Covid-19 ra tay tàn độc với nam giới hơn là với phụ nữ?
Từ tài xế xe buýt cho đến thủ tướng, mọi người đủ mọi tầng lớp đều ốm nặng với Covid-19.
Điều này làm mọi người rút ra nhận xét rằng căn bệnh này không biết phân biệt đối xử.
Rốt cuộc thì virus corona là vật chất di truyền trôi nổi vô tri vô giác. Nó không có khả năng chủ động phân biệt đối xử.
Tuy nhiên, con virus này đang có những ảnh hưởng khác biệt rõ rệt đối với các nhóm người khác nhau.
Một trong những khác biệt rõ rệt nhất là về giới tính.
Việc Covid-19 tác động đến nam và nữ khác nhau như thế nào không chỉ là cách virus gây bệnh – mà còn là triển vọng sức khỏe và kinh tế dài hạn của chúng ta.
Nam giới bị ảnh hưởng sức khoẻ nhiều hơn
Một trong những khác biệt rõ ràng nhất cho đến nay là tỷ lệ tử vong của nam và nữ.
Chẳng hạn như ở Mỹ, số đàn ông đã chết vì virus này cao gấp đôi phụ nữ. Tương tự, 69% trong tổng số các ca tử vong do virus corona trên khắp Tây u là nam giới. Xu hướng tương cũng được ghi nhận ở Trung Quốc và các nơi khác.
Một nhóm các nhà nghiên cứu, do Anna Purdie thuộc Đại học University College London dẫn đầu, đang ghi nhận số liệu về sự khác biệt giới tính ở các quốc gia khác nhau và đang tìm hiểu thêm lý do tại sao.
Cho đến giờ, lý do vẫn chưa rõ ràng.
Khả năng miễn dịch khác nhau?
Một giả thuyết cho rằng phản ứng miễn dịch của phụ nữ trước virus mạnh hơn, Philip Goulder, giáo sư miễn dịch học tại Đại học Oxford, nói. “Phản ứng miễn dịch trước vaccine và lây nhiễm trong suốt cuộc đời ở nữ giới thường mạnh hơn và hiệu quả hơn so với nam giới.”
Điều này một phần là do phụ nữ có hai nhiễm sắc thể X, trong khi đàn ông chỉ có một – điều này rất quan trọng trong trường hợp virus corona.
“Đặc biệt, protein để cảm nhận các virus như corona thì được mã hóa trên nhiễm sắc thể X,” Goulder giải thích. “Kết quả là, protein này được biểu hiện với liều gấp đôi ở các tế bào miễn dịch của nữ so với nam và do đó phản ứng miễn dịch với virus corona ở nữ giới được tăng cường.”
Do khác biệt lối sống?
Một khả năng khác, sự khác biệt đó là do lựa chọn lối sống của mỗi giới tính.
“Có sự khác biệt quan trọng về hành vi giữa hai giới, chẳng hạn như hút thuốc, vốn ảnh hưởng đến mức độ bệnh tật sẵn có từ trước như bệnh tim, bệnh phổi mãn tính và ung thư,” Goulder nói. “Những căn bệnh này có tác động rất lớn đến kết quả của các bệnh do lây nhiễm như virus corona.”
“Sự khác biệt về giới tính trong hút thuốc đặc biệt thấy rõ ở một số quốc gia như Trung Quốc, nơi 50% nam giới hút thuốc, so với 5% phụ nữ.”
Tuy nhiên ở giai đoạn này của đại dịch, không có đủ bằng chứng để nói liệu đây có phải là kết quả của sự khác biệt sinh học hay khác biệt hành vi – hoặc giả cả hai yếu tố đều có vai trò.
Phụ nữ bị ảnh hưởng tài chính nhiều hơn
Tuy nhiên, đang xuất hiện bằng chứng cho thấy còn một cách nữa mà con virus này đang ảnh hưởng đến nam giới và phụ nữ khác nhau.
Michèle Tertilt, kinh tế gia tại Đại học Mannheim ở Đức, đã làm việc với các đồng nghiệp để tổng hợp bằng chứng về việc đại dịch đã ảnh hưởng đến lao động nam giới so với lao động nữ giới ở Mỹ như thế nào.
Phong tỏa đã dẫn đến mất việc trên diện rộng và nhiều nền kinh tế sẽ sớm phải đối mặt với suy thoái.
