Đức lần đầu tiên đưa tàu chiến tới Biển Đông, tuyên bố không chấp nhận yêu sách chủ quyền Trung Quốc
Nhóm tác chiến tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth vừa đi qua Biển Đông tiến vào biển Philippines, ngày 2/8, một tàu chiến của Đức đã khởi hành tới khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và tiến vào Biển Đông.
Theo hãng tin Anh Reuters, Đức đã cùng với các nước phương Tây khác mở rộng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Ngày 2 tháng 8, Đức đã lần đầu tiên điều tàu chiến đến Biển Đông trong vòng 20 năm qua.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp Karrenbauer đã đến căn cứ hải quân ở Wilhelmshaven để tham dự lễ khởi hành của hộ vệ hạm mang tên “Bayern”. Tàu Bayern sẽ bắt đầu hành trình kéo dài 7 tháng, cập cảng các nước Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.
Bayern dự kiến sẽ đi qua Biển Đông vào giữa tháng 12 và trở thành tàu chiến đầu tiên của Đức đi qua Biển Đông kể từ năm 2002.
Bà Bộ trưởng Quốc phòng Karenbauer cho biết trong một bài phát biểu tại lễ khởi hành của Bayern: “Chúng tôi hy vọng rằng các luật quốc tế hiện hành sẽ được tôn trọng, các tuyến đường thủy sẽ có thể tự do đi lại, một xã hội cởi mở sẽ được bảo vệ và thương mại được tuân theo các quy tắc công bằng”.
Các quan chức Đức tuyên bố rằng hải quân Đức sẽ đi theo tuyến đường thương mại chung và hộ vệ hạm này dự kiến cũng không đi xuyên qua eo biển Đài Loan.
Tuy nhiên, Reuters chỉ ra rằng giới chức Đức đã nói rõ rằng chuyến đi của tàu chiến Đức tới Biển Đông nhằm nhấn mạnh rằng Đức không chấp nhận các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở đây.
Hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của Anh đã đi qua Biển Đông vài ngày trước, hiện đã đi qua eo biển Luzon và tiến vào biển Philippines.
Chỉ huy tàu HMS Queen Elizabeth, ông Steve Moorhouse ngày 1/8 đã đăng trên Twitter rằng nhóm tấn công tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đã đi qua eo biển Luzon và tiến vào biển Philippines. Ông bày tỏ, sứ mệnh của HMS Queen Elizabeth là thể hiện sức mạnh và quyết tâm của Anh trong việc đóng góp vào an ninh của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 3/8 dẫn thông tin của báo chí Đức, hành trình của Bayern sẽ đi qua Pakistan, Australia, Guam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Singapore, Ấn Độ, đồng thời có kế hoạch tiến hành cuộc tập trận chung với các nước đồng minh. Báo Đức cũng cho biết Bayern chở theo 240 sĩ quan và binh sĩ, đã sẵn sàng đối phó với nhiều tình huống khác nhau như sự truy đuổi của tàu chiến và sự tiếp cận của máy bay chiến đấu Trung Quốc.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh, mục tiêu của sứ mạng này là hợp tác với các nước đối tác để bảo vệ luật pháp quốc tế và an ninh của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Ông cũng chỉ ra rằng trật tự quốc tế trong tương lai được quyết định ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, vì vậy Đức đã cử chiến hạm tới duy trì trật tự và tiến hành các cuộc đối thoại an ninh với Nhật Bản và Australia.
Đông Phương cho rằng việc Đức cử tàu chiến tới Tây Thái Bình Dương và Biển Đông được cho là sẽ khiến Trung Quốc bất bình. Để giữ kênh đối thoại với Bắc Kinh rộng mở, Thủ tướng Angela Merkel đã từng đề nghị Bayern tiện đường ghé thăm Thượng Hải, nhưng Trung Quốc cho đến giờ vẫn chưa trả lời. Ngoài ra, để tránh làm mất lòng Bắc Kinh, Bayern sẽ tránh eo biển Đài Loan và đến Việt Nam qua vùng biển ngoài khơi phía đông Đài Loan sau khi kết thúc sứ mệnh tại Nhật Bản vào tháng 11.
