COVID-19: Tròn một năm ngày thế giới chứng kiến lệnh ‘phong tỏa’ đầu tiên
Cách đây tròn một năm (23/1/2020), thế giới đã chứng kiến lệnh phong tỏa do dịch COVID-19 đầu tiên được đưa ra tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), nơi đến thời điểm hiện tại vẫn được coi là nguồn gốc của đại dịch do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Vào thời điểm lệnh phong tỏa đối với thành phố này chính thức có hiệu lực, gần như cả thế giới đã không khỏi “bàng hoàng” trước những biện pháp chống dịch “vô cùng nghiêm ngặt”, đồng thời được áp dụng một cách “vô cùng cứng rắn”, trong bối cảnh những thông tin nhỏ giọt mà nhiều người biết được lúc đó chỉ là do “một bệnh viêm phổi lạ” với trung gian truyền bệnh là một loài dơi và đã được bày bán tại một khu chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán.
Một năm đã trôi qua, mặc dù có những tác động không hề nhỏ đến các hoạt động kinh tế hay sinh hoạt thường ngày của người dân nhưng biện pháp phong tỏa đến nay đã chứng minh đây là một trong những cách ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 nhanh và hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, Trung Quốc nói chung được coi là một trong những quốc gia chống dịch COVID-19 thành công nhất, mặc dù có rất nhiều ý kiến tranh cãi liên quan đến trách nhiệm của đất nước tỷ dân liên quan đến việc để đại dịch này lây lan gần như trên toàn thế giới và trở thành “nỗi ám ảnh” của toàn cầu trong năm 2020.
Các biện pháp chống dịch của Trung Quốc từ những ngày đầu tiên
Chính quyền thành phố Vũ Hán được cho là đã “chậm chạp” trong việc đưa ra những phản ứng cụ thể đối với một số báo cáo ban đầu về “một căn bệnh bí ẩn” đang lây lan khá nhanh tại một khu chợ hải sản ở thành phố này trong những ngày cuối năm 2019, hệ quả là hàng triệu người dân Vũ Hán vẫn được tự do di chuyển trong những ngày cận Tết Nguyên Đán năm ngoái.
Mặc dù vậy, ngay sau khi chính quyền thành phố Vũ Hán nhận ra những vấn đề liên quan đến căn bệnh bí ẩn nói trên, họ đã ngay lập tức có những biện pháp “quyết liệt” để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Trong ngày 23/1/2020, chỉ chưa đầy 48 giờ trước khi Trung Quốc và một số quốc gia khác (trong đó có Việt Nam) chính thức bước sang năm âm lịch mới, tất cả các con đường tại thành phố Vũ Hán đã trở nên im lặng với không một bóng người qua lại, đồng thời việc đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội là bắt buộc.
Bên cạnh đó, với việc hệ thống y tế đang đứng trước nguy cơ quá tải, các nhà chức trách của thành phố Vũ Hán đã khiến cả thế giới không khỏi ngạc nhiên khi khánh thành hai bệnh viện dã chiến (Lôi Thần Sơn và Hỏa Thần Sơn) nhằm điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 chỉ sau chưa đầy 10 ngày khởi công xây dựng.
Các biện pháp chống dịch được thành phố Vũ Hán triển khai đã trở thành điển hình và chính quyền Trung ương Trung Quốc cũng áp dụng những biện pháp chống dịch nghiêm ngặt trong những tháng tiếp theo khi nước này phải giải quyết các ổ dịch COVID-19 bùng phát ở các thành phố lớn khác như thủ đô Bắc Kinh hay thành phố Thượng Hải với việc phong ngay lập tức toàn thành phố và nhanh chóng tổ chức xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng.
Tính hiệu quả của các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt
Mặc dù rất nhiều nhà phân tích trên thế giới cho rằng các biện pháp chống dịch mà chính quyền Bắc Kinh nói chung và các địa phương ở nước này nói riêng đã và đang áp dụng là “quá nghiêm ngặt”, các số liệu chính thức được ghi nhận tính đến thời điểm này cho thấy những biện pháp này đã đem lại hiệu quả không hề nhỏ khi số ca mắc COVID-19 ở Trung Quốc vẫn đang ở mức dưới 100.000 ca (88.804) và số người tử vong dừng ở mức 4.635 trường hợp (phần lớn xảy ra trong đợt dịch đầu tiên).
Tuy nhiên, một “báo cáo ban đầu” từ nhóm chuyên gia do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cử đến thành phố Vũ Hán điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19 đã chỉ trích những phản ứng ban đầu của Trung Quốc khi trong báo cáo này cho rằng “các biện pháp y tế công cộng nên được [chính quyền Bắc Kinh và các địa phương] áp dụng sớm và mạnh mẽ hơn”.
Bên cạnh đó, không giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, sau đợt bùng phát dịch đầu tiên, các con số biểu thị số ca mắc và tử vong mới do COVID-19 dường như “đi ngang” trong suốt những tháng vừa qua (ở mức dưới 200 trong cả hai thông số), đồng thời gần như không có “làn sóng COVID-19” thứ hai tại đất nước tỷ dân.
Mặc dù vậy, một số nhà quan sát trên thế giới vẫn chưa hết hoài nghi về độ tin cậy của những số liệu nói trên khi “bộ đếm COVID-19” của Trung Quốc được cho là không bao gồm những ca dương tính với virus SARS-CoV-2 không xuất hiện triệu chứng rõ ràng.
Cuộc sống tại thành phố Vũ Hán hiện tại
Sau một năm kể từ khi trở thành nơi đầu tiên trên thế giới bị phong tỏa do dịch COVID-19, cuộc sống tại thành phố Vũ Hán gần như đã trở lại bình thường như trước khi đại dịch bùng phát, mặc dù đã có không ít ý kiến bày tỏ sự lo ngại rằng những ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng có thể sẽ xuất hiện trở lại tại thành phố này khi một số người dân di chuyển trên những chuyến tàu đông đúc trong dịp cận Tết Nguyên Đán năm nay.
Mặc dù vậy, khi được các phóng viên quốc tế hỏi về cảm xúc trước những gì đã diễn ra tại Vũ Hán trong năm vừa qua, những người trả lời phỏng vấn cho rằng “chắc chắn có những tổn thương sâu sắc trong lòng nhiều người dân ở thành phố này” và đến giờ họ cũng không nghĩ rằng mình muốn nhìn lại “một cách rõ ràng” những gì đã xảy ra trong năm vừa qua.
Tuy nhiên cũng có những ý kiến cho rằng bây giờ người dân thành phố Vũ Hán có cảm giác đã đoàn kết, có sự liên kết với cộng đồng chặt chẽ hơn và nhất là trân trọng cuộc sống của mình hơn, so với “sự hối hả và vội vàng” trước đây.
“Đại dịch [COVID-19] này thực sự đã giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, [do đó] nếu mọi người vẫn còn ở đây thì thành phố này cũng vậy”, một người dân ở thành phố Vũ Hán bày tỏ. (TPO)