Hai thập kỷ Mỹ chống khủng bố: 1 Triệu người chết, tốn 8 nghìn tỷ USD và một thất bại mới
Gần một triệu người chết trên toàn cầu và trên thực tế còn có thể cao hơn rất nhiều, 8 nghìn tỷ USD (khoảng 30 lần GDP của Việt Nam năm 2020) tiêu tốn suốt hơn 20 năm nước Mỹ chống khủng bố. Nhưng hôm nay, khi cả nước Mỹ và thế giới nhắc nhở nhau về nỗi đau của thảm kịch khủng bố 11/9, giết hàng ngàn người giữa trung tâm New York, chúng ta không thể không thừa nhận rằng nước Mỹ đã dùng một thất bại mới để kỷ niệm một thảm họa cũ… Đáng lo ngại là thất bại mới này rất có thể mở ra các thảm họa không mong muốn mới cho nhân loại!
Ngày 1/9, 2 ngày sau khi Mỹ kết thúc rút quân khỏi Afghanistan, một báo cáo mới nhất, ‘Dự án Chi phí Chiến tranh’ đã đưa ra những con số đáng kinh ngạc về những tổn thất người và của của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu do Hoa Kỳ dẫn đầu từ năm 2001. ‘Dự án Chi phí Chiến tranh’ là dự án nghiên cứu do Đại học Brown thực hiện về tác động kinh tế và con người của các hoạt động quân sự sau sự kiện 9/11/2001, bao gồm các cuộc chiến tranh quân sự của Mỹ ở Iraq, Syria, Afghanistan, Pakistan, Somalia. Theo báo cáo, các cuộc chiến này đã giết chết gần 1 triệu người và tiêu tốn hơn 8 nghìn tỷ USD.
Mặc dù những tổn thất kinh tế của cuộc chiến chống khủng bố là đáng kinh ngạc, nó vẫn không nghiêm trọng bằng những tác động trực tiếp của cuộc chiến đến con người, được tính bằng số người thiệt mạng, bị thương và bị tan cửa nát nhà.
Ước tính mới nhất của Dự án Chi phí Chiến tranh cho rằng 897,000 đến 929,000 người đã thiệt mạng trong các cuộc chiến. Trong số những người thiệt mạng, 387,000 người được phân loại là dân thường, 207,000 người là thành viên của lực lượng quân đội và cảnh sát quốc gia, và 301,000 người khác là các chiến binh đối lập bị giết bởi quân đội liên minh do Mỹ dẫn đầu và các đồng minh của họ. Báo cáo cũng cho thấy khoảng 15,000 quân nhân và nhà thầu của quân đội Hoa Kỳ đã thiệt mạng trong các cuộc chiến, cùng với một số lượng tương tự quân đội đồng minh phương Tây và hàng trăm nhà báo và nhân viên cứu trợ nhân đạo. Báo cáo cho biết, con số trên có thể thấp hơn nhiều lần so với con số thực tế.
Cái giá của gần 1 triệu sinh mệnh và hàng nghìn tỷ đô la là gì?
Nhớ lại cách đây 20 năm, sáng ngày 10/11 giờ Việt Nam (chiều tối ngày 9/11 ở New York), tất cả chúng ta đều ngước lên màn hình tivi và tin rằng những gì mình chứng kiến được trích từ một bộ phim hành động của Holywood: chiếc máy bay đâm vào tòa tháp đôi, biểu tượng thương mại và tài chính, nằm giữa trung tâm quyền lực của nước Mỹ và thế giới.
Và ngay sau đó, tất cả chúng ta phải chấp nhận rằng đó là một cuộc tấn công khủng bố trực diện nhắm vào nước Mỹ, đó không phải là kịch bản giả tưởng, nó đã xảy ra. Hàng người đã chết, hình ảnh những nạn nhân rớt khỏi tòa nhà khiến vẫn khiến chúng ta ám ảnh sau hai thập kỷ. Kể từ đó, 11/9 trở thành cái mốc của nỗi đau, nó nhắc nhở chúng ta sự hiện diện của khủng bố, sự mỏng manh của sinh mệnh và trách nhiệm của mỗi người, dân tộc, quốc gia cũng như thế giới này trước cái ác.
Tôi khi đó là du học sinh Việt Nam tại Sydney, Úc. Tôi nhớ, sáng sớm ngày 12/9 (chiều tối ngày 11/9 ở New York), khi tỉnh dậy chuẩn bị đến lớp thì thấy có tin nhắn của người bạn cùng lớp. Tin nhắn khiến tôi bàng hoàng vì cuộc khủng bố và bạn tôi có thể đã mất người thân đang ở New York. Sáng hôm đó trường UTS, Sydney, Úc nơi tôi đang theo học vắng lặng, các buổi học đều hoãn. Nhiều giảng viên và sinh viên trường tôi khi đó có người thân là nạn nhân của Tòa Tháp đôi bị khủng bố đánh sập. Tôi nhớ, cả ngày hôm đó tôi ôm TV cùng mấy bạn cùng căn hộ để theo dõi vụ khủng bố của Al-Qaeda nhắm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001.”
