Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Cựu Tổng thống Trump trắng án trong phiên tòa đầy kịch tính.

Nguyễn Quang Duy

Cuối phiên tòa luận tội ông Trump đã “kích động bạo loạn” tại Điện Capitol một chuỗi bất ngờ đã xảy ra:

Cuộc biểu phiếu của Thượng viện đạt tỉ lệ 57-43, thấp hơn tỉ lệ hai phần ba cần thiết để khép ông Trump vào tội kích động bạo loạn sau một phiên xét xử kéo dài năm ngày.
Cuộc biểu phiếu của Thượng viện đạt tỉ lệ 57-43, thấp hơn tỉ lệ hai phần ba cần thiết để khép ông Trump vào tội kích động bạo loạn sau một phiên xét xử kéo dài năm ngày.

Thứ nhất, đảng Dân Chủ muốn mở rộng việc luận tội ông Trump dựa trên nhân chứng về những gì ông đã biết và đã hành động sau khi ông được báo tin cuộc bạo loạn đang diễn ra bên trong tòa nhà Quốc Hội.

Vì thế công tố viên Jamie Raskin đã yêu cầu Thượng viện cho phép gọi Dân biểu đảng Cộng Hòa Herrera Beutler làm nhân chứng về cuộc nói chuyện mà bà nghe được giữa ông Kevin McCarthy Lãnh đạo phe thiểu số đảng Cộng Hòa tại Hạ viện với cựu Tổng thống Trump vào trưa ngày 6/1/2021.

Phía luật sư của ông Trump phản đối việc gọi nhân chứng, họ kêu gọi Thượng Viện nên biểu quyết việc ông Trump có “kích động bạo loạn” hay không, vì nếu cần nhân chứng họ sẽ mời hằng trăm nhân chứng và như thế phiên tòa sẽ kéo dài hằng tháng.

Michael van der Veen (Luật sư của Trump) hôm Thứ Sáu 12/2/2021 nói trong phiên tòa luận tội Trump rằng Trump không hề được thông báo (hôm 6/1/2021) là Pence đang gặp nguy hiểm.

Thứ hai, Thượng Viện đã biểu quyết thông qua với số phiếu là 55/45 muốn gọi nhân chứng, Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham đảng Cộng Hòa vào phút cuối đã thay đổi ý kiến ông cũng muốn gọi nhân chứng.

Thứ ba, chỉ vài tiếng sau Thượng Viện tuyên bố các công tố viên đảng Dân Chủ và nhóm luật sư của ông Trump đã đồng ý sẽ không gọi nhân chứng.

Ngay sau đó Thượng Viện đã biểu quyết với số phiếu 57/43 cựu Tổng Thống Trump trắng án, không bị Thượng Viện kết tội đã “kích động nổi loạn” như Hạ Viện đảng Dân Chủ đã cáo buộc.

Nhìn chung cuộc luận tội luận tội lần này đầy kịch tính, từ những tranh luận vi phạm Hiến Pháp đến những quyền hạn của cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện, bài viết mong tóm tắc những điểm chính đã xảy ra trong cuộc luận tội lần này. 

Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell phát biểu sau khi Thượng Viện tha bổng cựu Tổng Thống Donald Trump. (Hình chụp từ màn hình)

Những bất thường ngay từ ban đầu

Mặc dù đã có trên 200 người bị truy tố nhưng chưa có bằng chứng nào để tòa án kết tội hay tiến hành điều tra ông Trump, Hạ Viện do đảng Dân Chủ nắm giữ vẫn dựa trên lời ông Trump phát biểu trước Tòa Bạch Ốc vào trưa ngày 6/1/2021 để làm bằng chứng luận tội.

Việc biểu quyết luận tội không cần điều tra, không cần nhân chứng, ông Trump không có luật sư bào chữa và cũng không còn khả năng lên tiếng biện hộ, vì tài khoản Twitter và Facebook của ông đều đã bị khóa.

Mới đầu, lãnh đạo Thượng viện đảng Cộng Hòa Mitch McConnell tuyên bố những kẻ gây bạo loạn đã bị ông Trump lừa dối và khuyến khích phản đối kết quả bầu cử nên ông ủng hộ việc Hạ viện luận tội nhưng ông đã từ chối mở phiên tòa tại Thượng Viện ngay trong thời gian ông Trump còn tại chức.

