Sunday, December 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

GHPGVNTN | Viện Tăng Thống: Tâm thư Phật đản Phật lịch 2566


Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Viện Tăng Thống

Phật Lịch: 2565 Số 16/VTT/VP/

TÂM THƯ PHẬT ĐẢN PHẬT LỊCH 2566

Nam-mô Lâm-tì-ni viên Vô Ưu thọ hạ thị hiện đản sinh
THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT

Đã hai mùa Phật đản qua nhanh, chúng đệ tử Phật, đã cùng chung cộng nghiệp trong dân tộc này, đã cùng chung trải qua những ngày tháng đau thương khổ lụy, mệnh sống được thả trôi bồng bềnh giữa lẽ sống và sự chết, tâm tư tình cảm bị bức bách giữa cái ác đang leo dần lên đỉnh cao cực ác, và những đốm lửa tàn từ tấm lòng nhân ái tương thân tương trợ vẫn còn giữ được hơi ấm tình người cho nguồn hy vọng tương lai.

Từ buổi hoang sơ, buổi đầu bình minh của lịch sử mà trí năng con người có thể tưởng tượng, chúng sinh trên mặt đất này tồn tại như những cá thể biệt lập, sống và chết theo quy luật tự nhiên như ngọn cỏ vô tri, cho đến khi ái dục tẩm ướt sắc và tâm, ý thức trỗi dậy phân biệt quanh ta những gì cùng chung máu thịt thân yêu, những gì là tha nhân đang chia sẻ hay cạnh tranh với ta những cái ta có và sẽ có thu nhặt từ ngoại giới. Từ đó, ý thức chiếm hữu và tư hữu phát sinh, cạnh tranh sinh tồn phát động. Trật tự nguyên thủy bị phá vỡ, trật tự mới cho một hình thức xã hội xuất hiện; quyền điều hành với chức năng hòa giải, xử đoán và xử trị, được trao cho một người hay một nhóm người: tham vọng quyền lực thống trị bắt đầu được ủ mầm. Đồng thời, hiểm họa tai kiếp cũng bắt đầu bén rễ: cơ cẩn đói kém do bởi tài nguyên dinh dưỡng hữu hạn trong một cương giới hạn chế của cộng đồng; chiến tranh được phát động, mở rộng quyền lực chiếm hữu để sinh tồn. Thiên nhiên ô nhiễm, tai họa ôn dịch như là hậu quả tất nhiên. Từ đó, vòng xoáy tiểu tam tai: cơ cẩn, chiến tranh, ôn dịch, đánh dấu từng giai đoạn lịch sử văn minh tiến hóa và thoái hóa của nhân loại.

Trong vòng xoáy đó, trong dòng lịch sử tiến hóa của nhân loại, ý thức con người vốn tác ý theo quy luật quan hệ duyên khởi giữa ta và thế giới quanh ta, đã tạo nên những ý thức sai biệt về tư duy tôn giáo, tư duy triết học, chủng tộc sai biệt. Nhân danh ý thức hệ cho một trật tự thế giới hòa bình, thống nhất, nhân loại đã trải qua những cuộc chiến tranh tàn bạo giữa các ý thức hệ sai biệt về tôn giáo, văn minh, chủng tộc. Ngày nay, trong hiện tại, một cuộc chiến tàn bạo đang diễn ra, sau trận ôn dịch, và hậu quả cơ cẩn đói kém đang chờ đợi trước mắt. Chủ nghĩa dân tộc văn minh, ý thức hệ tôn giáo đại đồng vũ trụ, chính nghĩa trật tự hoà bình thế giới: tất cả lý tưởng cao đẹp này không che giấu được bản chất tham vọng quyền lực thống trị bởi một cá nhân, hay bởi một ý thức chủng tộc thượng đẳng, văn minh và tiến bộ bậc nhất.

Quyền lực thống trị, từ phạm vi hạn chế trong một gia đình, dòng họ, cho đến toàn thế giới, không đơn giản chỉ là một giấc mơ không tưởng, mà nó bắt nguồn từ tình trạng phân cực xã hội do năng lực chiếm hữu. Đức Phật đã chỉ rõ nguyên nhân này: từ tham ái, khát vọng sinh tồn của mọi sinh vật, của tất cả chúng hữu tình, là nhân duyên cho chiếm hữu để sinh tồn, và chiếm hữu để tích lũy, dự phóng cho tương lai trong đời này hay thiên giới. Không một chúng sinh nào có thể chống lại bản năng sinh tồn, vì vậy, chiếm hữu là quy luật tất yếu trong thế giới cạnh tranh sinh tồn. Tất cả mọi quá trình chiếm hữu đều dẫn đến tình trạng thu nhập bất bình đẳng. Hố phân cách trong tình trạng thu nhập bất bình đẳng dẫn đến những xung đột quyền lợi, đấu tranh bạo lực.