Mười năm sau, được tin Osama Bin Laden, thủ lĩnh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda, kẻ chủ mưu của vụ tấn công đã bị quân đội Mỹ hạ thủ ở Pakistan và sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan là để giúp tái thiết lập đất nước Hồi giáo dân chủ sau chế độ cai trị tàn bạo và áp đặt Luật Sharia hà khắc của Taliban, cởi trói cho chế độ áp bức phụ nữ tại quốc gia này. Tôi cảm thấy vô cùng vui mừng khi nhớ lại mấy cô bạn người Afghanistan học chung thời đại học ở Liên bang Nga, một trong số họ từng bị các bạn đồng hương ném đá vì có bạn trai là người Nga.
Mùa hè năm nay, liên tục có tin tức về kế hoạch rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan của chính quyền Biden để kết thúc 20 năm can dự quân sự vào quốc gia này. Trên các trang tin như Reuters, BBC, Aljazera, vnexpress và NTDVN thường xuyên xuất hiện những báo cáo và bình luận về Taliban như Taliban là ai? (BBC), Quay lại thời kỳ khủng bố: Taliban khoe khang một cách bệnh hoạn rằng họ đang ‘giải phóng’ Afghanistan với những hình phạt được khôi phục như treo cổ, ném đá tới chết, và phanh thây (The Sun), Sau chuyến thăm chính thức tới Bắc Kinh, liệu bàn tay đẫm máu của Taliban có được tẩy trắng”? (NTDVN), Giám đốc CIA cảnh báo Taliban đang ở thế mạnh nhất về quân sự trong nhiều thập kỷ (Epoch Times), v.v..
Đặc biệt là từ ngày 7/8, trang nhất của các hãng tin lớn như Reuters, BBC, Aljazeera đều liên tục cập nhật các bản tin về các cuộc tấn công thần tốc chiếm đóng dễ dàng các thủ phủ của các tỉnh lỵ Afghanistan. Ngày 15/8, các trang nhất của các hãng tin đồng loạt đưa tin Taliban đã chiếm thủ đô Kabul, 1 tuần sau khi tổ chức các cuộc tấn công chiếm hầu hết các tỉnh thành và tiến về Kabul, chiếm dinh Tổng thống và tuyên bố kết thúc chiến tranh.
Vào thời điểm này, Tổng thống Ashraf Ghani của Afghanistan do Mỹ dựng lên đã bỏ chạy ra nước ngoài lánh nạn. Vào thời điểm này, Biden còn hơn 2 tuần để kết thúc chiến dịch rút quân hoàn toàn từ Afghanistan. Vào thời điểm này, Mỹ gấp rút sơ tán Đại sứ quán ra sân bay Kabul để tiếp tục đưa người sơ tán khỏi quốc gia đã rơi vào tay Taliban, người dân Afghanistan, những người đã và đang làm việc cho Mỹ và đồng minh NATO hoảng sợ chạy đến sân bay Kabul với hy vọng thoát khỏi ách kìm kẹp và sự thanh trừng của Taliban. Trong tuyệt vọng, nhiều người thốt lên: “Họ đã bán đứng chúng tôi cho Taliban”.
Cũng vào thời điểm này, Tổng thống Biden đang trong kỳ nghỉ dưỡng 2 tuần tại trại David và ông chỉ về Washington để phát biểu trước toàn dân về cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Afghanistan, nơi ông lên tiếng bảo vệ kế hoạch rút quân của mình và đổ lỗi cho các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của Afghanistan “đã bỏ cuộc và tháo chạy khỏi đất nước” khiến cho Afghanistan “sụp đổ nhanh hơn tưởng tượng”. Ông cũng đổ lỗi cho cựu Tổng thống Trump vì ông Trump đã đàm phán một thỏa thuận rút quân với Taliban.
Ngày Chủ Nhật 15/8 cũng là ‘ngày tận thế’ của bao người. Các báo cáo cho biết có giao tranh ở sân bay Kabul đang hỗn loạn với máy bay quân sự Mỹ và đồng minh sơ tán người về nước và người dân Afghanistan tuyệt vọng giẫm đạp lên nhau để giành cơ hội lên máy bay thoát thân. Ít nhất có 7 người Afghanistan đã thiệt mạng trong sự hỗn độn ở sân bay Kabul ngày 15/8. Cuộc rút quân của ông Biden trở thành thảm cảnh lịch sử với vụ đánh bom cảm tử của nhóm khủng bố địa phương ISIS ngày 27/8 khiến 13 binh sĩ Mỹ, 2 người Anh và 170 người Afghanistan thiệt mạng.