Sau đó ông thương lượng với đảng Dân chủ để ông Trump có thời gian tìm luật sư biện hộ và ông McConnell sau đó lại ủng hộ quan điểm ông Trump không còn là tổng thống nên Thượng Viện không có quyền xét xử thường dân và phiên tòa như thế là vi hiến.

Bước sang ngày thứ năm của phiên tòa sau khi Thượng Viện quyết định gọi thêm nhân chứng, ông McConnell tuyên bố ngược lại là ông Trump không có tội và ông sẽ bỏ phiếu cho ông Trump trắng án. 

Vụ án thiếu quan tòa…

Ngay khi đảng Dân Chủ nắm đa số Thượng Viện đã quyết định mở phiên tòa, Chánh án Tối cao pháp viện John Roberts đã chính thức từ chối chủ tọa nhưng không cho biết lý do.

Riêng việc ông Roberts từ chối chủ tọa phiên tòa đã cho thấy đây là trò chơi chính trị có thể đã vi phạm Hiến Pháp Hoa Kỳ.

Lẽ ra bà Kamala Harris, Phó Tổng thống, đương kim Chủ tịch Thượng Viện, một cựu công tố viên, sẽ là người chủ tọa phiên tòa thay ông Roberts.

Nhưng bà Harris cũng không cho biết lý do lại để Thượng Nghị sĩ Pat Leahy đã 80 tuổi thay mặt chủ tọa phiên tòa, với 9 công tố viên đều là các dân biểu Hạ Viện thuộc đảng Dân Chủ.

Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ có phiên tòa “thuần chính trị” các đảng viên đảng Dân Chủ xét xử một cựu tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa, một người không còn tại chức, ngay tại Quốc Hội Hoa Kỳ. 

Hướng tranh biện của ông Trump…

Theo tin từ Politico và CNN, luật sư Butch Bowers và các luật sư khác trong nhóm đã rút lui vì bất đồng ý kiến về hướng tranh biện trong phiên tòa tại Thượng Viện.

Ngày 31/1/2021, văn phòng của ông Trump cho biết hai luật sư David Schoen và Bruce Castor Jr. sẽ dẫn đầu nhóm pháp lý mới.

Ngày 2/2/2021, nhóm luật sư mới đã đệ trình Quốc Hội một bản dài 14 trang để trả lời 8 cáo buộc cho thấy hướng tranh biện trước phiên tòa luận tội như sau:

Thứ nhất, ông Trump đã mãn nhiệm chức vụ tổng thống nên phiên tòa luận tội là vi hiến; và

Thứ hai, những lời phát biểu của ông Trump thể hiện quyền tự do ngôn luận được Tu chính án thứ nhất bảo vệ và ông Trump có quyền đặt nghi vấn cho kết quả bầu cử trong bài phát biểu.

Ông Trump thông báo sẽ không xuất hiện trước phiên tòa mà để các luật sư đại diện tranh biện thay ông và Bản trả lời Quốc Hội cho thấy việc ông Trump muốn thay đổi nhóm luật sư để tranh biện theo hướng tranh biện chính trị cho đúng bản chất của phiên tòa. 

Vụ án vi hiến?

Ngày 9/2/2021, Thượng viện bắt đầu phiên tòa bằng cách tranh luận và biểu quyết việc xét xử một tổng thống đã mãn nhiệm có đúng với hiến pháp Mỹ hay không.

Kết quả là 50 nghị sĩ đảng Dân Chủ cùng với 6 nghị sĩ đảng Cộng Hòa đồng ý tiến hành phiên tòa.

Thượng Viện như thế đã tước quyền của Tối Cao Pháp Viện vì Hiến Pháp cho phép chỉ Tối Cao Pháp Viện mới có quyền phán quyết một việc làm có trái với Hiến Pháp hay không.

Nhưng cuộc biểu quyết cho thấy phải cần thêm 11 nghị sĩ đảng Cộng Hòa đồng ý thì mới đủ số phiếu để kết tội ông Trump, nói cách khác ông Trump có thể dễ dàng trắng án. 

Lý lẽ buộc tội…

Bước sang ngày thứ hai đảng Dân Chủ luận tội ông Trump đã gieo rắc mối nghi ngờ có gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống 2020, để “tập hợp, châm ngòi và kích động” những kẻ bạo loạn đột nhập vào Điện Capitol.

Đảng Dân chủ sử dụng các video an ninh Quốc Hội để cho thấy mức độ nghiêm trọng do những người bạo loạn gây ra.

