Hiệu quả vắc-xin Pfizer và AstraZeneca phai dần như thế nào?
Dưới đây là các biểu đồ cho thấy hiệu quả của vắc-xin trong việc ngăn ngừa nguy cơ mắc Covid-19 hoặc giúp bệnh ít trở nặng và tử vong.
Chính phủ Anh đang phát động chiến dịch tiêm mũi tăng cường vắc-xin Covid-19 để giải quyết tình trạng khả năng miễn dịch ở một số người đã chủng ngừa đang suy yếu.
Bộ trưởng Y tế Anh, Sajid Javid, đề cập đến bằng chứng cho thấy khả năng bảo vệ do vắc-xin mang lại “giảm dần theo thời gian, đặc biệt là những người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn”.
Vì vậy, từ tuần tới, Anh sẽ tiến hành tiêm mũi nhắc lại cho nhóm ưu tiên bao gồm những người trên 50 tuổi, người có bệnh nền và nhân viên y tế.
Vương quốc Anh hiện là một trong 10 quốc gia thực hiện chiến dịch tiêm mũi tăng cường, với một liều Pfizer hoặc một nửa liều Moderna.
Nghiên cứu của Y tế Công cộng Anh vừa cung cấp thông tin về khoảng thời gian hiệu quả của hai loại vắc-xin phổ biến Pfizer và Astrazeneca với người từ 16 tuổi trở lên.
Bệnh có triệu chứng
Sau 2 tháng, cả hai loại vắc-xin đều giảm khả năng ngăn ngừa bệnh có triệu chứng. Sau 20 tuần, hiệu quả của AstraZeneca còn 50%, Pfizer còn 70%.
Nhập viện
Vắc-xin vẫn hoạt động tốt trong việc chống lại việc nhập viện. 20 tuần sau tiêm, vắc-xin Pfizer đạt hiệu quả lên tới 95%. Trong khi đó, chỉ số này ở AstraZeneca dưới 80%.
Tử vong
Cuối cùng, hai liều vắc-xin tiếp tục cung cấp khả năng bảo vệ cơ thể chống lại tử vong vì Covid-19. Chỉ số hiệu quả của vắc xin giảm rất ít trong việc ngăn ngừa nguy cơ này.
Nhóm tuổi và nguy cơ nhập viện
Hiệu quả của vắc-xin cũng phụ thuộc vào nhóm tuổi và tình trạng sức khỏe hiện tại của mỗi người. Sau 20 tuần:
Với người trên 65 tuổi, hiệu quả vắc-xin Pfizer giảm 4%, AstraZeneca giảm 15%.
Với người trên 65 tuổi, có bệnh nền, hiệu quả vắc-xin Pfizer giảm 23%, AstraZeneca giảm 20%.
Nghiên cứu cũng chỉ ra hiệu quả của Pfizer giảm 30% còn dưới 70% ở những người trên 80 tuổi. (VNN)