Cả thế giới đều ngỡ ngàng trước ‘thành công’ của Taliban và sự thất bại thảm hại của quân đội Mỹ. Ông Biden đã phải đối mặt với sự chỉ trích sâu rộng từ giới chức của chính Đảng Dân chủ của ông và Đảng Cộng hòa, cũng như của thế giới phương Tây và của Trung Quốc. Ông cũng phải đối mặt với lời kêu gọi từ chức “trong hổ thẹn” của cựu Tổng thống Trump và các quan chức khác của Mỹ.
The Western Journal đưa tin, ngày 7/9/2021 lúc 6:10 chiều, Taliban được cho là có kế hoạch tổ chức lễ nhậm chức chính phủ lâm thời mới vào thứ Bảy ngày 11/9, nhân kỷ niệm 20 năm vụ tấn công 11/9 làm sập tòa Tháp Đôi Trung tâm Thương mại Thế giới, giết chết gần 3,000 người Mỹ và gây ra vết thương lòng cho đất nước Hoa Kỳ.
Hồi đó, phản ứng của Hoa Kỳ rất ấn tượng và dứt khoát. Sau khi Taliban từ chối lật tẩy thủ lĩnh al-Qaeda, Osama bin Laden, kẻ chủ mưu vụ đâm máy bay ngày 11/9, người Mỹ đã xâm lược đất nước Afghanistan. Lực lượng Đặc nhiệm Hoa Kỳ đã hợp tác với các chiến binh của Liên minh phương Bắc Afghanistan và giáng những đòn tàn khốc đầu tiên vào chế độ ngoài vòng pháp luật. Một liên minh rộng lớn hơn do Mỹ dẫn đầu, bao gồm các đồng minh NATO, đã lật đổ Taliban trong vòng hai tháng.
Bây giờ, 20 năm sau, Taliban đã trở lại nắm quyền và mạnh hơn về mặt quân sự nhờ hàng chục tỷ thiết bị của Hoa Kỳ mà chính quyền Biden để lại cho quốc gia này.
Cựu cố vấn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và là người gốc Afghanistan Arash Yaqin không thể không ghi nhận sự trớ trêu đáng buồn của việc Taliban chính thức tái lập chính phủ lâm thời vào ngày 11/9.
“Để tượng trưng cho cuộc chiến chống khủng bố, Taliban đang lên kế hoạch tổ chức lễ nhậm chức của chính phủ lâm thời vào thứ Bảy, ngày 11/9, nhân dịp 20 năm ngày 11/9”, ông Yaqin viết trên Twitter hôm thứ Ba ngày 7/9, The Western Jourrnal đưa tin.
Thứ nhất, Taliban có nhiều quyền kiểm soát lãnh thổ hơn so với những gì họ đã làm vào ngày 11/9/2001.
Thứ hai, Taliban được trang bị vũ khí tốt hơn. Theo Reuters, các quan chức Mỹ ước tính, quân khủng bố Taliban hiện đang kiểm soát phần lớn quốc gia vùng Trung Đông bị tàn phá bởi chiến tranh, hiện đã chiếm giữ được 2,000 xe bọc thép và gần 40 máy bay, bao gồm cả trực thăng chiến đấu Black Hawks và máy bay không người lái ScanEagle đắt tiền. Kể từ năm 2003, Mỹ đã cung cấp hơn 600,000 vũ khí bộ binh như súng trường, 162,000 thiết bị liên lạc và 16,000 kính nhìn xuyên đêm cho lực lượng an ninh Afghanistan.
Thứ ba, cô James cho biết: “Và tệ hơn nữa, bây giờ Taliban sẽ có hàng trăm con tin người Mỹ mà nó không có vào năm 2001. Con tin mà Tổng thống Biden đã bỏ rơi. Các con tin mà Taliban sẽ sử dụng để trao đổi tiền và vũ khí của Mỹ để thực hiện nhiều vụ tấn công khủng bố hơn”.
Theo BBC, ngay sau khi chiếm được Kabul, phiến quân bắt đầu thả các tù nhân tại nhà tù Pul-e-Charkhi, nơi, CNN cho biết hồi đầu tháng 7, có khoảng 5,000 đến 7,000 tù nhân đang bị giam giữ, bao gồm cả “các nhân vật cấp cao của al Qaeda và Taliban” tại nhà tù lớn nhất Afghanistan này. Những tù nhân của phe Hồi Giáo và những người được phóng thích lập tức lại tham gia phong trào. thánh chiến. Đối với thánh chiến quốc tế, chiến thắng của Taliban cũng quan trọng như của IS tại Irak và Syria. Hàng ngàn quân thánh chiến có thể sẽ đổ về Afghanistan để được huấn luyện quân sự, hợp với 10,000 phiến quân đã có mặt tại Afghanistan thuộc 20 nhóm thánh chiến nước ngoài, trong đó có Al Qaeda và IS.
