Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Đa số các thỏa thuận của Trung Quốc gặp rủi ro ‘xóa bỏ’ dưới các quyền hạn mới về chính sách đối ngoại của Chính phủ Liên bang

Hơn 130 thỏa thuận giữa các tiểu bang, vùng lãnh thổ với các chính phủ nước ngoài có thể bị “xóa bỏ” dưới các quyền lực mới về chính sách đối ngoại để quản lý “các mối đe dọa chống lại lợi ích quốc gia” của chính phủ Úc.

Trung Quốc đứng đầu danh sách của hơn 30 quốc gia hợp tác với các chính phủ ở các tiểu bang, vùng lãnh thổ, với 48 thỏa thuận đã có.

Các số liệu mới cũng tiết lộ rằng Chính phủ Queensland có nhiều thỏa thuận nhất (31) với các chính phủ nước ngoài. Chính phủ Nam Úc có 29 và hai chính phủ NSW và Victoria đều có 20.

Theo các luật mới được đề xuất, các thỏa thuận của các trường Đại học công lập, chính quyền Tiểu bang và vùng lãnh thổ và các Hội đồng Thành phố địa phương sẽ phải chịu sự kiểm tra về lợi ích quốc gia và được đưa vào sổ đăng ký công khai.

Thủ tướng Úc Scott Morrison sẽ ban hành Dự luật Quan hệ Đối ngoại tại Nghị viện Úc vào tuần tới, cho phép ông chấm dứt thỏa thuận Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) trị giá hàng triệu đô la mà tiểu bang Victoria đã ký với Bắc Kinh.

Thủ tướng Úc, ông Scott Morrison sẽ không “cân nhắc” đến các thỏa thuận cụ thể, bao gồm sáng kiến ​​Vành đai và Con đường gây nhiều tranh cãi của Victoria, nói rằng ông không muốn làm phương hại đến bất kỳ quyết định nào.

Ông nói: “Khi bất kỳ chính phủ nước ngoài nào tìm cách phá hoại chủ quyền trong chính sách đối ngoại của Úc bằng cách tìm cách thực hiện các thỏa thuận với các chính phủ cấp Tiểu bang, thì chính phủ Úc cần phải tự bảo vệ mình khỏi điều đó”.

Khi được hỏi về các luật mới này có liên quan đến Trung Quốc hay không, ông Morrison nói: “Những luật này là về lợi ích chủ quyền quốc gia của nước Úc”.

Các mối quan hệ kết nghĩa giữa các thành phố “chị em”, hợp tác du lịch và thương mại cũng như các giao dịch khoa học và giáo dục đều sẽ được xem xét lại.

Ít nhất là 5 thỏa thuận giữa Đại học Quốc gia Úc và các chính phủ nước ngoài sẽ được xem xét lại và 4 thỏa thuận tại cả Đại học Monash và Đại học Queensland.

Giám đốc điều hành của trường Đại học Quốc Gia Úc, bà Catriona Jackson, cho biết họ đang thảo luận về những “tác động” của các luật được đề xuất.

Bà nói: “Sẽ rất quan trọng khi thảo luận về các định nghĩa và quy mô chính xác của những gì các luật mới nhắm tới”.

“Các trường Đại học là đối tác bình đẳng với các cơ quan chính phủ trong Lực lượng đặc nhiệm can thiệp nước ngoài của các trường đại học, đã đưa ra các hướng dẫn mạnh mẽ dựa trên các biện pháp để giữ an toàn cho các tổ chức và tài sản trí tuệ của chúng ta”.

Phát ngôn viên đối lập vể Giáo dục, bà Tanya Plibersek nói rằng điều quan trọng là các trường Đại học phải cảnh giác với khả năng có sự can thiệp của nước ngoài vào các trường.

Bà đã yêu cầu cơ quan an ninh Úc thông báo về những rủi ro nhưng đã kêu gọi một “cách tiếp cận hợp lý và cân bằng”.

Bà Plibersek nói: “Không ai tin rằng có thể chấp nhận được sự can thiệp của nước ngoài, các chính phủ nước ngoài đang cố gắng xác định những gì được giảng dạy hoặc các cuộc thảo luận diễn ra tại các trường đại học Úc”.

“Nhưng chúng ta cũng cần phải công nhận rằng hợp tác quốc tế là một phần quan trọng của công việc học tập”.

17 Thỏa thuận được thực hiện với các Hội đồng ở Victoria sẽ được xem xét lại kỹ lưỡng, cùng với 7 ở NSW và 7 ở Nam Úc.

Hiệp hội Chính quyền địa phương Úc cho biết họ đã không được tham khảo ý kiến ​​trước khi được thông báo và không có sự quan ngại nào về mối quan hệ giữa các thành phố kết nghĩa với nhau trước đó đã được nêu ra. (NQ)