Thursday, May 9, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

CPJ: Việt Nam lọt vào tốp 5 quốc gia bỏ tù nhà báo nhiều nhất trên giới


Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) hôm 18/1 cho biết có tới 19 nhà báo ở Việt Nam đã bị bỏ tù tính đến cuối năm 2023 vì công việc của họ, khiến nước này đứng thứ 5 trong nhóm quốc gia có số nhà báo bị giam cầm nhiều nhất trên thế giới.

Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia bỏ tù nhiều nhà báo nhất trên thế giới, theo CPJ. Hình CPJ

Báo cáo mới nhất của tổ chức CPJ có trụ sở ở New York, Mỹ cho thấy có tất cả 320 nhà báo trên thế giới bị ngồi tù tính đến ngày 1/12/2023. Báo cáo gọi đây là xu hướng đáng lo ngại nhằm dập tắt những tiếng nói độc lập.

Số nhà báo Việt Nam bị bỏ tù chỉ đứng sau các nước Trung Quốc, Myanmar, Belarus và Nga.

Tại Việt Nam, 5 nhà báo gồm Đoàn Kiên Giang, Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Phước Trung Bảo, Lê Thế Thắng và Nguyễn Thanh Nhã – thuộc nhóm độc lập viết báo trên trang Facebook có tên là “Báo Sạch”, hiện không còn tồn tại – đã bị cấm hành nghề nhà báo trong 3 năm sau khi mãn hạn tù vì tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.

320 Journalists Jailed Globally in 2023 | CPJ

Blogger, nhà báo độc lập Huỳnh Thục Vy đang thụ án 2 năm 9 tháng tù về tội “xúc phạm quốc kỳ”. CPJ dẫn lời gia đình bà cho biết bà bị bệnh tim nghiêm trọng, không được thăm khám đầy đủ trong khi bị giam cầm cách xa gia đình hơn 190 km.

Cũng tại Việt Nam, cán bộ trại giam đã ngừng cung cấp nước nóng cho ông Trần Huỳnh Duy Thức để ông nấu mì ăn liền mua từ căng tin. Ông Thức, người đang thụ án 16 năm tù, cộng thêm 5 năm quản chế vì “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, thường xuyên tổ chức các cuộc tuyệt thực nhằm phản đối điều kiện sống tồi tệ ở trại giam, vẫn theo CPJ.

Chính quyền Việt Nam thường xuyên nói rằng đất nước này coi trọng tự do báo chí, khẳng định “Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí Việt Nam phát triển”, tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh rằng “tự do báo chí phải trong khuôn khổ chứ không phải là thứ tự do vô giới hạn, vô chính phủ, đứng ngoài pháp luật”.

Chính quyền Việt Nam thường hay viện dẫn Điều 25, Hiến pháp 2013, để nói về điều này: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

CPJ nhận định rằng châu Á vẫn là khu vực có số lượng nhà báo phải ngồi tù cao nhất. Ngoài những quốc gia bỏ tù nhà báo hàng đầu như Trung Quốc, Myanmar và Việt Nam, không ít nhà báo cũng bị tống giam ở Ấn Độ, Afghanistan và Philippines.

Bà Jodie Ginsberg, giám đốc điều hành của CPJ phát biểu khi công bố bản báo cáo về con số các nhà báo bị giam cầm trên thế giới năm 2023: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chủ nghĩa độc tài đã ăn sâu trên toàn cầu đến mức nào, với việc các chính phủ có động lực hăng hái dập tắt các bài báo quan trọng và ngăn chặn trách nhiệm giải trình với công chúng”. (T/H, VOA)