Cuộc khủng hoảng nước cam tác động lớn đến thế giới
Cam- và tất cả những gì chúng ta có thể làm từ loại quả này- mang đến tiềm năng lớn. Nhưng ngành công nghiệp này hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Theo trang The Conversation, khoảng 50 triệu tấn cam được trồng mỗi năm trên thế giới, 34% trong số đó ở Brazil. Brazil cũng là nhà xuất khẩu nước cam lớn nhất thế giới cho đến nay, ước tính khoảng 70% nguồn cung toàn cầu.
Thật không may, các vùng trồng cam của Brazil gần đây đã bị ảnh hưởng bởi thiên tai và bệnh ở cây ăn quả, khiến nguồn cung bị thiếu hụt. Vì vậy, sản lượng cam ở Brazil được dự báo sẽ giảm hơn 24% trong mùa vụ 2024 -2025, đây là vụ thu hoạch có năng suất thấp nhất của đất nước này kể từ cuối những năm 1980.
Trong khi đó, Úc- đất nước có vùng trồng cam lớn, với các đồn điền ở Riverina, Thung lũng Murray và Riverland. Hiện nước này cũng là nhà sản xuất trái cây lớn thứ 12 thế giới.
Tuy nhiên, Úc vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu nước cam đông lạnh để đáp ứng 1/2 số lượng nhu cầu trong nước. Khoảng 80% nguồn nhập khẩu đến từ Brazil, tiếp theo là 10% từ Israel.
Người tiêu dùng Úc chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng bằng các nước khác ở châu Âu và châu Mỹ, vì những người trồng cam địa phương vẫn có thể đáp ứng nhu cầu một phần cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, một phần Úc phụ thuộc lớn vào việc nhập khẩu nước cam đông lạnh từ Brazil nên ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng từ nguồn cung khan hiếm.
Bên cạnh đó, cam cũng được sử dụng cho mục đích thương mại, bao gồm mỹ phẩm, các sản phẩm làm sạch, bổ sung vitamin và hỗn hợp BEVENGE. Cam được xem như một thành phần quan trọng ở hầu hết các sản phẩm. Do đó, chúng ta cũng có thể thấy rõ sự gián đoạn nguồn cung đáng kể và tăng giá trên một loạt các sản phẩm khác.
Diễn biến hiện tại có thể thúc đẩy người tiêu dùng và nhà sản xuất phải có lựa chọn thay thế. Đơn cử như thị trường đồ uống cho bữa sáng, các sản phẩm pha trộn nước cam với táo, xoài hoặc dứa có thể ngày càng trở nên hấp dẫn đối với người tiêu dùng.
Đây được xem là sự thay thế đáp ứng mức độ phù hợp của hương vị và giá trị dinh dưỡng.
Giải pháp từ các nhà sản xuất
Theo Financial Times, cuộc khủng hoảng nước cam hiện nay chủ yếu là do hạn hán, mưa lớn và dịch bệnh thực vật ở Brazil. Các nhà sản xuất nước cam đang đồng thuận chuyển sang các loại trái cây thay thế khi giá bán tăng mạnh.
“Đây là một cuộc khủng hoảng. Chúng tôi chưa bao giờ thấy điều gì tương tự, ngay cả trong những đợt băng giá và bão lớn”, ông Kees Cools, Chủ tịch Hiệp hội nước trái cây và rau quả quốc tế (IFU) cho biết.
Theo IFU, sự thiếu hụt gây ra lo ngại giá cả tăng lên và tác động trực tiếp đến người tiêu dùng.
Thông thường, các nhà sản xuất có thể khắc phục sự thiếu hụt bằng cách pha nước cam đông lạnh (có thời hạn sử dụng hai năm) từ vụ trước kết hợp với vụ mới. Nhưng ba năm liên tiếp nguồn cung sụt giảm đã khiến kho dự trữ cạn kiệt.
Ông Cools nhắc đến giải pháp dài hạn là có thể thay thế cam bằng quýt, loại trái cây có khả năng ứng phó tốt với biến đổi khí hậu.
“Tùy chọn dài hạn duy nhất để giảm thiểu được tác động thiên nhiên và nhiều yếu tố khác là sử dụng kết hợp các loại trái cây khác nhau”, ông Cools nói.
Tại Nhật Bản, quốc gia nhập khẩu tới 90% nước cam, chủ yếu từ Brazil, nguồn cung đang bị ảnh hưởng trầm trọng do đồng yên yếu, đẩy chi phí nhập khẩu cao hơn nữa.
Seven & I Holdings, chủ sở hữu của Chuỗi siêu thị 7-Eleven, cũng chuyển sang nguồn cung thay thế trong nước, ra mắt sản phẩm nước cam kết hợp quýt.
IFU đang xem xét khả năng đưa vào quy trình quy định để cho phép sử dụng loại trái cây có múi khác ngoài cam.
Ông Andrés Padilla, một nhà phân tích tại Tập đoàn Rabobank của Hà Lan nhận định những trang trại trồng cam tại Brazil đã bị ảnh hưởng nặng nề do nhiệt độ cao và lượng mưa dưới mức trung bình. Chưa đến 1/3 số trang trại được tưới tiêu đầy đủ.
Rabobank ước tính gần 40% trang trại trồng cam nằm ở khu vực phát triển chính phía đông nam của đất nước đã bị bệnh vàng lá gân xanh.
Ông Padilla nói thêm rằng “điều này tạo ra những thách thức cho ngành công nghiệp nước cam”.
Các giám đốc điều hành trong ngành cho biết người tiêu dùng có thể sẽ cảm nhận rõ rệt nhất trước tác động của việc thiếu hụt nguồn cung cấp nước cam. Nhiều nhà sản xuất đã bắt đầu tăng chi phí bán ra cho khách hàng. Trong khi đó, cầu tiêu dùng vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt./. (T/H,