Friday, April 25, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Hà Nội tháo bỏ bảng tuyên truyền ‘thắng đế quốc Mỹ’ dịp 30/4


Trên các trang facebook, các bình luận trở nên rộn ràng, sau khi có chuyện Hà Nội cho dựng một bảng quảng cáo cho “đại lễ” 30 Tháng Tư chỉ trong vài giờ, sau đó, đã im lặng tháo gỡ tất cả. Kể cả những tờ báo nhà nước ăn theo, chụp và đưa lại cũng xóa bài.

Hà Nội tháo bỏ bảng tuyên truyền ‘thắng đế quốc Mỹ’ dịp 30/4. Hình Tiền Phong

Tấm bảng lớn, ca ngợi ngày 30 Tháng Tư vẽ hình con chim bồ câu đậu trên một cái nón sắt có chú thích “US”. Cái nón sắt nằm trên lá cờ Mỹ cũng được mô tả là bị bắn lủng. Ở dưới có chữ “Việt Nam toàn thắng”. Theo diễn đạt này, người ta hiểu ý của chính quyền Việt Nam là tự ca ngợi đã đánh thắng Mỹ và “giải phóng miền Nam”.

Nền của bảng tuyên truyền cũng có vẽ cách điệu lá cờ hai màu xanh-đỏ của Mặt trận Giải phóng miền Nam, được coi là thành phần tiên phong trong cuộc chiến với chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nhưng cũng đã bị Hà Nội buộc giải tán sau 1975, để tránh họa về sau.

Được biết tấm pano tuyên truyền này, được dựng lên trong sáng 23 Tháng Tư, dựng ngay sát đường Đinh Tiên Hoàng, khu vực Hồ Gươm, nơi có rất nhiều người qua lại, đặc biệt là du khách nước ngoài. Nhưng đến chiều tối, người ta nhận ra bảng tuyên truyền này đã được tháo bỏ. Không có lời giải thích nào từ chính quyền Hà Nội trong hành động này.

Trước đó, ngày 22 Tháng Tư, tờ New York Times cho biết, chính quyền TT Donald Trump đã yêu cầu các nhà ngoại giao cấp cao của mình tại Việt Nam, bao gồm cả Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, không tham gia các sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày kết thúc chiến tranh. Tính theo cột mốc thời gian, có nghĩa là khi tiếp nhận tin Mỹ không tham gia “đại lễ”, thì pano “thắng Mỹ” đã lập tức xuất hiện như một sự đáp trả. Thế nhưng thái độ đáp trả này đã không kéo dài được lâu, cho thấy nội bộ của Ba Đình đã có những tranh cãi về việc không nên khiêu khích Hoa Kỳ lúc này.

Một nhóm người của nhà chức trách đến thay tấm pa nô. Hình: Chụp qua màn hình

Có không ít các bình luận từ giới trí thức Việt Nam, kể cả giới trí thức miền Bắc xã hội chủ nghĩa, rằng cách đáp trả kiêu ngạo như vậy là cách hành xử thiếu khôn ngoan. Còn có ý kiến nói, sự kiện này cũng chỉ ra sự mâu thuẫn trong nội đảng Cộng sản đang vô cùng gay gắt, giữa hai phe thân Mỹ và thân Trung Cộng.

Một người giấu tên, làm trong ngành tuyên giáo nói “Hình ảnh vận động tuyên truyền bao giờ cũng phải được ban tuyên giáo chỉnh sửa, duyệt, sau đó mới được đem ra ngoài. Việc tấm bảng tuyên truyền này xuất hiện, nó có nghĩa rằng đã có ý kiến đề nghị nhanh và được ban tuyên giáo duyệt đưa ra, rồi cũng chính ban tuyên giáo ra lệnh rút lại chứ không ai khác”.

Theo bình luận của người này, việc vẽ lá cờ Mỹ bị rách, với cái nón bị bắn lủng là hàm ý rất rõ của chuyện cố ý sỉ nhục. Tuy nhiên cũng có ý kiến bên ngoài nói thêm là việc gấp rút thực hiện pano tuyên truyền này đã dẫn đến những sai lầm cụ thể như vẽ chiếc nón sắt của lính Mỹ, nhưng lại lấy mẫu từ chiếc nón sắt SSh-39 của quân đội Hồng quân Liên Xô cũ.

Trong dịp này, ông Phó chủ nhiệm ủy ban biên giới Nguyễn Duy Chiến còn được báo chí nhà nước dẫn lời nói “Đảng đã khẳng định, chỉ có Mỹ mới là kẻ thù thôi. Chuyện Trung quốc đưa quân đánh ta chỉ là “yêu cho roi cho vọt”.

Hình: Trang Thông tin Chính Phủ.

Dễ dàng nhận thấy nội dung tự ca ngợi kỷ niệm “50 giải phóng miền Nam” của Hà Nội, đầy những ngôn ngữ thù địch được gián tiếp sử dụng bởi các thành phần dư luận viên, tuyên truyền cực đoan, như “đánh Mỹ chạy tụt quần”, “chiến thắng tuyệt đối”, “hy sinh đem lại hòa bình cho dân tộc”… còn mặt khác, giới quan chức cộng sản thì ra sức kêu gọi người dân – chủ yếu là người Miền Nam – hãy đón nhận ngày lễ này, và “phải vui”, vì đã hết chiến tranh, đã hòa bình.

Trong buổi làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương nhằm kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của Việt Nam trong 3 năm 2023-2025 vào ngày 26 Tháng Hai, ông Nguyễn Văn Nên, bí thư TP.HCM được báo chí trong nước trích lời, nói “đó là cuộc chiến vệ quốc chứ không phải thắng – thua. Ngày hòa bình, có người vui – buồn, nhưng đã 50 năm, nỗi buồn cá nhân cần hòa với niềm vui đất nước”.  Nhưng ông Nên không giải thích vì sao cuộc chiến tấn công miền Nam, tấn công Việt Nam Cộng Hòa sau hiệp ước hòa bình Paris 1973, được gọi là “vệ quốc”, và ai là kẻ thù.

Chính quyền Hà Nội đã nỗ lực tạo lý thuyết “dân tộc hạnh phúc”, và kêu gọi mọi người phải cùng vui nhân 50 năm cưỡng chiếm miền Nam, nhưng dường như lúc này thất bại. Các bình luận phản ứng, dù dè dặt nhưng xuất hiện ở nhiều trường hợp cho thấy, mọi thấy là một màn kịch “hòa bình đẹp lắm” đang được đẩy lên trong sự bất đồng hiện rõ.

Việc ra lệnh cho hàng ngàn dư luận viên, thành phần cực đoan xuất hiện ở mọi nơi hoan hô giả tạo, cũng như tấn công bất kỳ ý kiến nào khác biệt cũng cho thấy Hà Nội không hoàn toàn tự tin, dù đã cầm quyền và gắt gao trấn áp suốt 50 năm nay. (T/H, SGN)