Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

EU rút lại ‘lệnh cấm xuất khẩu vắc-xin’ sau tranh cãi với Anh

Đêm 29/01/2020 (giờ địa phương, tức 30/01 tại Úc), Chủ tịch Ủy ban châu Âu bà Ursula von der Leyen nói khẳng định EU sẽ không cấm xuất khẩu vắc-xin chống Covid-19.

EU nói việc “kiểm soát nguồn vắc-xin” chỉ là kế hoạch tạm thời, không phải “lệnh cấm xuất khẩu”.

Tuy thế, tuyên bố mới nhất của bà von der Leyen chỉ được đưa ra sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh, Boris Johnson.

Hai người đồng ý là về nguyên tắc sẽ không có “hạn chế xuất nhập khẩu” vì quyền lợi của người dân.

Vấn đề giữa Anh và EU về nguồn vắc-xin xem ra tạm được giải quyết nhưng các nước thành viên EU vẫn có thể ngăn xuất khẩu vắc-xin khỏi nước họ nếu bị thiếu.

European Commission President Ursula von der Leyen
Chụp lại hình ảnh, Chủ tịch Ủy ban châu Âu bà Ursula von der Leyen nói bà có cuộc điện đàm ‘mang tính xây dựng’ với Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Hình PA Media)

Phản ứng từ Anh, Ireland và… Trung Quốc về chuyện vắc-xin ở EU

Các chính trị gia Anh giận dữ khi nghe tin “lệnh cấm xuất khẩu” vắc-xin từ EU sẽ đặt Bắc Ireland ra ngoài khu vực thuế quan chung với EU, trên thực tế là “đặt kiểm soát biên giới trở lại” với CH Ireland ở phía nam hòn đảo.

EU lo ngại vắc-xin từ CH Ireland sẽ “bị tuồn sang Bắc Ireland thuộc Anh”, điều các báo Anh cho là vô lý.

Họ nói khả năng nếu xảy ra sẽ là “vắc-xin từ Anh bị bán sang CH Ireland”, do EU đang thiếu thuốc.

Chủ tịch Hội đồng EU, ông Charles Michel còn dọa EU “sẽ dùng biện pháp pháp lý để ngăn không cho vắc-xin được chuyển ra khỏi biên giới”.

Covid vaccine bottles
Chụp lại hình ảnh, EU lo ngại vắc-xin từ CH Ireland sẽ “bị tuồn sang Bắc Ireland thuộc Anh”, điều các báo Anh cho là vô lý. (Hình Alamy)

Một số bình luận tin rằng đây là đe dọa chặn các thùng chở vắc-xin từ nhà máy tại Bỉ, Hà Lan sang Anh.

Thủ tướng CH Ireland Micheal Martin đã bày tỏ quan ngại vì lãnh đạo EU quyết định về Điều 16 liên quan đến biên giới nước ông, thành viên EU mà không tham vấn gì với chính phủ của ông.

Về thủ tục, việc EU đơn phương kích hoạt Điều 16 của Nghị định thư về biên giới hai miền Ireland, một phần của thỏa thuận Brexit, khiến bà Arlene Foster, thủ hiến Bắc Ireland gọi hành động của EU là “thù địch”.

Các báo Anh sáng 30/01 bình luận rằng chỉ vì “sợ thiếu vắc-xin mà EU đã đơn phương ngưng một điều khoản quan trọng của thỏa thuận Brexit”.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng phê phán quyết định trước đó của EU.

Tuy tình hình nay có tạm yên vì EU “rút lời về vụ cấm xuất khẩu vắc-xin”, tổn hại về ngoại giao cho quan hệ Anh -EU đã xảy ra, như BBC News bình luận.

Cuộc chạy đua vắc-xin

Tất cả có căn nguyên từ việc EU chậm hơn Anh rất nhiều trong việc chuẩn thuận và đặt mua vắc-xin chống Covid-19.

Cuối tuần qua, EU yêu cầu công ty Astra-Zeneca của Anh và Thuỵ Điển phải chuyển cho họ 70 triệu liều vắc-xin từ Oxford và Keele trên đất Anh nhưng công ty này từ chối.

Hiện nay chương trình quản lý nguồn vắc-xin của EU gặp nhiều vấn đề và nhiều điểm tiêm chủng ở Pháp đã phải tạm ngưng.

Theo Reuters, các tiếng nói từ Pháp hỏi vì sao chính phủ Emmanuel Macron không học bài học từ đợt chống dịch năm 2020 với nạn thiếu khẩu trang và máy thở.

Illustration of a woman and a syringe
Chụp lại hình ảnh, Anh lên kế hoạch tiêm cho 15 triệu dân liều đầu tiên vào giữa tháng 2/2021, mục tiêu được đánh giá là trong tầm tay.

Nay, một số điểm tiêm của Pháp nhận được vắc-xin nhưng kim tiêm lại quá ngắn, không đúng tiêu chuẩn, khiến quan chức địa phương phải “đi lùng kim tiêm ngoài cửa hàng”.

Đức, nước đầu đàn của EU cũng chỉ tiêm được 2.4 liều trên 1000 dân, tính đến 28/01, bằng Ba Lan, thấp hơn Malta.

Cùng thời gian, Anh tiêm được cho 7,45 triệu người trong lượt đầu, cao nhất trong các nước châu Âu.

Anh lên kế hoạch tiêm cho 15 triệu dân liều đầu tiên vào giữa tháng 2/2021, mục tiêu trong tầm tay, theo đánh giá của BBC News.

Pháp lên kế hoạch tiêm cho 2,4 triệu người đến cuối tháng 2 nhưng xem ra kế hoạch này khó thành hiện thực.

Cuộc chiến vắc-xin ở EU có vẻ làm báo Trung Quốc vui.

Vẫn theo Reuters, báo chí Trung Quốc cười nhạo sự chậm chễ của EU trong chiến dịch đặt hàng và triển khai tiêm chủng sau khi một nước thành viên EU là Hungary quyết định “xé rào”, mua vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc.

EU ban đầu quyết định quản lý tổng thể nguồn vắc-xin nhưng nay, một số thành viên Đông Âu và Bắc Âu lo ngại việc chờ đợi vắc-xin từ Brussels sẽ khiến họ bị chậm trong kế hoạch tiêm chủng đại trà.

Trung Quốc cũng biếu Serbia, quốc gia có ước vọng gia nhập EU, một triệu liều vắc-xin Sinopharm.

Quyết định này nhanh chóng được chính trị hóa ở Serbia, nước không công nhận Kosovo vốn từng là một tỉnh thuộc Liên bang Nam Tư nhưng tách ra khỏi Serbia sau một cuộc chiến đẫm máu.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tuyên bố sẽ tiêm chủng cho cả cộng đồng người Serbia sống tại Kosovo, trong lúc Kosovo trông chờ EU giúp nhưng đến nay chưa thấy vắc-xin đâu. (BBC)