Đảng Dân chủ cáo buộc ông Trump chính là tổng tư lệnh của một cuộc nổi dậy đã gây hậu quả 5 người chết trong đó có 1 cảnh sát viên với một nỗ lực cuối cùng nhằm lật ngược kết quả bầu cử.

Bước sang ngày thứ ba cuộc luận tội kết thúc sớm hơn dự tính chừng 4 tiếng đồng hồ, đảng Dân Chủ tiếp tục dùng những lý lẽ để thuyết phục Thượng Viện nhưng không đưa ra một bằng chứng pháp lý cụ thể để cho thấy ông Trump đã phạm tội “kích động bạo loạn”.

Ở phần kết luận, Dân biểu Jamie Raskin, trưởng nhóm công tố, cho biết trong hai ngày qua nhóm công tố đã nhiều lần sử dụng những “lý lẽ thường tình” (common sense), để chứng minh rằng cựu Tổng thống Donald Trump phạm tội cao nhất là kích động nổi dậy.

Ông kêu gọi các thượng nghị sĩ trong vai trò bồi thẩm viên cần cân nhắc sự phán xét của lịch sử khi biểu quyết việc kết tội ông Trump hoặc nó có thể tiếp tục xảy ra gây nguy hại cho nền dân chủ của Hoa Kỳ. 

Bằng chứng buộc tội…

Xin nói thêm về phát biểu ông Trump trước Tòa Bạch Ốc chừng 70 phút từ 11 giờ 50 phút đến 1 giờ 11 phút mới chấm dứt.

Bài phát biểu dài gần 11 ngàn từ, trong đó nhiều lần tố cáo cuộc bầu cử bị gian lận, giới chức bầu cử tại nhiều tiểu bang đã tự ý thay đổi quy định bầu cử không thông qua Quốc Hội tiểu bang, có quá nhiều bất thường và kết quả bầu cử đã bị đánh cắp.

Có 4 lần ông Trump kêu gọi người biểu tình đi bộ xuống Quốc Hội (Điện Capitol) có thể được tóm dịch như sau:

1. “…Chúng ta tụ họp lại với nhau ở trung tâm Điện Capitol vì một lý do rất, rất cơ bản và đơn giản, là để cứu lấy nền dân chủ của chúng ta…”

2. “…Khi tôi chấm dứt phát biểu, chúng ta sẽ đi bộ xuống Điện Capitol và tôi sẽ đến đó với các bạn, chúng ta sẽ cổ vũ cho các nghị sĩ và dân biểu được dũng cảm,… chúng ta làm thế bởi vì chúng ta sẽ không bao giờ lấy lại đất nước với sự yếu nhược, các bạn cần phải thể hiện sức mạnh và các bạn cần phải mạnh mẽ…”

3. “…Tôi biết rằng mọi người ở đây rồi sẽ sớm diễn hành tới Quốc Hội để tiếng nói của bạn được lắng nghe một cách hòa bình và yêu nước…”

Để kết thúc bài phát biểu ông Trump lại một lần nữa kêu gọi người biểu tình đi bộ xuống Quốc Hội:

4. “…Vì vậy, chúng ta sẽ đi bộ dọc theo đại lộ Pennsylvania, tôi yêu đại lộ Pennsylvania, và chúng ta sẽ đến Điện Capitol và chúng ta sẽ cố gắng cống hiến…”

Trong bài phát biểu có 23 lần ông sử dụng từ ngữ chiến đấu (fight hay fighting), ở cuối bài phát biểu ông kêu gọi:

“… Và chúng ta chiến đấu, chúng ta chiến đấu đến cùng (fight like hell), nếu các bạn không chiến đấu đến cùng, các bạn sẽ không giữ được đất nước này…”

Ông Trump phủ nhận mọi cáo buộc và cho biết ngay khi ông biết những kẻ bạo loạn đã xông vào Quốc Hội ông đã chính thức lên án những hành vi phạm pháp, ông loan báo những người gây bạo loạn sẽ bị luật pháp trừng trị và kêu gọi người biểu tình giải tán về nhà. 

Bạo loạn khởi đầu lúc 12 giờ 45 phút

Tờ The Washington Post ngày 11/1/2021, đã phỏng vấn ông Steven Sund cảnh sát trưởng bảo vệ Điện Capitol và được ông cho biết những người biểu tình đầu tiên xuất hiện ở Điện Capitol vào lúc 12 giờ 40 phút.

