Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc ‘rất thấp’

Trong một lần hiếm hoi thừa nhận hiệu quả của vắc-xin phòng coronavirus do công ty Trung Quốc sản xuất rất thấp, một quan chức phụ trách kiểm soát dịch bệnh hàng đầu của nước này cho biết, chính phủ đang cân nhắc các phương án cải thiện tình hình.

Một nhân viên y tế mở hộp vắc-xin do một công ty con của Sinopharm sản xuất trong buổi tiêm chủng COVID-19 cho các phóng viên nước ngoài thường trú ở Bắc Kinh ngày 23/3. Ảnh: AP
Một nhân viên y tế mở hộp vắc-xin do một công ty con của Sinopharm sản xuất trong buổi tiêm chủng COVID-19 cho các phóng viên nước ngoài thường trú ở Bắc Kinh ngày 23/3. (Hình AP)

Theo tường thuật của hãng tin AP, tại một hội nghị hôm 10/4 ở thành phố Thành Đô, ông Cao Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc, nói “tỷ lệ bảo vệ của vắc-xin Trung Quốc không cao” .

Bắc Kinh đã phân phối hàng trăm triệu liều vắc-xin phòng COVID -19 ở nhiều quốc gia trong khi tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của vắc-xin phương Tây.

Ông Cao được dẫn lời nói: “Hiện các cơ quan chức năng đang xem xét chính thức liệu chúng ta có nên sử dụng các loại vắc-xin khác nhau từ các dây chuyền kỹ thuật khác nhau cho quá trình tiêm chủng hay không”.

Tỷ lệ hiệu quả vắc-xin của Sinovac, một hãng dược Trung Quốc, theo các nhà nghiên cứu ở Brazil, chỉ đạt 50,4%. Trong khi đó, vắc-xin do hãng Pfizer của Mỹ sản xuất đã được chứng minh là có hiệu quả tới 97%.

Ông Cao Phúc (Gao Fu), giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, phát biểu tại Hội thảo về Vac-xin và Y tế tổ chức tại Thành Đô (Chengdu), tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, ngày 10/04/2021.
Ông Cao Phúc (Gao Fu), giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, phát biểu tại Hội thảo về Vắc-xin và Y tế tổ chức tại Thành Đô (Chengdu), tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, ngày 10/04/2021. (Hình AP)

Bắc Kinh vẫn chưa phê duyệt bất kỳ loại vắc-xin nước ngoài nào để sử dụng ở Trung Quốc, nơi virus coronavirus xuất hiện từ cuối năm 2019.

Ông Cao không đưa ra chi tiết về những thay đổi có thể có trong chiến lược nhưng đã nói đến mRNA, một kỹ thuật thử nghiệm trước đây được các nhà phát triển vắc-xin phương Tây sử dụng trong khi các nhà sản xuất thuốc của Trung Quốc sử dụng công nghệ truyền thống.

“Mọi người nên xem xét những lợi ích mà vắc-xin mRNA có thể mang lại cho nhân loại”, ông Cao nói. “Chúng ta phải theo dõi một cách cẩn thận và không bỏ qua chúng chỉ vì chúng ta đã có một số loại vắc-xin rồi”.

Ông Cao trước đây đã đưa ra câu hỏi về tính an toàn của vắc-xin theo phương pháp mRNA. Ông được Tân Hoa Xã dẫn lời hồi tháng 12/2020 rằng, ông không thể loại trừ tác dụng phụ tiêu cực vì các loại vắc-xin này mới được sử dụng lần đầu trên người khỏe mạnh.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc, các blog khoa học và sức khỏe nổi tiếng cũng đã đặt câu hỏi về tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin Pfizer, sử dụng phương pháp mRNA.

Các chuyên gia nói việc sử dụng hỗn hợp vắc-xin hoặc tiêm chủng tuần tự có thể tăng tỷ lệ hiệu quả. Các cuộc thử nghiệm trên khắp thế giới đang xem xét việc phối trộn vắc-xin hoặc tiêm nhắc lại sau một khoảng thời gian dài hơn. Các nhà nghiên cứu ở Anh đang xem xét khả năng kết hợp vắc-xin Pfizer và AstraZeneca.

Công ty Sinovac nói vắc-xin phòng COVID-19 của họ an toàn ở trẻ em và thiếu niên (từ 3-17 tuổi), dựa trên dữ liệu sơ bộ và họ đã gửi dữ liệu cho các cơ quan quản lý dược phẩm Trung Quốc. Sinopharm, công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc có hai loại vắc-xin COVID-19, cũng đang điều tra tính hiệu quả vắc-xin của họ ở trẻ em. (TPO)