Thursday, September 19, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Cựu chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết lãnh 21 năm tù


Chiều ngày 5/8, sau 14 ngày xét xử và nghị án, Tòa án nhân dân Hà Nội đã đưa ra phán quyết đối với cựu chủ tịch Tập đoàn FLC, Trịnh Văn Quyết, cùng 49 người khác trong vụ án thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hội đồng xét xử (HĐXX) xác định ông Trịnh Văn Quyết đã chủ mưu và chỉ đạo nâng khống vốn của Công ty Faros từ 1.5 tỉ đồng lên hơn 4,300 tỉ đồng.

Các bị cáo nghe tòa tuyên án. Hình Tuổi Trẻ

Ông Trịnh Văn Quyết bị kết án 3 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng cộng là 21 năm tù giam.

Hai người em gái của ông Quyết, bà Trịnh Thị Minh Huế, cựu cán bộ Ban Kế toán Tập đoàn FLC, và bà Trịnh Thị Thúy Nga, cựu phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS, cũng bị xác định đã đồng lõa với anh trai trong việc nâng khống vốn của Công ty Faros. Hành vi này đã giúp ông Quyết thu lợi bất chính hơn 3,600 tỉ đồng.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa. Hình Người Lao Động

Bà Trịnh Thị Minh Huế bị tuyên án 3 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và 11 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng cộng 14 năm tù. Bà Trịnh Thị Thúy Nga nhận án 2 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và 6 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng cộng 8 năm tù.

Cựu Phó chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC, bà Hương Trần Kiều Dung, bị kết án 2 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và 6 năm 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng hình phạt là 8 năm 6 tháng tù.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết (giữa) sau phiên tòa sơ thẩm hôm 5 Tháng Tám. Hình AFP/Getty

Về phần dân sự, HĐXX buộc các bị cáo phải bồi thường cho các nhà đầu tư dựa trên số tiền đã nâng khống của mỗi cổ phiếu bán ra thị trường nhân với số cổ phiếu mà các nhà đầu tư còn nắm giữ. Cụ thể, tại thời điểm phát hành 430 triệu cổ phiếu ROS, mệnh giá cổ phiếu ROS được chào bán trên thị trường là 10,000 đồng. Các bị cáo đã nâng khống mỗi cổ phiếu lên hơn 7,200 đồng, do đó, họ sẽ phải đền bù hơn 7,200 đồng cho mỗi cổ phiếu bán cho nhà đầu tư bị hại, nhân với khối lượng cổ phiếu mà các nhà đầu tư đang sở hữu.

Sau khi phát hành 430 triệu cổ phiếu, Công ty Faros đã hai lần nâng vốn với tổng số hơn 5,600 tỉ đồng thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm xác định rằng hai lần tăng vốn này không phải là nâng khống. Do đó, số vốn thực của Công ty Faros tăng lên hơn 2,500 tỉ đồng, và số vốn khống là hơn 3,100 tỉ đồng. Chia theo mỗi cổ phiếu đã phát hành (10,000 đồng), HĐXX tính toán giá trị bị nâng khống là hơn 5,400 đồng/cổ phiếu. (T/H, D/V)