Trước đó, ngay từ đầu tháng 1, Đức đã tiết lộ rằng họ sẽ điều một tàu hộ vệ đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và các quốc gia khác vào mùa hè. Theo kế hoạch, con tàu sẽ vượt qua Địa Trung Hải và kênh đào Suez đến vùng Sừng châu Phi tham gia nhiệm vụ chống cướp biển; sau đó băng qua Ấn Độ Dương và eo biển Malacca, hướng đến Australia; sau đó đến bán đảo Triều Tiên tham gia vào hoạt động giám sát các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên trong vài tuần và vượt qua Biển Đông trên hành trình trở về. Toàn bộ hành trình sẽ kéo dài khoảng sáu tháng.
Bộ Quốc phòng Đức ngày 29/7 đưa ra tuyên bố cho biết Đức cùng với các đồng minh hy vọng sẽ thể hiện sự hiện diện nhiều hơn ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Việc triển khai tàu hộ vệ là một hành trình huấn luyện và tồn tại theo tập quán, các chuyến đi tương tự đã từng được thực hiện trong quá khứ. Hành động này phù hợp với Chuẩn tắc Ấn Độ – Thái Bình Dương mà chính phủ Đức công bố vào tháng 9 năm 2020. Helena Legarda, một chuyên gia quốc phòng ở Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc Merics Berlin cho biết: “Đây chắc chắn là động thái mà Trung Quốc hoàn toàn không thích”. Các quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Đức trước đó đã nhấn mạnh rằng tàu chiến sẽ không đi vào trong phạm vi 12 hải lý các đảo Trung Quốc chiếm giữ trên Biển Đông.
Trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 2/8 viết: “Chính phủ Đức hy vọng thông qua sứ mệnh hành trình này, thể hiện sự quan tâm của mình đối với tình hình ở vùng biển Ấn Độ – Thái Bình Dương cùng với các đồng minh. Người ta cho rằng khu vực này có tầm quan trọng sống còn đối với sự phát triển địa chính trị và kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21. Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây nên bất ổn trong khu vực. Mỹ luôn cố gắng sử dụng biện pháp răn đe quân sự để kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các đồng minh ủng hộ. Ngoài Mỹ, Pháp và Anh cũng đã cử các nhóm tác chiến tàu sân bay đến vùng biển này.
Đối với quân đội liên bang Đức mà sức mạnh hải quân đang suy giảm, hiện chỉ có hai tàu có khả năng thực hiện các nhiệm vụ viễn dương, trong đó có tàu Bayern được đưa vào sử dụng năm 1996.
Der Spiegel đưa tin, chuyến đi của Bayern tới châu Á là một tín hiệu chính trị. Một mặt, Mỹ và các đồng minh châu Âu luôn mong muốn Đức tham gia nhiều hơn vào các vấn đề châu Á – Thái Bình Dương. Mặt khác, Australia, Nhật Bản, và Hàn Quốc cũng mong muốn Đức trở thành “Đối tác quan niệm giá trị” có thể thể hiện hơn tinh thần đoàn kết. Quan trọng hơn là, Đức cũng muốn nói rõ với Bắc Kinh rằng Đức sẽ nghiêm túc bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Mặc dù Trung Quốc ở cách xa hàng nghìn dặm, nhưng sự phát triển của tình hình ở Viễn Đông có mối quan hệ trực tiếp với Đức, một nước xuất khẩu lớn. Chuẩn tắc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do chính phủ Đức công bố vào tháng 9/2020 nêu rõ: “90% thương mại toàn cầu được thực hiện bằng đường biển và hầu hết được thực hiện đi qua Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Một khi kênh hàng hải bị cản trở, chuỗi cung ứng đến và đi từ châu Âu sẽ bị chặn. Cuộc sống và nguồn cung cấp của người dân Đức sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Kế hoạch điều tàu chiến đến vùng biển Ấn Độ – Thái Bình Dương đã gây tranh cãi trong chính phủ liên bang. Rolf Mutzenich, chủ tịch nhóm nghị sĩ của Đảng Dân chủ Xã hội, một đối tác trong liên minh cầm quyền, nói rằng kế hoạch của Bộ trưởng Quốc phòng Đức yêu cầu Đức tham gia vào các vấn đề Ấn Độ – Thái Bình Dương “gợi cho tôi ý tưởng về việc Hoàng đế Wilhelm muốn có một vị trí ở Đông Á”. Ông chỉ trích:“ Nếu Bộ trưởng Quốc phòng muốn áp dụng chiến lược ngăn chặn quân sự chống lại Trung Quốc, thì đối với tôi, bà ấy đã đi quá xa ”.
