Shui Index tỏ ra khá chính xác vào những năm Sửu như năm 2009 khi dự báo đà hồi phục của kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính một năm trước đó. Về cơ bản, CLSA cũng cho rằng, năm 2021 sẽ tương tự khi toàn cầu cố gắng kiểm soát đại dịch và vực dậy nền kinh tế. CLSA luôn khẳng định Feng Shui Index chỉ mang tính tham khảo và các nhà đầu tư Hong Kong (Trung Quốc) cũng coi dự báo của CLSA như một công cụ không chính thống để nắm bắt thị trường. (VTV)