Tỷ lệ thất nghiệp ở phụ nữ cao hơn
Nhưng thất nghiệp không xảy ra như nhau ở các nhóm khác nhau, một phần là do hoàn cảnh đặc thù của tình trạng suy thoái kinh tế đặc biệt này. “Nó khá bất thường và khác với một cuộc suy thoái điển hình,” Tertilt giải thích.
Ở Mỹ, 1,4 triệu người thất nghiệp trong tháng Ba, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1975. Phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề hơn nam giới, với tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,9% so với mức tăng 0,7% của nam giới.
Một phương diện bất thường của cuộc khủng hoảng hiện nay là trong thời kỳ suy thoái, đàn ông thường bị tác động nặng nề hơn phụ nữ trên khía cạnh thất nghiệp.
Đó là vì đàn ông làm việc nhiều hơn trong các ngành gắn liền với các chu kỳ kinh tế – chẳng hạn như xây dựng và sản xuất. Ngược lại, phụ nữ chiếm ưu thế hơn trong các ngành không gắn liền với các chu kỳ như thế, chẳng hạn như y tế hay giáo dục.
Nhưng lần này, các yếu tố khác đang có tác động lớn nhất đến việc làm.
Một yếu tố là liệu công việc đó là ‘thiết yếu’ hay ‘hệ trọng’.
Nhóm của Tertilt đã phân loại các nhân viên trong các ngành như y tế, vận chuyển, bảo vệ (chẳng hạn cảnh sát), nông nghiệp, đánh bắt thủy sản và lâm nghiệp, và bảo trì và sửa chữa là ‘nhân lực thiết yếu’.
Theo cách phân loại này, 17% phụ nữ có việc làm làm việc trong các ngành nghề thiết yếu, so với 24% nam giới đang đi làm.
Nhân tố quan trọng thứ hai là liệu mọi người có thể thực hiện công việc từ xa hay không. Tertilt và các cộng sự của bà đã phân loại các công việc theo tiêu chí có thể làm việc từ xa hay không – một nhà phân tích kinh doanh có thể làm việc từ xa, nhưng một nhân viên pha chế rượu chắc chắn không làm được.
Phụ nữ khó làm việc từ xa?
Tertilt nhận thấy rằng nhiều đàn ông có công việc có thể làm từ xa hơn phụ nữ – ở mức 28% cho nam so với 22% cho nữ.
“Tôi hơi bất ngờ về điều đó,” bà nói. “Tôi đã nghĩ nhiều phụ nữ hơn làm các công việc có thể làm từ xa – chẳng hạn như làm việc cho chính phủ, công việc văn phòng…”
“Nhưng một khi bạn bắt đầu nghĩ về nó, nó hoàn toàn hợp lý – rất nhiều phụ nữ làm việc trong nhà hàng, trong ngành du lịch. Và trên toàn thế giới, các nhà hàng và quán bar đã đóng cửa, và việc đi du lịch rất hạn chế.”
Nghiên cứu do Viện nghiên cứu Tài chính của Vương quốc Anh thực hiện cho thấy một bức tranh tương tự.
Nó phát hiện rằng phụ nữ Anh có khả năng cao hơn một phần ba so với nam giới làm việc trong lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề hoặc hoàn toàn bị đóng cửa do đại dịch, chẳng hạn như ngành bán lẻ và ngành phục vụ khách.
“Từ góc độ kinh tế, phụ nữ trẻ thuộc tầng lớp lao động, lương thấp được biết đến là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất,” Natasha Mudhar, giám đốc điều hành toàn cầu và đồng sáng lập của The World We Want, một doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tiến trình hướng tới Các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc, nói.
Khoảng cách thu nhập về giới càng làm gia tăng sự bất bình đẳng này – không chỉ phụ nữ mất việc với tỷ lệ cao hơn, mà ngay từ đầu họ đã kiếm được ít tiền hơn.
“Tương ứng với mỗi bảng mà một người đàn ông có thể chi tiêu cho nhu yếu phẩm trong cuộc khủng hoảng này, một người phụ nữ chỉ có thể chi 82 xu,” Mudhar cho biết.
Ở Mỹ, khoảng cách về giới cũng tương tự khi phụ nữ chỉ kiếm được 85% số tiền mà nam giới kiếm được. Ở Úc là 86%, trong khi ở Ấn Độ là 75%. Và khoảng cách này càng tồi tệ hơn đối với phụ nữ thuộc một số chủng tộc và sắc tộc – ví dụ như ở Mỹ, phụ nữ da đen kiếm được ít hơn 21% so với phụ nữ da trắng.