Như vậy cuộc bạo loạn đã bắt đầu trước khi ông Trump chấm dứt bài phát biểu chừng 30 phút, ông Steven Sund kể lại:

“Cuộc đối đầu bạo lực đã diễn ra ngay từ đầu, họ đến với mũ bảo hiểm chống bạo động, mặt nạ phòng độc, lá chắn, bình xịt hơi cay, pháo hoa, đồ leo núi, thuốc nổ, ống kim loại, gậy bóng chày,…”

Ông Steven Sun cho biết những kẻ gây bạo loạn đã giật những hàng rào ngăn cách và ném vào đầu các cảnh sát viên đang bảo vệ Quốc Hội:

“Vào lúc 1 giờ chiều tôi nhận ra mọi thứ không còn diễn ra tốt đẹp, tôi chứng kiến các nhân viên của tôi đã say xẩm mặt mày…”

Ông cho biết những kẻ gây bạo loạn đã phá cửa xông vào bên trong Quốc Hội trước 2 giờ chiều.

Rõ ràng những kẻ gây bạo loạn đã có tổ chức và có chủ trương bạo động, họ khác hẳn với những người biểu tình nghe ông Trump phát biểu.

Mãi đến 1 giờ 11 phút ông Trump mới chấm dứt bài phát biểu, người biểu tình mới bắt đầu thu xếp di chuyển đến Điện Capitol, đoạn đường từ 30 đến 45 phút, nếu đoàn biểu tình có đi nhanh mới đến được Quốc Hội trước 2 giờ chiều.

Cuộc điều tra của FBI và các cơ quan an ninh cho biết những người bạo loạn đã lên kế hoạch trước ngày 6/1/2021, để chuẩn bị các trang bị cá nhân các thành phần gây bạo loạn đã gây quỹ trên internet, họ còn được huấn luyện cho cuộc tấn công vào Quốc Hội (Điện Capitol).

Trong 3 bài viết trước ngày đại cử tri chính thức họp 6/1/2021, tôi đều nhắc tới bạo loạn có thể xảy ra lạ một điều là FBI và các cơ quan an ninh đã không sửa soạn đối phó, thậm chí một số video còn cho thấy chính cảnh sát bảo vệ đã mở cửa Quốc Hội cho những người bạo loạn đi vào.

Những điều này khác hẳn với dư luận chống đối ông Trump, họ lên án cả những người tham dự biểu tình nghe ông Trump phát biểu và sau đó đi bộ đến Quốc Hội để ủng hộ các dân biểu và nghị sĩ đảng Cộng Hòa đang tranh luận về phiếu cử tri đoàn. 

Về pháp lý…

Một số người gây bạo loạn bị tòa án truy tố nay đổ lỗi là đã nghe theo lời xúi giục của ông Trump, có người còn muốn làm nhân chứng trước Thượng Viện tố cáo ông Trump xúi giục họ.

Căn bản pháp lý cho tội xúi giục vi phạm luật pháp hay gây ra bạo lực đã có tiền lệ qua phán quyết Brandenburg kiện Ohio tại Tối Cao Pháp Viện vào năm 1969.

Theo phán quyết này thì lời nói có tính chất kích động phải đáp ứng ba tiêu chuẩn: (1) người nói phải có ý định xúi giục hành động trái pháp luật; (2) hành động trái pháp luật phải có khả năng xảy ra; và (3) hành động trái pháp luật phải sắp xảy ra.

Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham cho biết để không tốn thời giờ của Thượng Viện nếu đảng Dân chủ gọi dù chỉ một nhân chứng tại phiên tòa luận tội ông sẽ đưa FBI ra làm chứng về những người tổ chức đã lên kế hoạch tấn công và những thất bại trong việc bảo vệ an ninh Điện Capitol. 

Lập luận bào chữa…

Nhóm luật sư bảo vệ ông Trump trong ngày thứ tư của phiên tòa đã dành hơn 3 tiếng đồng hồ lập luận rằng những “lý lẽ thường tình” của Dân biểu Jamie Raskin và các công tố viên đảng Dân Chủ là dựa trên “hận thù” đảng phái thay vì trên các chứng cớ pháp lý để buộc tội ông Trump.

