Covid-Virus có thể tồn tại và gây lây nhiễm trên tiền giấy, mặt kính điện thoại đến 28 ngày
Các nhà nghiên cứu cho biết virus SARS-CoV-2 có khả năng tồn tại tối đa 28 ngày trên một số bề mặt phổ biến như màn hình điện thoại di động hay tiền giấy.
Các nhà khoa học Úc khẳng định virus SARS-CoV-2 có khả năng sống sót tối đa 28 ngày trên bề mặt tiền giấy, lâu hơn so với bề mặt tiền giấy pha nhựa. Chủng virus này cũng có thể tồn tại lâu hơn trên các bề mặt nhẵn như kính, thay vì các bề mặt xốp như bông.
Cũng theo các chuyên gia, virus SARS-CoV-2 có thể duy trì khả năng lây nhiễm trong môi trường nhiệt độ thấp.
Cơ quan Khoa học Quốc gia (CSIRO) cho biết nghiên cứu này do Trung tâm Ứng phó Dịch bệnh Úc (ACDP) ở Geelong thực hiện và mới được công bố trên tạp chí Virology. Tiến sĩ Larry Marshall, người đứng đầu CSIRO, cho rằng việc xác định thời gian virus tồn tại sẽ giúp các nhà khoa học dự đoán chính xác hơn và ngăn chặn sự lây lan của virus.
Tiến sĩ Debbie Eagles, phó giám đốc của Trung tâm Ứng phó Dịch bệnh Úc (ACDP), nhận định kết quả nghiên cứu tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của những thói quen tốt như rửa tay và thường xuyên khử khuẩn các bề mặt.
“Trong môi trường có nhiệt độ là 20 độ C, chúng tôi ghi nhận khả năng lây nhiễm cực mạnh của virus SARS-CoV-2. Ở điều kiện này, virus có thể tồn tại tối đa 28 ngày trên các bề mặt nhẵn như màn hình điện thoại di động”, ông Eagles cho biết.
ACDP đã thực hiện nhiều thí nghiêm tương tự ở nhiệt độ 30 độ C và 40 độ C. Theo đó, thời gian sống sót của virus SARS-CoV-2 giảm dần khi nhiệt độ tăng cao.
“Chúng tôi vẫn chưa xác định được mức độ tiếp xúc và lượng virus làm lây nhiễm dịch bệnh cho con người. Dù vậy, việc xác định thời gian virus tồn tại trên các bề mặt là rất cần thiết, giúp chúng tôi phát triển nhiều chiến lược giảm thiểu rủi ro”, ông Eagles bổ sung.
Theo giáo sư Trevor Drew, giám đốc của ACDP, nghiên cứu này sẽ giải thích cách virus SARS-CoV-2 lây lan trong các cơ sở chế biến thực phẩm đông lạnh, từ đó giúp giải quyết vấn đề này hiệu quả hơn. (T/H, Z/N)