Đơn thân nuôi con bị ảnh hưởng nặng hơn
Cha mẹ đơn thân bị ảnh hưởng còn nặng hơn. Nghiên cứu của Tertilt ước tính có 20 triệu cha mẹ đơn thân ở Mỹ, ba phần tư trong số đó là phụ nữ.
“Hãy suy nghĩ về điều đó – họ sẽ không thể làm việc,” Tertilt nói. “Ngay cả khi họ là y tá hoặc bác sĩ, ngay cả khi họ có công việc trong lĩnh vực tối quan trọng – họ có thể có con nhỏ ở nhà và họ không thể để con một mình.”
Ngay cả đối với cha mẹ đơn thân mà công việc có thể làm ở nhà được về mặt lý thuyết, có thể là phi thực tế khi tiếp tục làm việc mà có trẻ con vốn cần sự quan tâm thường trực.
“Nhất là đối với các bà mẹ đơn thân, không có cách xoay sở nào khác,” Tertilt nói. “Họ không thể mướn người giữ trẻ hoặc nhờ hàng xóm hoặc mẹ mình giúp. Nhìn chung họ đang mất việc.”
Một vấn đề khác là ở các quốc gia có chương trình cho nghỉ ở nhà được chính phủ hỗ trợ (bao gồm Anh, Đức và Mỹ), những phụ huynh này có thể không đủ điều kiện nếu họ nghỉ việc trước khi họ được cho nghỉ ở nhà. Hơn nữa, họ có thể không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp nếu họ từ bỏ công việc.
“Ngay cả khi nhân viên tự nguyện nghỉ việc vì phải chăm con, họ vẫn nên được xem là đủ điều kiện,” Tertilt nói. “Yêu cầu mọi người nên ‘tìm kiếm việc làm’ tạm thời nên được gỡ bỏ, cho đến khi các trường học và nơi giữ trẻ mở cửa trở lại. Điều đó không có ý nghĩa gì trong tình hình hiện tại.”
Phơi bày sự bất bình đẳng
Điều này làm cho Covid-19 trở thành dịch bệnh mới nhất trong một loạt các dịch bệnh vốn đưa sự bất bình đẳng về kinh tế lên hàng đầu, bao gồm bất bình đẳng về giới.
“Tất cả các dịch bệnh đều có tác động giới tính,” Clare Wenham, phó giáo sư chính sách y tế toàn cầu tại Đại học Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE), nói. “Vấn đề là không ai nói về nó cả, do đó các nhà hoạch định chính sách không nắm được.”
Wenham và các đồng nghiệp của đã nghiên cứu tác động của dịch Zika và Ebola đối với nam giới và phụ nữ, và hiện đang xem xét dịch Covid-19.
Một hậu quả của dịch Ebola ở Sierra Leone là sự gia tăng đột biến tỷ lệ tử vong khi sinh ở các bà mẹ.
Tổ chức Y tế Thế giới đã nhấn mạnh rằng các chăm sóc sức khỏe thai sản vẫn rất cần thiết trong đại dịch và tất cả phụ nữ ‘có quyền được chăm sóc y tế chất lượng cao trước, trong và sau khi sinh’. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng được thực hiện trên thực tế.
“Chúng tôi biết từ các đợt bùng phát trước đó, tất cả mọi thứ [nguồn lực] đều dành cho dịch bệnh,” Wenham nói. “Điều đó có nghĩa là các dịch vụ thường xuyên bị gián đoạn. Và thứ đầu tiên bị bỏ qua là chăm sóc y tế sản phụ.”
Các dịch vụ y tế khác dành cho phụ nữ, chẳng hạn như tiếp cận các biện pháp tránh thai, cũng trở nên bấp bênh trừ khi chính phủ tuyên bố rằng đó là các dịch vụ thiết yếu.
Tổ chức kế hoạch hóa gia đình Marie Stopes ước tính rằng 9,5 triệu phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới do đại dịch mà có thể có nguy cơ mất quyền tiếp cận các dịch vụ tránh thai và phá thai của Marie Stopes trong năm 2020.
Bạo lực gia đình
Các báo cáo về bạo lực gia đình cũng đã tăng lên vì dịch bệnh.
Tại Pháp, các vụ bạo lực gia đình đã tăng một phần ba trong tuần phong tỏa đầu tiên, trong khi các vụ trình báo tăng 75% ở Úc và các vụ bạo lực đã tăng gấp đôi ở Lebanon.
Mặc dù bạo lực gia đình có thể xảy ra đối với cả nam và nữ, nhưng phụ nữ gánh chịu phần nhiều hơn; chẳng hạn như ở Mỹ, họ có khả năng gấp đôi bị bạn đời bạo hành và gấp 14 lần bị hãm hiếp.