Một thất bại mới dùng để kỷ niệm một thảm họa cũ
Khi ấn định ngày rút quân là 11/09 rồi sau đó nhích lên 30/08, có lẽ ông Biden muốn gởi đi một thông điệp mạnh mẽ: Hoa Kỳ lật sang trang mới sau cuộc chiến dài nhất trong lịch sử, được bắt đầu sau vụ tấn công của Al Qaida năm 2001. Nhưng sự sụp đổ nhanh chóng của Afghanistan là một đòn hết sức nặng nề. Thất bại này có nguy cơ làm hoen ố cả nhiệm kỳ Biden. Các đối thủ của Mỹ như Trung Quốc, Nga nhân đó có thể mở rộng ảnh hưởng, như đã làm tại những nơi bị phương Tây bỏ rơi.
Theo Daily Mail của Anh Quốc, nhân vật truyền thông Anh và người từng đoạt giải “Người tập sự nổi tiếng” Piers Morgan lập luận mạnh mẽ rằng việc Joe Biden xử lý việc rút quân khỏi Afghanistan có thể đánh dấu sự kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của ông.
“Sự thất bại này chắc chắn là lỗi của Tổng thống Biden và hiện ông ấy đang phải gánh chịu những hậu quả tức thì, có thể là thảm khốc về mặt chính trị”, Morgan viết hôm thứ Hai ngày 6/9 trên Daily Mail.
“Hai mươi năm kể từ ngày 11/9, ông Biden đã khiến nước Mỹ trở nên yếu ớt, không có xương sống, hèn nhát và không trung thành”.
Với ngày kỷ niệm cuộc tấn công ngày 11/9 đang đến gần vào thứ Bảy tuần này, Taliban hiện chiếm khá nhiều toàn bộ lãnh thổ Afghanistan, bao gồm cả đại sứ quán Mỹ ở Kabul.
“Thật không gì tồi tệ và nhục nhã bằng một ngày đau buồn khắc sâu trong tim mỗi người Mỹ giờ trở thành một điều đáng xấu hổ”, Morgan viết.
“Nó có thể khiến Biden phải trả giá bằng ghế Tổng thống của ông, và nên là như thế”.
Trung Quốc gọi việc rút quân là một “thất bại nhục nhã” đối với Hoa Kỳ và được cho là đang tìm cách chiếm Căn cứ Không quân Bagram, nơi Mỹ đã bỏ lại hàng triệu thiết bị và hàng trăm phương tiện bọc thép. Việc nắm giữ thiết bị bị bỏ rơi này có thể cung cấp những hiểu biết sâu sắc về khả năng của Hoa Kỳ và giúp Trung Quốc có một thế mạnh trong cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc trên thế giới, theo U.S. News and World Report.
Nikki Haley, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ, tuần trước đã dự đoán rằng Trung Quốc sẽ “thực hiện một động thái” như vậy đối với Căn cứ không quân Bagram.
Bắc Kinh đã bắt đầu thân thiện với Taliban, bao gồm cả việc viện trợ nhân đạo 31 triệu USD cho Afghanistan, tờ South China Morning Post đưa tin.
Ngoài ra, Trung Quốc không phải là đối thủ duy nhất của Mỹ được hưởng lợi từ thảm cảnh rút quân của Tổng thống Joe Biden. Theo The National Interest, Iran được cho là đã mua các thiết bị quân sự bị bắt giữ của Mỹ từ Taliban.
Biden đã thực sự chọn ngày 11/9 này là ngày ông muốn tất cả các lực lượng Hoa Kỳ triệt thoái khỏi Afghanistan. Vâng, quân đội đã tuân theo mệnh lệnh, và ông ấy đã có được “sự kết thúc” mang tính biểu tượng của mình cho Chiến tranh Afghanistan.
Nhưng đó là một chiến thắng kiểu Pyrros khi bằng những phí tổn khổng lồ, ông để Taliban trở lại nắm quyền kiểm soát và, ít nhất là vào lúc này, mạnh hơn bao giờ hết. Ông Biden cũng biến Afghanistan thành món quà tặng cho Trung Quốc, biến người Mỹ trở thành ‘con tin’ của Taliban. Đó là những gì đạt được với 1 triệu sinh mệnh và 8 nghìn tỷ USD cho cuộc chiến chống khủng bố kéo dài 20 năm và là một thất bại mới. Đáng ngại là thất bại mới này rất có thể sẽ là sự mở đầu cho hàng loạt thảm họa khủng bố không mong muốn mới! (Nguyên Hương, NTD)