Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Để chặn biến thể Delta phải tiêm vắc-xin gần toàn bộ dân số?

Với sự hoành hành của biến thể nguy hiểm Delta, các nước cần phải chủng ngừa cho 83%-93% dân số mới có được miễn dịch cộng đồng, thay vì mức 70% như trước đây.

Tình hình dịch COVID-19 đang diễn tiến hết sức phức tạp, đặc biệt khi biến thể Delta với khả năng lây lan mạnh và độ nguy hiểm cao đang trở thành biến thể chính hoành hành toàn cầu. Trong bối cảnh này, việc phải phủ sóng tiêm chủng nhanh để có được miễn dịch cộng đồng càng cấp bách.

Tiêm vắc-xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech tại một điểm tiêm ngừa ở Berlin (Đức). Hiện chỉ mới 52% dân số Đức được tiêm đủ hai liều vắc-xin, còn xa so với tỉ lệ cũ (70%), chưa kể mức tính toán mới (93%) để có miễn dịch cộng đồng. (Hình Reuters)

Phải chủng ngừa gần như toàn bộ dân số

Bên cạnh có độc lực mạnh hơn thì một trong những đặc tính của biến thể Delta so với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 là có khả năng lan truyền mạnh hơn. Theo quan sát và tính toán của các chuyên gia thì biến thể Delta lan nhanh và mạnh gấp đôi các biến thể khác của virus SARS-CoV-2. Dữ liệu này rất quan trọng vì khả năng lây lan tỉ lệ thuận với hệ số lây nhiễm cơ bản (R0), từ đó các nhà dịch tễ học toán học suy ra số người phải tiêm phòng để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Mùa thu năm ngoái, các chuyên gia ước tính các nước cần tiêm khoảng 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng. Giờ, biến thể Delta với các đặc trưng nguy hiểm của nó đã buộc các nước phải tăng tỉ lệ tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng, nghĩa là phải tiêm vắc-xin cho nhiều người hơn số đã định lúc trước để có thể kiềm chế dịch COVID-19. Căn cứ vào tình hình mới, các chuyên gia y tế Mỹ điều chỉnh tỉ lệ này lên tới 93%, GS John Drake tại ĐH Georgia (Mỹ) cho biết trong bài viết trên tạp chí Forbes. Đồng nghĩa tỉ lệ dân số các nước có thể không tiêm chủng chỉ 7%. Tỉ lệ 93% này cao hơn so với tỉ lệ 85% dân số phải được tiêm chủng để có miễn dịch cộng đồng được các chuyên gia dự đoán và đề cập gần đây trên tạp chí Lancet Respiratory Medicine.

Trung Quốc bắt đầu ghi nhận các ca nhiễm biến thể Delta từ tháng 5 và đến thời điểm này, các ổ dịch đã lan ra 17 tỉnh với cả ngàn ca nhiễm và vẫn đang tăng. Đầu tháng 8, nhà bệnh dịch học hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn nói Trung Quốc cần phải chủng ngừa cho 83.3% dân số mới đạt được miễn dịch cộng đồng.

Nước giàu, nước nghèo cũng sẽ rất gian nan

Mục tiêu này rất khó khăn với các nước, vì nước nào cũng có một tỉ lệ không nhỏ dân số không và chưa thể tiêm vắc-xin. Đó là trẻ em dưới độ tuổi cho phép và những người mang các bệnh dị ứng không thể tiếp nhận vắc-xin.

Chẳng hạn, Mỹ có khoảng 48 triệu trẻ em dưới 12 tuổi chưa tới tuổi tiêm vắc-xin, tương đương 15% dân số. Bên cạnh đó, 12 triệu người Mỹ trưởng thành gặp các vấn đề về sức khỏe (ghép tạng, mắc bệnh Crohn, lupus, viêm khớp dạng thấp, bệnh bạch cầu, ung thư hạch…) không thể tiếp nhận vắc-xin -tương đương 4% dân số.

Con số 19% này vượt tỉ lệ 7% cho phép không phải tiêm theo cách tính toán mới để có được miễn dịch cộng đồng. Điều này có nghĩa để khắc phục, Mỹ phải tiêm được cho tất cả những người có thể tiếp nhận vắc-xin thì mới có thể tiệm cận mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng theo cách tính tỉ lệ mới trong bối cảnh có biến thể Delta, mới choàng được cho nhóm người yếu thế không thể tiêm vắc-xin.

Điều này không dễ khi từ vài tháng nay tốc độ tiêm chủng ở các nước phương Tây chững lại. Chẳng hạn tại Mỹ, dù đã rất nỗ lực nhưng tới lúc này Mỹ vẫn chưa đạt được miễn dịch cộng đồng theo mức tính toán cũ (70%) và để đạt được theo mức tính mới (93%) thì còn gian nan hơn. Còn các nước nghèo thì còn khó hơn vì vừa thiếu vắc-xin cộng thêm một bộ phận dân có tâm lý thiếu tin tưởng vắc-xin.

Giải pháp trước mắt, các nước giàu đang tìm mọi cách liên tục vận động dân đi tiêm, từ vận động tuyên truyền tới hỗ trợ tài chính. Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa trực tiếp “năn nỉ” người dân đi tiêm vắc-xin vừa đề nghị chính quyền các bang tính toán phát ngay cho người chịu đi tiêm 100 USD. Các nước nghèo thì khẩn trương tìm nguồn mua vắc-xin về tiêm cho dân. Để hỗ trợ mục tiêu này, Sáng kiến Vắc-xin toàn cầu (COVAX) đang hoạt động rất tích cực để nhanh chóng cung cấp vắc-xin đến các nước.

“Chúng ta thật sự cần phải tiêm cho tất cả mọi người (có thể tiếp nhận vắc-xin) để bảo vệ những người khác, những người dễ bị tổn thương mà thậm chí dù họ cố gắng hết sức cũng không thể gạt hết rủi ro nhiễm bệnh.”

TS EDWARD OLDFIELD: Hãy bảo vệ những người không thể tiêm vắc-xin!

Nhiều chuyên gia y tế, trong đó có TS Edward Oldfield -chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Eastern Virginia (Mỹ) lo ngại rằng việc người đủ điều kiện tiêm vắc-xin mà từ chối không đi tiêm gây nguy hiểm đặc biệt đến bộ phận người yếu thế không đủ điều kiện tiêm vắc-xin (người có bệnh, trẻ em).

TS Oldfield hy vọng những người chưa đi chủng ngừa sẽ cảm thấy có thêm động lực đi tiêm một khi nghĩ đến trách nhiệm bảo vệ những người yếu thế này.

Ông cũng cảnh báo rằng việc nới lỏng các hạn chế ngăn ngừa dịch COVID-19 khi chưa có được miễn dịch cộng đồng đặc biệt nguy hiểm cho bộ phận người không thể tiêm vắc-xin. (P/L)