Mutzenich nói với Frankfurter Allgemeine Zeitung: “Điều rất quan trọng là không nên làm gia tăng căng thẳng bằng hành vi khiêu khích vô cớ”. Thực tế, hành vi “phất cờ” lần này của Bayern vốn rất thận trọng. Theo Frankfurter Allgemeine Zeitung, tàu hộ vệ này sẽ không thăm Đài Loan cũng như không tham gia các cuộc tập trận chung với quân đội Mỹ.
Tờ báo viết: “Điều khiến Mỹ và các đối tác châu Âu đặc biệt khó hiểu là chính phủ Đức cũng đã hỏi Trung Quốc liệu tàu Bayern có thể cập cảng Thượng Hải hay Thanh Đảo hay không. Năm 1898, Hải quân Đức ra khơi từ cảng Wilhelmshaven để đánh chiếm Thanh Đảo và thành lập một “Khu bảo hộ của Đức”. Người ta nói rằng tại đây vẫn còn một nhà máy bia của Đức được xây dựng thời kỳ đó. Bắc Kinh cho đến nay vẫn chưa trả lời yêu cầu này của Đức”.
“Đối với các đồng minh, đây là một tín hiệu tự mâu thuẫn”. Tuần báo Đức Focus nói, tàu hộ vệ Bayern đang thực hiện sứ mệnh về phía đông để thể hiện sự hiện diện của Đức ở khu vực xung quanh Trung Quốc. Tuy nhiên, sự chỉ đạo và thông tin của chính phủ Đức đối với nó không đề cập đến Trung Quốc. Đối với chuyến thăm Thượng Hải, Trung Quốc có thể đợi kết quả bầu cử Đức mới đưa ra quyết định.
Ông Lý Chính Tu (Li Zhengxiu), một nhà nghiên cứu và chuyên gia quân sự tại Quỹ Nghiên cứu Chính sách Đài Loan, phân tích cho rằng hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến Mỹ và các nước khác khá lo lắng. Ông cho rằng Biển Đông là một vị trí chiến lược, lượng hàng hóa vận chuyển hàng năm chiếm hơn 30% thương mại và kinh tế toàn cầu. Việc Trung Quốc coi Biển Đông là “nội hải” của họ, không những gây nguy hiểm cho an ninh của khu vực Đông Nam Á mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của toàn thế giới. Trên cơ sở sự bành trướng thế lực của Trung Quốc, các quốc gia EU có cùng lợi ích với Mỹ nên muốn hợp tác với Mỹ để kiềm chế hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, ông cho rằng hành động của Đức tác dụng thực sự không lớn lắm. Lý Chính Tu nói: “Họ (Đức) phải phối hợp với Mỹ để cho Trung Quốc thấy rằng họ đang nhắm mục tiêu vào các hành động của Trung Quốc”.
Theo Reuters, đáp lại việc Đức điều tàu hải quân đầu tiên tới Biển Đông kể từ năm 2002, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó đã tuyên bố: “Tất cả các nước được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế, nhưng họ không được sử dụng việc này là cái cớ để gây nguy hiểm cho chủ quyền và an ninh của các quốc gia ven biển”. (V/T)