Thursday, March 28, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

HẠNG NHẤT: Hà Nội đứng đầu thế giới ô nhiễm không khí


Sáng Thứ Ba 26/10, nhiều ứng dụng xếp Hà Nội đứng đầu thế giới về mức độ ô nhiễm không khí, gây hại cho sức khỏe người dân.

Lúc 8h ngày 26/10, các ứng dụng theo dõi ô nhiễm không khí như PAM Air, Air Visual… đều đưa ra mức cảnh báo ô nhiễm nghiêm trọng đối với Hà Nội.

Cụ thể, ứng dụng Air Visual của Tổ chức quan trắc chất lượng không khí thế giới áp dụng cách tính giá trị AQI của Mỹ đưa mức cảnh báo ô nhiễm không khí tại Hà Nội màu đỏ – mức xấu, giá trị AQI là 190. Theo ứng dụng này, Hà Nội đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí.

Các điểm quan trắc của PAM Air cho kết quả giá trị AQI cao, ô nhiễm ở mức rất có hại cho sức khỏe là khu vực Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đo được AQI là 289; Khu vực Hệ thống liên cấp Lômônôxốp (quận Hà Đông) cho kết quả AQI là 235; Khu vực Ngã Tư Sở (quận Thanh Xuân) đo được giá trị AQI là 220…

Càng gần trưa, khi mức độ ô nhiễm không khí ở nhiều thành phố được Air Visual đưa mức cảnh báo thấp xuống thì Hà Nội vẫn duy trì ở mức xấu. Đến 11h, Hà Nội xuống vị trí thứ 4 trong tổng số 10,000 thành phố ô nhiễm không khí nhất trên thế giới với AQI là 170, nồng độ bụi mịn là 217.2 µg/m³.

Lúc 8h ngày 26/10, Hà Nội đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí.

Theo TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), từ khoảng tháng 10 Hà Nội bước vào mùa ô nhiễm, nhiều ngày trong tháng chất lượng không khí không tốt.

“Nguyên nhân khiến chất lượng không khí tại Hà Nội xấu do hoạt động công nghiệp, giao thông, xây dựng, đốt rơm rạ khi một số nơi tại Hà Nội đang bước vào mùa gặt. Mọi năm ô nhiễm không khí đến sớm hơn vào khoảng tháng 9,10 nhưng thời gian qua do ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến một số hoạt động ngừng trệ nên chúng ta có những ngày không khí tốt. Mấy ngày nay ở các tỉnh miền Bắc, đặc biệt tại Hà Nội trời hanh khô, sản xuất phục hồi, giao thông trở lại mật độ như trước chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng không khí”, ông Tùng nhấn mạnh.

Từ năm 2019 đến nay, Hà Nội liên tiếp phải trải qua nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng với mức AQI lên tới gần 400. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, người dân, nhất nhóm người già, trẻ em, người đang mắc bệnh hô hấp mãn tính nên hạn chế ra ngoài vào thời điểm này. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, mọi người cần trang bị mũ, áo, khẩu trang và kính để hạn chế tác hại của ô nhiễm không khí. (VTC)