Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Hiệu quả chống biến chủng Delta của Pfizer bị suy yếu sau vài tháng


Với quy mô nghiên cứu trên 4.8 triệu người dân đã tiêm đủ hai liều, nhóm chuyên gia Israel kết luận hiệu quả bảo vệ của vắc-xin Pfizer bị suy yếu sau hai tháng.

Các biến chủng nCoV mới được cảnh báo có khả năng né tránh được miễn dịch tự nhiên và vắc-xin. Trong đó, Delta đang được xem là biến chủng nCoV nguy hiểm nhất, chiếm hơn 90% ca mắc mới trên toàn cầu. Trong một nghiên cứu từ Israel được công bố trên tạp chí y học New England, nhóm chuyên gia đã phân tích khả năng hiệu quả của vắc-xin Pfizer trước biến chủng Delta.

Hiệu quả bị suy yếu sau vài tháng

Nhóm chuyên gia từ Viện Công nghệ Technion, Israel, đã phân tích dữ liệu do Bộ Y tế nước này thu thập. Tại Israel, tính đến tháng 6, 5,279,926 người trên 18 tuổi đã được tiêm đủ hai liều. Nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu tiêm chủng của 4,791,398 người dân. Trong số này, 13,426 trường hợp có kết quả mắc Covid-19 và 403 người rơi vào tình trạng nặng.

Bệnh nhân tình trạng nặng được định nghĩa là người có nhịp thở trên 30 lần/phút, độ bão hòa oxy SpO2 dưới 94% hoặc tỷ lệ áp suất của oxy động mạch so với oxy được truyền dưới 300. Bất kỳ F0 nào tử vong cũng được xếp vào nhóm này.

Phân tích di truyền cho thấy tính đến tháng 6, hơn 98% ca mắc mới tại Israel nhiễm biến chủng Delta. Nghiên cứu không thực hiện trên người có tiền sử du lịch nước ngoài trong thời gian gần đây.

Nghiên cứu của nhóm chuyên gia Viện Công nghệ Technion phân tích nguồn dữ liệu khổng lồ đó là hơn 4.8 triệu người dân đã tiêm đủ hai liều vắc-xin Pfizer. Hình The Boston Globe.

Để kiểm tra khả năng miễn dịch, nhóm tác giả so sánh mối liên hệ giữa tỷ lệ lây nhiễm được xác nhận và thời gian tiêm chủng. Các yếu tố được xem xét là tuổi, giới tính, ngày có xét nghiệm Covid-19, chủng tộc.

Khi so sánh tỷ lệ lây nhiễm của những người được tiêm chủng tại các thời điểm khác nhau, nhóm chuyên gia của Viện Công nghệ Technion phát hiện con số này tăng lên rõ rệt qua thời gian.

Hai dấu mốc để họ so sánh là tháng 1 và tháng 3. Cụ thể, nguy cơ mắc Covid-19 ở người từ 60 tuổi trở lên tăng 1.6 lần sau 2 tháng tiêm hai liều vắc-xin Covid-19. Con số này tương tự với nhóm tuổi 16-39. Ở người 40-59 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh tăng lên 1,7 lần sau hai tháng tiêm chủng đủ liều Pfizer.

Tỷ lệ mắc bệnh nặng vì biến chủng Delta cũng tăng theo khi hiệu quả của vắc-xin suy yếu. Sau hai tháng, nguy cơ mắc bệnh nặng ở người từ 60 tuổi trở lên tăng 1,8 lần, 40-59 tuổi là 2.2 lần. Do số lượng nhỏ, tỷ lệ này không được tính ở nhóm 16-39 tuổi.

Với những thống kê trên, nhóm chuyên gia của Viện Công nghệ Technion kết luận khả năng chống lại biến chủng Delta bị suy giảm sau vài tháng tiêm liều vắc-xin Pfizer thứ hai ở tất cả nhóm tuổi.

Liều tăng cường rất cần thiết

Theo các tác giả tại Viện Công nghệ Technion, nghiên cứu của họ không phủ nhận hiệu quả bảo vệ mà vắc-xin Pfizer hay bất kỳ loại vắc-xin Covid-19 nào mang lại. Tuy nhiên, sự suy giảm khả năng bảo vệ là điều rất rõ ràng. Nguyên nhân có thể là sự suy giảm hiệu giá của các kháng thể trung hòa đặc hiệu SARS-CoV-2 theo thời gian. Đây là điều không thể tránh khỏi.

Do đó, nhóm tác giả nhấn mạnh thông tin trên có ý nghĩa quan trọng với các nhà hoạch định chính sách y tế công cộng và nhân viên y tế. Họ ủng hộ việc tiêm chủng liều thứ 3, thậm chí thứ 4 sau tối đa 6 tháng để có thể duy trì hiệu quả bảo vệ. Đây cũng là chiến lược mà các nước như Israel, Anh hay Mỹ đang thực hiện.

Trong cuộc phỏng vấn với chương trình This Week của đài ABC tối 26/9, ông Albert Bourla, Giám đốc Điều hành, Chủ tịch hãng dược Pfizer, dự báo thế giới sẽ quay lại cuộc sống bình thường trong vòng một năm nữa và vắc-xin Covid-19 có thể cần tiêm nhắc lại thường niên. “Chúng ta sẽ có những loại vắc-xin với hạn sử dụng ít nhất một năm. Theo tôi, kịch bản khả dĩ nhất là tiêm chủng hàng năm”, vị chuyên gia nói.

Nhóm chuyên gia tại Israel ủng hộ quan điểm tiêm liều tăng cường để tăng khả năng bảo vệ của vắc-xin Covid-19 trước biến chủng. Hình Scientific American.

Kết quả nghiên cứu của Israel trùng khớp với dữ liệu trước đó mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC) công bố cuối tháng 9. Theo CNN, ông Ruth Link-Gelles, cố vấn của Nhóm hiệu quả vắc-xin tại CDC nhận thấy sau 6 tháng tiêm đủ hai liều vắc-xin mRNA, hiệu quả bảo vệ của chúng suy giảm, nhất là Pfizer.

Báo cáo của CDC cho hay vắc-xin Pfizer có khả năng bảo vệ khỏi nguy cơ nhập viện cho nhóm 18-64 tuổi là 92% và 77% với người trên 65 tuổi.

Một nghiên cứu khác có tên Ivy được thực hiện tại 18 tiểu bang ở Mỹ cũng cho thấy hiệu quả của vắc-xin Pfizer sau 14-120 ngày tiêm mũi thứ 2 là 91%. Tuy nhiên, sau 120 ngày, tỷ lệ bảo vệ chỉ còn 77%.

Một nghiên cứu tại Vương quốc Anh được công bố trên tạp chí y học New England vào tháng 7 cũng chỉ ra điều này. Nghiên cứu kết luận biến chủng Delta gây nguy cơ nhập viện gấp hai lần so với Alpha. Họ nhấn mạnh vắc-xin vẫn có hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ nhập viện, lây nhiễm do biến chủng Delta gây ra. Song, mức độ bảo vệ khỏi lây nhiễm của Pfizer, AstraZeneca bị suy giảm trước biến chủng Alpha. Khả năng này trước biến chủng Delta còn thấp hơn 13% so với Alpha.

Trong đó, hiệu quả của vắc-xin Pfizer giảm từ 92% xuống 79%. Tác dụng bảo vệ khỏi nguy cơ nhập viện trước biến chủng Delta chỉ được ghi nhận sau 28 ngày tiêm mũi vắc-xin Covid-19 đầu tiên. (Z/N)