Khi một đệ tử tại gia hỏi Phật: xin Ngài dạy cho giáo lý mà khi tuân thủ nó, những kẻ là “những chủ nhà, đang hưởng thụ dục lạc thế gian, đang ràng buộc với vợ con…” có thể sống hạnh phúc, thanh bình và thịnh vượng trong đời sống hiện tại cũng như trong tương lai. Phật dạy: người tại gia cần học một nghề tinh xảo, thu nhập hợp pháp, và phân chia thu nhập thành nhiều phần; một phần, tiêu thụ cho bản thân; hai phần, dành cho sản xuất; phần thứ tư, để dành phòng khi bất trắc: tai họa nước, lửa, trộm cướp, vua quan tịch thu; hai phần còn lại, đóng góp công ích xã hội.

Trên cơ sở này, Đại thừa Bồ-tát phân chia làm ba phạm trù chính cho sự phát triển xã hội trong sáu ba-la-mật. Trong đó, dẫn đầu là bố thí. Ở đây, bố thí không chỉ đơn giản đem của từ người có phân chia cho những người không. Nó là một khâu quan trọng trong quá trình sản xuất và tiêu thụ: tái phân phối thu nhập, hay lợi tức.

Các Luận sư Đại thừa, như Vô Trước và Thế Thân, chỉ ngay vào Kinh Kim Cang, lấy đây làm giáo nghĩa sở y, phân chia bố thí, hay tái phân phối lợi tức, chính là nền tảng cho tất cả quá trình phát triển xã hội.

Từ tài thí, cống hiến trong các hoạt động kinh tế, tăng gia khối lượng vật chất thỏa mãn những nhu cầu cần thiết cho sự sống. Kinh tế thịnh vượng là điều kiện cho một xã hội an lạc. Nhưng nếu phân phối lợi tức không như lý, do chiếm hữu bất bình đẳng của một tầng lớp quyền lực, dẫn đến hố phân cách giữa giai cấp quyền thế tự do bóc lột và tầng lớp thấp hèn cam chịu cùng khốn, mâu thuẫn và xung đột xã hội, tệ nạn xã hội, tất yếu xảy ra. Do vậy, tài thí phải dẫn đến vô úy thí.

Vô úy ở đây không đơn giản có nghĩa là không sợ hãi. Trong ngôn ngữ Sanskrit, từ này hàm nghĩa an ninh. Cho nên, vô úy thí không có nghĩa “cho một cách không sợ hãi”, như thí thân cho cọp đói. Vì vậy, vô úy thí, nên được hiểu là cống hiến, hay mang lại an ninh trật tự xã hội trên nền tảng kinh tế thịnh vượng. Trong sự cống hiến này bao hàm hai ba-la-mật: giới và nhẫn, đạo đức xã hội và bao dung. Đây là trách nhiệm của giáo dục và tôn giáo. Khi mà các nhà giáo dục biến chất thành những kẻ vô giáo dục, những nhà hoạt động tôn giáo, biểu tượng cho đạo đức xã hội, trở thành những kẻ buôn thần bán thánh, xã hội rơi vào tình trạng điên đảo, tệ nạn bạo hành, nhất định là hệ quả tất yếu.

Sau tài thí, vô úy thí, là pháp thí: cống hiến cho sự phát triển văn hóa, nghệ thuật, cho mọi hoạt động tinh thần, nâng cao trình độ kiến thức chân chính. Trong một xã hội mà tầng lớp bần cùng không được chăm sóc để nâng cao trình độ nhận thức, để thấy rõ vị trí của mình, với những quyền hạn và nghĩa vụ, thì khó mà vượt qua thân phận nô lệ, cam chịu áp bức.