“Chúng tôi biết bạo lực gia đình thường xảy ra trong gia đình,” Wenham nói. “Rồi bạn lại nhốt mọi người ở trong nhà vào thời kỳ căng thẳng trong khi họ không có tiền và không thể đi làm. Bạn không cần phải là một nhà khoa học để hiểu tại sao điều đó dẫn đến bạo lực gia đình nhiều hơn.”
Không thể phủ nhận bức tranh hiện tại rất ảm đạm – đối với cả hai giới theo những cách khác nhau.
Đối với nam giới, đặc biệt là những người trong nhóm tuổi lớn hơn, nguy cơ tử vong trước mắt do căn bệnh này là mối quan tâm lớn nhất.
Đối với phụ nữ, vốn có nhiều khả năng phục hồi hơn, những hậu quả khác của Covid-19 có thể còn kéo dài trong nhiều năm.
Và không hề quá muộn để các chính phủ phản ứng với những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất về kinh tế, Wenham nói.
Có rất nhiều điều có thể làm ngay bây giờ để đảm bảo những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất về kinh tế có thể phục hồi. “Chúng ta nên đảm bảo có gói kích thích kinh tế cho phụ nữ trong và sau dịch để giúp họ trở lại làm việc,” bà nói. “Có nơi giữ trẻ hay không khi phụ nữ cố gắng quay lại làm việc?”
Và, giữa sự u ám, nghiên cứu của Tertilt đã tìm ra hai tia sáng cuối đường hầm cho bình đẳng giới.
Đầu tiên là sự linh hoạt nơi làm việc. “Hàng triệu doanh nghiệp đang điều chỉnh để thích ứng với chương trình làm việc tại nhà ngay bây giờ,” Tertilt nói. Tại một số khu vực ở Mỹ, trong tháng Ba đã có sự gia tăng hơn 200% số cuộc họp qua truyền hình so với tháng trước đó.
“Trong phạm vi nhất định, điều này sẽ thay đổi các chuẩn mực đến một mức độ nào đó, và điều đó sẽ giúp dễ dàng kết hợp sự nghiệp và gia đình,” bà cho biết.
“Phụ nữ sẽ được lợi nhiều hơn từ những thay đổi này trong văn hóa kinh doanh và sự linh hoạt ở nơi làm việc bởi vì về mặt lịch sử họ là đối tượng chính chăm sóc con cái.”
Kết quả thứ hai liên quan đến một lát cắt nhỏ nhưng cũng đáng kể của lực lượng lao động.
Nghiên cứu của Tertilt xem xét các cặp vợ chồng dị tính, 8-12% trong số họ có thể bị đảo vào vai trò của người phối ngẫu do phong tỏa, bà cho biết.
“Hãy nghĩ về một cặp vợ chồng mà người vợ là bác sĩ ở tuyến đầu, và người chồng có công việc văn phòng có thể làm việc từ xa,” bà nói. “Ở cặp vợ chồng đó, rất có thể người chồng sẽ đột nhiên trở thành người đảm nhận nhiệm vụ trông con. Người vợ thì đang ở bệnh viện còn người chồng ở nhà làm việc từ xa và bằng cách nào đó đang trông trẻ.” Do ở Mỹ, có tới 60% việc chăm sóc trẻ em là do phụ nữ đảm đương, Tertilt nhận thấy rằng điều này có thể dẫn đến thay đổi đáng kể.
Những thay đổi trong giữ trẻ có thể dẫn đến những tác động lâu dài sau này. Chính sách ở các quốc gia như Đức và Thụy Điển đã phát hiện rằng cho phép các ông bố nghỉ chăm con làm tăng mức độ tham gia của những ông bố trong chăm con trong nhiều năm sau.
“Dựa vào đó, tôi sẽ suy luận rằng ngay cả ở đây, nếu phong tỏa chỉ kéo dài một hoặc hai tháng, tôi cho rằng sẽ có những ảnh hưởng lâu dài,” Tertilt nói. “Nếu nó kéo dài lâu hơn, tác động sẽ lớn hơn.”
Một cuộc khủng hoảng y tế như đại dịch corona càng làm nổi bật và trầm trọng thêm mọi sự bất bình đẳng, và bất bình đẳng giới chỉ là một trong số đó.
Mặc dù virus corona không phân biệt, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả các thành phần trong xã hội đều có nguy cơ bị tác động như nhau.
Martha Henriques (BBC)