Nhóm luật sư đưa ra những video nhiều chính trị gia đảng Dân Chủ trong đó có cả Dân biểu Jamie Raskin đã cho rằng cuộc bầu cử năm 2016 đã bị “đánh cắp”, phủ nhận kết quả bầu cử và các chính trị gia đảng Dân Chủ cũng đã thách thức các cử tri đoàn.

Thách thức kết quả bầu cử của các chính trị gia đảng Dân Chủ không có gì sai trái vì đó là một thủ tục hợp pháp và hợp hiến, tương tự như ông Trump đã làm trong cuộc bầu cử năm 2020.

Nhóm luật sư đưa ra những video nhiều chính trị gia đảng Dân Chủ trong đó có cả Dân biểu Jamie Raskin, các công tố viên, Chủ tịch phiên tòa Thượng Nghị sĩ Pat Leahy, đương kim Tổng thống Joe Biden và phó Tổng thống Kamala đều đã dùng những từ ngữ như “chiến đấu” (fight hay fighting) hay “chiến đấu đến cùng” (fight like hell) như ông Trump đã dùng trong bài phát biểu ngày 6/1/2021.

Đó là ngôn ngữ thường dùng của nhiều chính trị gia là tự do ngôn luận được Hiến Pháp bảo vệ nên không thể lấy làm chứng cớ kết tội ông Trump.

Các công tố viên đảng Dân Chủ đã cố tình bỏ qua bằng chứng là một số nhóm đã lên kế hoạch gây bạo loạn trong khi ông Trump kêu gọi người biểu tình ôn hòa và không bạo lực phải tôn trọng luật pháp và trật tự.

Nhóm luật sư kêu gọi các Thượng Nghị Sĩ phủ quyết việc kết tội ông Trump, vì theo đảng Dân Chủ kết tội ông Trump là đồng nghĩa với việc kết tội đa số những người đã biểu tình một cách ôn hòa vào ngày 6/1/2021 và kết tội gần 75 triệu cử tri đã bầu cho ông Trump.

Cuối ngày thứ tư các Thượng Nghị Sĩ đã đặt ra các câu hỏi để hai bên công tố viên và luật sư bào chữa trả lời, sang ngày thứ năm Thượng Viện biểu quyết xem có cần thêm nhân chứng và sau đó biểu quyết có kết tội ông Trump hay không, như đã trình bày ở đầu bài. 

Vì sao đảng Dân Chủ quyết kết tội ông Trump?

Đã từ lâu và đã nhiều lần báo chí chính thống dự đoán ông Trump sẽ “tự ân xá” trước ngày 20/1/2021, điều họ không nói ra là một người phải bị tòa án kết tội hay đang bị truy tố thì mới nói đến chuyện ân xá.

Nếu ông Trump có tội thì đó là tội ông làm chính trị, làm đảo lộn mọi “trật tự” mà các chính trị gia cả đảng Dân Chủ lẫn đảng Cộng Hòa, giới báo chí, giới khoa bảng, giới tư bản, giới quan chức chính phủ bấy lâu nay gầy dựng.

Ông Trump có tội vì ông đã gầy dựng lại niềm tin cho gần 75 triệu cử tri Mỹ đã bầu cho ông, trong đó nhiều người đã quá chán ngán các chính trị gia nói một đằng làm một nẻo.

Mặc dù ông Biden đã trở thành tổng thống nhưng hiện vẫn còn 37% cử tri Mỹ tin rằng cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 có quá nhiều bất thường và kết quả không đáng tin cậy.

Lãnh đạo đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện ông Kevin McCarthy đã phải chính thức xuống tận Câu Lạc Bộ Mar-a-Lago thuộc tiểu bang Florida để bàn với ông Trump về cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 (và có thể đã bàn về chiến lược tranh biện luận tội) cho thấy uy quyền chính trị của ông Trump vẫn còn rất cao.

Nhìn chung, luận tội là cái bẫy nếu ông Trump không cẩn thận những lời tranh biện và kết quả phiên tòa sẽ trở thành những bằng chứng để đảng Dân Chủ chính thức truy tố ông.

Như vậy họ không chỉ ngăn cản ông tranh cử năm 2024 mà còn đưa ông vào vòng lao lý, hủy hoại tất cả những uy tín chính trị ông đã gầy dựng.

Đưa ông Trump vào tù chính là mục tiêu muốn đạt được của đảng Dân Chủ nên cuộc luận tội lần này rất đáng để chúng ta quan sát và học hỏi.

Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

14/2/2021