Người nô lệ, trong tình trạng bị áp bức mà không thể lý giải nguyên nhân, không tìm thấy một nơi nào chắc chắn để nương tựa, ngoài ý chí nhắm mắt phục tùng; và hậu quả dẫn đến bạo hành trong phạm vi cá nhân, bạo loạn trong phạm vi một quốc độ, và chiến tranh trên quy mô thế giới, mà sự thực lịch sử đã chứng minh. Trong đó, hoạt động tôn giáo cũng đã góp phần không ít: mê tín dị đoan, tin vào sự phò hộ của ma quỷ, âm binh, âm hồn, hơn là tin vào năng lực bản thân, khả năng tạo tác và chuyển đổi nghiệp thiện hay bất thiện của chính mình.

Trong một xã hội mà thu nhập không quân phân, chiếm hữu bất bình đẳng, mê tín dị đoan là tín lý kinh doanh nhiều lợi nhuận cho các nhà hoạt động tôn giáo.

Đức Phật đã chỉ rõ: Vì sợ hãi, nhiều người tìm đến nương tựa nơi thần núi, thần rừng, thần vườn, thần cây, thần tháp miếu. Vì sao sợ hãi? Sợ già, sợ bệnh, sợ chết; những sợ hãi tiềm phục và đe dọa trong bản năng sinh tồn. Một sinh vật bé nhỏ giữa thiên nhiên đôi khi có vẻ hiền hòa, nhưng nhiều khi nổi cơn thịnh nộ hung hãn. Một cá thể thấp hèn, yếu đuối trong xã hội, không tìm thấy người bảo vệ, không tìm thấy nơi nương tựa an toàn; chỉ thấy quanh ta âm binh ma quỷ rập rình trên đầu cây ngọn cỏ, và các nhà hoạt động tôn giáo sẽ dạy cách làm thế nào để được chúng  phò hộ. Những giáo nghĩa chánh tín về thiện và bất thiện, nghiệp quả và dị thục, bị xem như những nhận thức xa vời không thực tế.

Tà tín ma quỷ, bất chấp những cảnh giác mà Đức Phật nhắc nhở không ít trong các Kinh điển, không chỉ xói mòn chánh tín nơi Tam Bảo, mà còn là yếu tố lũng đoạn kinh tế, xói mòn sinh lực quốc gia, dân tộc, sản sinh một thế hệ ươn hèn, không đủ tự lực để đứng thẳng lên với niềm tự hào lịch sử của Cha Ông.

Chúng đệ tử Phật, qua những thăng trầm của vận nước, luôn luôn tin tưởng tự tính giác ngộ trong tâm thức của mọi loài hữu tình, cái ác bất thiện rồi cũng sẽ đi qua, thiện hành và diệu hành có lúc hiện diện soi đường cho chúng sinh tiến hóa. Nhưng trong các chu kỳ thành-trụ-hoại-không, thiện và bất thiện trong guồng máy xoắn ốc xoay vòng bất tận. Mỗi thời tiểu tam tai: ôn dịch, chiến tranh, đói kém, báo hiệu một giai đoạn chuyển mình trên vòng xoáy xoắn ốc trong các chu kỳ bất tận của thế giới thành-trụ-hoại-không. Bởi vì, nếu thế gian chỉ một mực thuần khổ, Chư Phật không xuất hiện thế gian để chỉ dẫn con đường thoát khổ. Nếu thế gian chỉ một mực thuần lạc, Chư Phật cũng không xuất hiện thế gian để chỉ cho thấy đâu là an lạc giả dối và đâu là an lạc chân thật.

Phật đản năm nay, những gì an lạc trong quá khứ xa xôi đã đi qua như giấc mộng an lành, rồi những ngày tháng đau thương khổ nhục cũng đã đi qua như ảo ảnh trong sa mạc, chúng đệ tử Phật, bằng tâm tư hỷ và xả, bằng hành và nguyện thường tùy Phật học, hằng thuận chúng sinh, tự mình nâng cao phẩm chất đạo đức, tu giới, tu định, tu huệ, tăng trưởng chánh tín, dâng lên Đức Đại Giác Chí Tôn trong Ba Cõi, hồi hướng công đức đến mọi chúng hữu tình, cho tất cả được tăng ích sống an lạc trong chánh tín bất hoại, vì cứu cánh của mình và của nhiều người, trong đời này và trong vô tận đời sau.

NAM-MÔ TA-BÀ THẾ GIỚI THỊ HIỆN ĐẢN SINH
BỔN SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT

Tổ Đường Từ Hiếu, ngày 8 tháng Tư, Phật lịch 2565 (8/5/2022)
Khâm thừa Di chúc
Bỉnh Pháp Tì-kheo
Thích Tuệ Sỹ